Không khí kỷ niệm ngày 19/8 đầu tiên

Ngân Hà
“Khắp trời Nam, đều đỏ rực và sáng ngời cờ đỏ sao vàng. Khắp trời Nam, toàn thể dân tộc đã tưng bừng và hân hoan tưởng niệm lại ngày thoát khỏi xiềng xích”. Đó là những dòng ghi chép nhanh của ký giả báo Độc Lập về không khí ngày kỷ niệm 19/8 đầu tiên của dân tộc ta, ngày 19/8/1946.

121-4081-1692461073.jpg

Hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại phố Tràng Tiền năm 1946.

Thật lạ khi tên bài viết trong báo Độc Lập ngày 19/8 năm đó là: “Tinh thần dân tộc trong ngày Quốc khánh”? Hiện nay, người dân cả nước và bạn bè quốc tế đều biết ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của Việt Nam, đây cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, theo Sắc lệnh 141 bis ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký về việc lấy ngày 19/8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là ngày Quốc khánh Việt Nam. Điều đó đã lý giải tại sao trên nhiều tư liệu thời đó, cũng gọi ngày 19/8 là ngày Quốc khánh.

Mười vạn người đội mưa đi mít-tinh

Không khí ngày kỷ niệm 19/8 đầu tiên được các nhà báo ghi lại chân thực như sau: “Cờ đỏ sao vàng rực trời, những cổng chào dựng lên ở các đầu phố, biểu ngữ và đèn ở cửa khắp mọi nhà… Mỗi khu phố có một cổng chào. Trên các cửa, những biểu ngữ la liệt, chỗ nào cũng thấy “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm!”, “Đoàn kết thống nhất!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” (báo Sự Thật, ngày 24/8/1946).

Cũng theo báo Sự Thật ngày này: “Từ sáng ngày 19/8, quanh công trường đền Bà Kiệu, công chúng đã tụ tập rất đông để đợi Chính phủ đến đặt vòng hoa ở đài kỷ niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước. Mọi người sung sướng vì có trước mắt một công trình kỷ niệm biểu dương lòng tưởng nhớ các tử sĩ của mình”.

Còn trên báo Vì nước ngày 20/8/1946 thì ghi lại: “Trong cái ngày 19/8/1946 thiêng liêng đó, ngay từ 1 giờ chiều, mười vạn người trong các đoàn thể lục tục kéo tới một cách trật tự và chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mấy ngả đường trước cửa Nhà hát Lớn đã kín những đầu người, cờ và biểu ngữ.

Các đoàn thể như công nhân hỏa xa, công nhân máy điện, xe điện, vô tuyến điện đã trưng bày nhiều vật tượng trưng cho nghề của mình, trông rất vui mắt và thiết thực như những chiếc đầu tàu, xe điện, thuyền…”.

Kỳ công hơn, công nhân điện khí đã kết rất nhiều đèn điện chung quanh chiếc máy phát điện, Sở vô tuyến điện thì làm chiếc tháp vô tuyến điện ở mũi chiếc ô-tô đặc biệt; chị cứu thương thì mặc bộ y phục trắng (báo Sự Thật, ngày 24/8/1946).

Trên báo Lao Động, ngày 24/8/1946, các ký giả bình luận: “Trong cuộc vui mừng chung này của cả nước nhà, giai cấp Việt Nam đã có dịp tỏ rõ ra một tấm lòng mãnh liệt yêu nghề, yêu các khí cụ sinh sản, vì những thứ này là những vũ khí của công nhân ở mặt trận hậu phương kiến quốc…”.

“Đúng 3 giờ chiều, cuộc mít-tinh khai mạc, cụ quyền chủ tịch đứng đọc diễn văn sau những tiếng hoan hô vang dậy. Cụ quyền chủ tịch lần lượt nhắc lại những thời gian đã qua mà toàn dân Việt Nam phải quằn quại đau khổ dưới ách của thực dân và chính sách quân quyền, và cụ đưa lại những chiến công oanh liệt của các vị anh hùng đã hy sinh vì mục đích tối cao của Tổ quốc rồi kết luận: “Ngày nay chúng ta sung sướng kỷ niệm ngày cách mệnh thành công, chúng ta không thể quên được các danh nhân ấy. Trước giai đoạn ngày nay đang còn diễn ra nhiều khó khăn vất vả, nhưng càng khó khăn ta lại càng đoàn kết, càng vất vả ta lại càng hy sinh” (báo Vì nước, ngày 20/8/1946).

Sau đấy, cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội lên đọc diễn văn. Báo Cứu Quốc, ngày 23/8/1946 có thuật lại bài diễn văn của cụ Nguyễn Văn Tố đọc thay mặt Quốc hội Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Ngày 19 tháng 8 là ngày phải nhớ đến muôn đời, phải ghi vào lịch sử nước nhà vì là ngày nước nhà đã thoát khỏi vòng lao lung và là ngày mong đợi đã 80 năm nay”.

Tiếp theo là ông Tôn Quang Phiệt - đại biểu Liên hiệp quốc dân, rồi ông Dương Đức Hiền, đại diện Tổng bộ Việt Minh lần lượt lên phát biểu. Trời mưa lớn, mỗi lúc một nặng thêm, 10 vạn người vẫn không nhúc nhích, hàng ngũ vẫn trật tự và lần lượt xếp hàng đi biểu tình thị uy qua các phố.

“Mưa vẫn trút xuống, lá cờ cầm ở tay của mọi người đã nặng nước mưa, nhưng vẫn vui vẻ và mạnh bạo nhịp bước tiến qua các phố. Đoàn thể phụ nữ, đoàn thể thiếu nhi không một chút sờn lòng, các chị và các em ướt như chuột lột vẫn phất cờ vui vẻ hát vang rội khắp phố. Sau đấy đoàn biểu tình trật tự giải tán ở Bờ Hồ kết thúc cho một ngày kỷ niệm đầy một ý nghĩa “hy sinh”, “đoàn kết” và “quyết chiến” (báo Vì nước, ngày 20/8/1946). Khí thế ấy như được tái hiện lại sinh động trong bài thơ “Biểu tình” của tác giả Nguyễn Ngọc Kha: “Những viên đá là lớp người tua tủa/Cồn sóng cờ xô biểu ngữ chan chan/Trời nghiêng đi nhường sợ lóe sao vàng/Đất lay chuyển mà coi bề rạn rạn… (báo Lao Động, ngày 24/8/1946).

Từ “Ôn cố nhi tri tân”…

Các tư liệu báo chí cho biết, trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngày 19/8 đầu tiên, vào ngày 23/8/1946 tại Nhà hát Lớn, Đoàn báo chí Việt Nam đã tổ chức một buổi nói chuyện rất trọng thể, có đại diện chính phủ tới chủ tọa. Một số lớn đồng bào Thủ đô đã đến dự, và Nhà hát Lớn vây kín người.

Đúng 9 giờ, cuộc nói chuyện bắt đầu sau lễ chào cờ và mặc niệm, ông Nguyễn Đức Thuyết (chủ nhiệm báo Vì nước) đã giới thiệu các diễn giả và ông cũng thông báo trước những điểm chính và mới lạ trong bài phát biểu mà các diễn giả sẽ lần lượt trình bày. Hai diễn giả tham dự là ông Nguyễn Tường Phượng, Chủ tịch Đoàn báo chí và ông Trần Huy Liệu, Chủ nhiệm báo Sao Vàng.

Bằng một giọng dứt khoát, rõ ràng, ông Nguyễn Tường Phượng đã làm thính giả hiểu sơ qua những trang sử cách mạng rực rỡ trong tám mươi năm thực dân Pháp đô hộ. Những tài liệu trong bài diễn văn của ông toàn là những tài liệu quý giá, tỏ rõ một công trình được tìm tòi thận trọng.

Tiếp theo lời ông là ông Trần Huy Liệu nói về báo chí với cuộc cách mạng. Ông phân tách tỉ mỉ từng giai đoạn của báo chí trong công cuộc cách mạng và bao giờ cũng cố gắng bày tỏ để mọi người hiểu rằng nhà văn, nhà báo có một nhiệm vụ rất quan trọng trong mọi trường hợp vận động giải phóng dân tộc. Diễn giả Trần Huy Liệu được mọi người chú ý nhiều khi nói tới những tờ báo bí mật và cách viết, cách in của những tờ báo đó.

… đến các hoạt động văn hóa sôi nổi

Cũng để kỷ niệm ngày 19/8 đầu tiên, cuộc trưng bày mỹ thuật và điêu khắc của cuộc triển lãm Tháng Tám đã được chú ý sửa soạn từ trước và những tác phẩm đem ra trưng bày đã phải chọn lọc kỹ càng, để “chấm”cho ngày kỷ niệm 19/8 một “trang” mỹ thuật huy hoàng và xán lạn.

Ngày 18/8/1946, phòng triển lãm đã rực rỡ khánh thành tại Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Chỉ sau khi khánh thành ít lâu, công chúng đổ xô vào xem như nước chảy, đông quá sức tưởng tượng. Thậm chí đến sáng 19/8, ban tổ chức còn không đủ vé vào cửa để bán cho khách tham quan.

Theo mô tả của ký giả báo Vì nước, đăng ngày 20/8/1946, thì quang cảnh phòng triển lãm hôm đó vô cùng mỹ lệ: “Gian dưới từ bậc cầu thang sang cửa bên ban tổ chức thu hẹp lại cho xinh xắn bằng những bức tường bày chiếc kẹp gỗ, qua lần cầu thang sang gian khánh tiết của Nhà hát Lớn và tường bên đã chan hòa một mầu sáng êm dịu theo mầu sắc thư thái và nhẹ nhàng của những bức tranh”.

“Toàn thể các họa sĩ đã góp nhiều “tài hoa” và toàn thể các nghệ sĩ đã cùng rung một nhịp chiếc dây đàn nghệ thuật. Phóng tầm mắt qua một lần toàn thể tác phẩm cho chúng tôi một cảm giác, các nghệ sĩ từ những vị đàn anh đến những tài hoa mới chớm nở đã có một sức chịu đựng phi thường của bầu không khí chính trị trong một năm vừa qua. Nín thở, âm thầm các nghệ sĩ vẫn tung ra những nét bút bóng bẩy, những màu sắc phong phú và mới lạ” (Báo Vì nước, ngày 20/8/1946).

Theo nhận xét của các ký giả thời điểm đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã tìm được một lối đi quang đãng và mạnh mẽ hơn. Họa sĩ Trần Phúc Duyên với những mầu sắc nhẹ nhàng và êm dịu đã làm những người ngắm tranh dù khó tính cũng phải trút hết những gì đang khó chịu. Họa sĩ Lương Xuân Nhị cũng đã thành công trong tác phẩm người chiến sĩ. Nhà nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim rất thành công trong những tác phẩm đã trưng bày, những bức tượng bán thân của Hồ Chủ tịch và bức tượng người chiến sĩ… Một vài tác phẩm khác cũng có giá trị không kém là: “Hồn Cách mạng” của Lê Quang Lộc, “Thái Bình” của Nguyễn Văn Bình, “Lửa mới” của Trần Đình Thọ,…

Cũng để kỷ niệm ngày 19/8 đầu tiên, sáu đoàn ca kịch Thủ đô, bao gồm: Ái Liên, Hồng Kỳ, Hiệp Thành, Tố Như, Đại Quốc Hoa, Nhật Tân đã bàn hợp nhất cùng nhau cống hiến cho bà con tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội) trong hai ngày liền 18 và 19/8/1946 từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, nhiều vở ca kịch rất đặc sắc biểu dương tinh thần đoàn kết, chiến đấu, quật cường của dân tộc Việt Nam. Tiền thu được đều giúp quỹ Kháng chiến miền Nam (báo Kiến quốc, ngày 15/8/1946). Đặc biệt, nói về kịch thì phải nói đến vở kịch

“19-8”của nhà văn Thâm Tâm được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã gây được tiếng vang trong công chúng Hà thành. Các ký giả báo Vì nước đã dành tặng lời khen cho nhà văn vì đã tìm được những câu nói rất “ý nhị và hóm hỉnh” và “hết sức đúng với hoàn cảnh nhân vật” (báo Vì nước, ngày 22/8/1946).

Trải qua 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta lại vui mừng kỷ niệm một dấu mốc trọng đại của dân tộc ta. Xin mượn lời của một ký giả báo Sự Thật: “Chúng ta vui nhớ ngày giải phóng. Chúng ta vui vì đã vượt qua muôn trùng thử thách khó khăn. Chúng ta vui hơn hết chính vì ngày hôm nay, muôn người như một, triệu người như một, đều chung một nguồn vui, cái vui đoàn kết của cả một dân tộc đang phấn đấu!” (báo Sự Thật, 24/8/1946).

Trần Đức Anh