Những ngày đầu khó khăn
Vốn là người con đất Cảng (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), năm 1995, chị Hà Thị Oanh khi đó mới chỉ là một cô giáo trẻ 23 tuổi xuân đã quyết định bước chân theo chồng ra đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ngày đó, cô gái tuổi đôi mươi không khỏi chạnh lòng khi phải xa gia đình, tới một chân trời mới đầy lạ lẫm và khó khăn. Khi ấy, Thổ Châu chỉ có khoảng 20 nhà ở, đường xá đi lại khó khăn. Không những thế, thời tiết nơi đây còn vô cùng khắc nghiệt, nhiều khi cả tháng mới có một chuyến tàu về đất liền vì biển động liên tục.
Nhìn cảnh trời biển bát ngát, mênh mông không điểm dừng, chị Oanh càng thêm đau đáu nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, những lúc ấy ông xã liên tục động viên “chỉ cần hai vợ chồng đồng lòng sẽ vượt qua mọi khó khăn”. Thế rồi, chính lối sống chan hòa, yêu thương và chân chất thật thà của người dân trên đảo đã khiến cô gái trẻ dần hòa nhập, trở nên gắn bó với vùng đất này. Mọi người sống gần gũi như một gia đình lớn, luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Gắn bó với đảo Thổ Chu đã 25 năm, cô giáo Oanh (hiện đã là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Thổ Châu trên đảo Thổ Chu) chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định năm xưa của mình: “Chúng tôi đã cùng những người dân ở đây bám đảo, không chỉ đơn thuần là xây dựng cuộc sống, thiêng liêng hơn là chúng tối đang góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước”.

Đảo Thổ Chu cách đất liền hơn 200km đường biển. Xưa kia, giao thông chưa được thuận lợi, muốn từ đất liền ra đảo phải qua hai chuyến tàu khách và mất khoảng 16 tiếng đồng hồ. Trên tàu cũng chẳng có gì hiện đại, phương tiện thông tin vô cùng đơn giản chỉ là chiếc đài nhỏ để nghe chương trình phát thanh. Trên đảo cũng có vẻn vẹn 2 thầy giáo và 2 lớp học. Thấy đảo thiếu giáo viên, cô Oanh xin tình nguyện ra dạy 1 lớp. Thế là, cô gái trẻ khi ấy được tạo điều kiện để đi học sư phạm ở Kiên Giang. Từ năm 1996, cô giáo Oanh chính thức công tác, gắn bó với trường cho đến tận ngày nay.
Nhớ lại những tháng năm trước kia còn thiếu thốn, cuộc sống người dân trên đảo Thổ Chu vô cùng khó khăn khiến chị Oanh bồi hồi. Chẳng đủ cơm ăn áo mặc, những đứa trẻ đứa nào đứa nấy đều gầy gò, yếu ớt. Chúng còn theo bố mẹ di cư tự do, nay đây mai đó nên không thể thường xuyên đến lớp, cứ nghỉ học suốt. Nhìn những chỗ ngồi trống vắng, trong lòng cô giáo không khỏi đau đớn, xót xa. Cô Oanh bộc bạch: “Nhiều khi cũng buồn và nhớ nhà lắm, nhưng chỉ cần nhìn nụ cười của các cô cậu học trò với mái đầu khét mùi nắng gió, tôi lại cảm thấy vững tâm hơn với nghề”.

Để giúp các em học sinh hiểu hơn về truyền thống, phong tục của mỗi địa phương trên khắp cả nước, các thầy cô sẽ lồng ghép giới thiệu về quê hương của mình trong từng bài giảng. Có thể thấy, các em đều rất hào hứng, đón nhận và tiếp thu cũng như biết được nhiều hơn về nền văn hóa đa dạng của đất nước. Dù lúc đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng dần dần mọi người đã xích lại gần nhau, gắn bó và nương tựa nhau đến ngày nay. “Qua quá trình gắn bó, công tác và giảng dạy hơn 20 năm, tôi thấy lựa chọn của mình hoàn toàn đúng đắn”, cô giáo Oanh bộc bạch.
Những tấm gương vượt khó
Hòn đảo tuy xa nhưng lại gần gũi như một đại gia đình. Sự chan hòa gắn kết ở nơi đây đã khiến những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ nhà và dần coi hòn đảo trở thành quê hương thứ hai của mình. Trong 25 năm ở Thổ Chu, chỉ khi có công việc đột xuất, còn không thì 4-5 năm chị Oanh mới về thăm nhà, thăm quê một lần. Thời gian đầu ra đảo, không ít thầy cô giáo trẻ bi quan khi thấy điều kiện ở đây khó khăn. Tuy nhiên, chính ánh mắt trẻ thơ và tấm lòng của người dân nơi đây đã níu giữ họ ở lại. Đó cũng chính là động lực để thầy cô dành hết tâm huyết và bù đắp cho học sinh. Những món quà tri ân cũng vô cùng đặc biệt, chỉ là những bánh xà bông thơm hay những bó hoa dại trên rừng cũng đủ khiến cho thầy cô ấm lòng, cảm động.

Mỗi dịp Tết đến, không khí ở hòn đảo nhỏ phía Tây Nam Tổ quốc cũng vô cùng nhộn nhịp. Các giáo viên cũng được chính quyền địa phương quan tâm và động viên bằng những món quà nhỏ ý nghĩa. Phía nhà trường cũng tạo điều kiện cho thầy cô có thêm khoản thu nhập, dù không lớn nhưng phần nào giúp họ có một cái Tết đầy đủ và ấm áp hơn. Bên cạnh đó, đoàn Thanh niên trường cũng tổ chức giao lưu với các đơn vị bộ đội trên đảo. Không những thế, các đoàn thanh niên tình nguyện ở trong đất liền cũng ra tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết tình quân dân, mang tình cảm của quê hương của đất liền ra với đảo xa. Mọi người cùng nhau gói bánh chưng, tổ chức đi thăm hỏi, chúc Tết nhau để giúp nhau vơi đi nỗi nhớ nhà khi đón Tết xa quê, xa gia đình.