Đội cứu nạn Tây Ninh và những lần xuyên đêm 'giải vây' cho phụ nữ bị bạo hành

Chắc hẳn cái tên Đội cứu nạn Tây Ninh đã không còn xa lạ với nhiều người. Đây là nhóm người thường xuyên giúp đỡ những người gặp tai nạn giao thông, cũng như “cứu vớt” phụ nữ bị bạo hành gia đình.

Làm cứu nạn vì ám ảnh sự ra đi của em gái


Đội cứu nạn Tây Ninh được thành lập bởi anh Đặng Văn Phúc (sinh năm 1980, ở KP.6, P.4, TP.Tây Ninh). Ở Tây Ninh, số điện thoại 0967343114 của Đội cứu nạn giao thông người ta đã thuộc làu làu. “Chỉ cần lưu số, lỡ đi đâu qua địa bàn thành phố Tây Ninh mà xe hư hỏng hay gặp tai nạn đều có thể gọi, chúng tôi sẽ ứng cứu”, anh Phúc - trưởng đội cứu nạn cho biết.

Phía sau quyết định thành lập Đội cứu nạn của anh Phúc là cả một câu chuyện buồn. Cả tuổi thơ của anh luôn bị ám ảnh bởi cái chết của em gái. Năm 6 tuổi, em gái anh bị tai nạn giao thông, dù anh đã cầu cứu tất cả mọi người nhưng không một ai đáp lại. “Nếu lúc đó, chỉ cần có ai đó lắng nghe hay đáp lại thôi thì em tôi đã không mất. Chính vì chuyện đó, tôi không muốn oán trách ai, cũng không muốn điều này lặp lại với những người khác xung quanh mình…” anh Phúc buồn rầu.

Anh cho biết, cứu nạn không phải là nghề mà là công việc tình nguyện. Nhóm anh chuyên giupa đỡ những trường hợp bị tai nạn giao thông, đi lạc, những người hỏng xe giữa đêm, những người bị tâm thần lang thang giữa đêm, những vụ bạo hành gia đình giữa đường… Công việc này cần phải có đầy đủ kiến thức về y tế, luật và kỹ năng giao tiếp để không bị mọi người hiểu lầm khi mình muốn giúp đỡ. Hiện nay, đội cứu nạn Tây Ninh do anh Phúc thành lập đã có 50 thành viên ở mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Thành viên nhỏ tuổi nhất mới 17, người cao tuổi nhất đã sắp 60.
 
Câu chuyện về Đội giải cứu Tây Ninh: Bất kể ngày đêm vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người xa lạ
Đội cứu nạn Tây Ninh được thành lập bởi anh Đặng Văn Phúc (sinh năm 1980, ở KP.6, P.4, TP.Tây Ninh).

Tất cả thành viên của đội đều là tình nguyện tham gia và trải qua những yêu cầu nhất định. Đầu tiên họ phải là người không sử dụng rượu bia, công việc ổn định. Sau 3 tháng thử thách, những thành viên vượt qua mới chính thức được vào nhóm. “Nói chung, các thành viên của đội đều có tính kiên nhẫn và chịu đựng rất cao. Ngày thường đã thế, ngày lễ Tết càng rõ ràng hơn. Nguyên nhân bởi, ngoài việc cứu giúp người tai nạn, hàng đêm nhóm còn đưa người say xỉn về nhà. Những người này nhiều khi còn chửi bới, văng tục thậm chí còn muốn hành hung nhóm. Nếu anh em không bình tĩnh thì rất dễ xảy ra chuyện”, anh Phúc kể lại.

Bao nhiêu năm nay, cứ nghe tin có ai tai nạn thì bất kể ngày đêm, nhóm luôn trực điện thoại 24/24 và đến tận nơi giúp đỡ. Ngày vài trường hợp, ngày có tới hàng chục người cần giúp đỡ, con số đến bây giờ là bao nhiêu người được trợ giúp anh Phúc cũng không nhớ nổi. Có khi đang bận kiếm tiền mưu sinh và có người cầu cứu, Đội cứu nạn lại tức tốc lên đường. “Có khi anh em đang và mải miếng cơm nhưng có tin tai nạn cũng bỏ chén bỏ đũa mà chạy ngay. Ngày thì quần quật từ sáng đến tối, đến khi biết người dân đã về nhà, sum họp bên gia đình thì nhóm mới dám tự tin dùng qua quýt bữa chiều. Việc cứu người là không thể hoãn được, phải giúp được ngay mới cảm thấy nhẹ lòng”, anh Phúc bổ sung.

“Cứu vớt” phụ nữ bị bạo hành gia đình 


Không chỉ tận tình giúp đỡ những người bị tai nạn, Đội cứu nạn giao thông còn không thể “làm ngơ” với những lời cầu cứu của những người phụ nữ khốn khổ. Trắng đêm giải cứu cô gái bị chồng đánh đập dã man, chạy đua thời gian cứu cô gái suýt bị thiêu sống… người dân đã ưu ái gọi Đội cứu nạn Tây Ninh là 'biệt đội' giải cứu những nạn nhân bị bạo hành. Thậm chí, những nạn nhân sau khi được giải cứu còn không thể tin, nơi mình được giải thoát vốn từng là mái ấm, chỉ trong phút chốc đã biến thành địa ngục đáng sợ.
 
Câu chuyện về Đội giải cứu Tây Ninh: Bất kể ngày đêm vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người xa lạ
Hiện nay, đội cứu nạn Tây Ninh do anh Phúc thành lập đã có 50 thành viên ở mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.
 
Đáng nhớ nhất là vụ việc giải cứu cô gái bị chồng bạo hành dã man bằng dây nịt ở Tây Ninh. Nạn nhân là chị L.T.S (27 tuổi, ngụ xã An Tịnh, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Tối 8/2, anh Phúc bất ngờ nhận được cuộc gọi cầu cứu của S với giọng yếu ớt cùng những hình ảnh vết thương trên khắp cơ thể. Trắng đêm hôm đó, cả Đội anh Phúc đã lập tức đến hiện trường để bảo vệ an toàn cho nạn nhân. Khi đến tận nơi, trực tiếp nhìn thấy những vết lằn bầm tím chằng chịt trên người S cùng lời khẩn cầu mong được giải thoát khiến ai nấy đều xót xa.

Trước đây, Đội cứu nạn cũng vất vả xuyên đêm để giải cứu cô gái 21 tuổi N.T.K.N (ngụ H.Chợ Mới, An Giang) suýt bị bạn trai quen qua mạng tẩm xăng thiêu sống vào tháng 11/2019. Bạn trai N vốn là con nghiện, thường xuyên bạo hành cô nhưng cả xóm không ai dám ho he vì bị dọa giết. Mãi đến khi cô bị bạn trai tra tấn dã man, lấy cán dao đập gãy xương, tưới xăng lên đầu suýt đốt cháy… thì N mới được người bạn giải cứu. Nhưng khi đang bỏ trốn, N bị bạn trai bắt lại, xịt hơi cay vào mắt và tiếp tục tra tấn. Đến khi Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh xuất hiện và giải cứu, “cơn ác mộng” của N mới kết thúc. Sau vài ngày ra ngoài, N vẫn “không tin mình đã được cứu sống”.
 
Câu chuyện về Đội giải cứu Tây Ninh: Bất kể ngày đêm vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người xa lạ
Không chỉ tận tình giúp đỡ những người bị tai nạn, Đội cứu nạn giao thông còn không thể “làm ngơ” với những lời cầu cứu của những người phụ nữ khốn khổ.

Một trường hợp khác cũng khốn khổ vì bị chồng bạo hành là chị Trần Thị Tuyết Mai ngụ ấp 7, xã Suối Dây, H.Tân Châu). Vì tính hay ghen tuông, anh Phạm Chí Linh (chồng chị Mai) liên tục bóp cổ rồi ấn đầu vợ xuống hồ bơi. Không những thế, người đàn ông 33 tuổi còn liên tục dùng chân đấm đá vào vợ ngay trước mặt 2 con nhỏ. Sự việc không ai biết cho đến khi một người thân nhìn thấy qua camera gia đình. Ngay khi nhận tin báo, Đội cứu nạn lập tức đến nơi xảy ra vụ việc rồi đưa nạn nhân đi khám trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm.

Cả 3 vụ việc trên khiến anh Phúc vô cùng trăn trở. Hầu hết các nạn nhân đều bị điều tiếng như “chắc là ngoại tình”, “chắc do theo trai”… nên mới bị đánh. Chính điều này khiến anh Phúc không khỏi tức giận. Với anh, đánh đập bạo hành vợ dù bất cứ lý do nào đều không thể chấp nhận, cần phải có hình phạt để đủ sức răn đe những kẻ bạo hành để không còn nạn nhân nào phải hứng chịu những điều tồi tệ như vậy nữa.

Khi được nhiều người hỏi: “Có bao giờ nghĩ đến việc dừng làm công việc “bao đồng” này không?”, cả Đội cứu nạn đồng lòng: “Không bao giờ. Chúng tôi luôn nặng lòng với những người bị tai nạn nên chẳng lỡ rời bỏ công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa này. Chúng tôi chỉ mong câu chuyện về lòng nhân ái và ý nghĩa của nhóm sẽ được lan tỏa khắp cả nước. Dù là năm 2018, 2019 và những năm sau nữa, bất kỳ khi nào người dân cần, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi không cần báo đáp bằng tiền, chỉ cần người bị nạn nói lời cảm ơn, dành tặng một cái bắt tay, một cái ôm là đủ rồi. Khi biết mọi người đã qua cơn nguy kịch chính là niềm hạnh phúc không gì diễn tả được”.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/02/19/cu-ong-80-tuoi-hang-ngay-chay-xe-ba-gac-khap-sai-gon-ban-quan-ao-0-dong_19022020100854.mp4[/presscloud]
Video: Thanh Niên. 
 

Thùy Nguyễn (t/h)