Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng

Hành động dụ dỗ, cưỡng ép, đùa giỡn… liên quan tới tình dục hoặc giới tính mà không có sự đồng thuận hoặc gây khó chịu cho một trong hai người, nhất là đối với phụ nữ, đều là khiếm nhã và đáng lên án.

Trong những ngày tìm kiếm tư liệu cho tuyến bài về nạn quấy rối tình dục, lắng nghe những câu chuyện từ thực tế, chúng tôi dễ dàng tìm được những thông tin mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa.

Tuy nhiên, thật khó để tìm được những câu chuyện, những chia sẻ từ chính người trong cuộc, nạn nhân của quấy rối tình dục.

Nỗi lòng người khiếm thị

Đối với người khiếm thị làm việc tại những cơ sở massage, công việc này mang lại nguồn thu nhập giúp họ nuôi sống bản thân và trên hết là họ có thể kiếm tiền lương thiện bằng chính sức lao động của mình.

quấy rối tình dục
Quấy rối tình dục nơi công cộng đang là một vấn nạn phổ biến và ngày càng trầm trọng. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên có thể nói nỗi sợ lớn nhất với những người khiếm thị làm nghề massage chính là nạn quấy rối tình dục, nhất là với những bạn nữ.

Cô gái khiếm thị NTT chia sẻ: Có những vị khách, họ có những đòi hỏi quá đáng, rồi họ có những hành động đụng chạm khiếm nhã thì họ lại bảo là vô tình. Khi mình có những phản ứng gay gắt thì bị họ quát tháo, la mắng. Không chỉ vậy, trong lời nói của họ còn chứa đựng những câu từ chạm đến nỗi đau của chúng tôi.

Một bạn khiếm thị nam cũng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục khi làm việc, chia sẻ: “Mình không thấy đường, có những lúc đang ngủ thì mấy ổng lén vào giở trò, hoảng quá la lên thì mới chịu buông ra. Lúc mình massage thì mấy ổng cũng không để yên đâu, khách bình thường là thích đấm bóp lưng và tay chân cho đỡ mỏi, còn mấy ổng vào là có những hành động, yêu cầu quá đáng”.

Anh Nguyễn Minh Hải - Quản lý của một cơ sở masage khiếm thị tại TP.HCM chia sẻ, có trường hợp nhân viên nữ khiếm thị thường xuyên bị những khách nam sờ soạng, thậm chí có lần nghiêm trọng nhất, một khách hàng nam sau khi mua dịch vụ phòng riêng đã khóa kín cửa và có những hành động tấn công nữ nhân viên nhằm thảo mãn mục đích của họ. Rất may, người bạn khiếm thị làm chung đã lao vào đẩy vị khách đó ra.

Vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, mong rằng xã hội lên án mạnh mẽ vấn nạn này, nhất là nó xảy ra với những người khiếm thị, đây là đối tượng yếu thế, sức phản kháng thấp, dễ bị tổn thương khi rơi vào những tình huống xấu”.

Ám ảnh quá khứ vẫn theo đuổi tương lai

Tôi rất khó khăn khi phải kể lại tuổi thơ không bình yên của mình. Tôi nhiều lần phải đi tham vấn, trị liệu tâm lý nhưng những ký ức buồn khiến tôi luôn lẻ loi, sợ tiếng ồn, sợ đám đông. Tôi luôn tự kết tội mình…

Tổn thương quá khứ đuổi theo tương lai của tôi, tôi không dám chia sẻ với ai chuyện này. Cứ nghĩ đến là tôi hoảng sợ, muốn xoá nó đi ngay lập tức, nhưng nó vẫn hiện ra, bất cứ khi nào.

Khi đã làm mẹ, tôi muốn con tôi lớn lên mạnh mẽ, biết bảo vệ mình, phản đối cái xấu, biết bảo vệ mình. Tuy nhiên, tôi có thể dùng chuyện của người khác để dạy con, còn chuyện của tôi vẫn là bí mật.

Chị H, một nạn nhân

Tôi xấu hổ khi nhìn thấy người khác bị quấy rối

Ông Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách “Tuổi trẻ bạn đã làm gì?”, luôn quyết liệt phản đối cái cách mà những vị khách nam, lớn tuổi đối xử với nhân viên, người phục vụ tại nhà hàng quán nhậu.

Ông kể: “Vì lý do công việc, tôi từng ngồi với một đối tác tại quán nhậu, theo yêu cầu của ông ấy. Tại đây, các em tiếp thị bia mặc váy rất ngắn và áo khoét rất sâu. Thấy ông đến, do là khách quen, họ vây quanh cười nói tíu tít với ông; rồi bắt đầu khui bia, đập khăn lạnh lau mặt và cười đùa cợt nhả.

Thấy tôi có vẻ không thoải mái, ông đùa bảo: “Cứ thoải mái lên, tự nhiên như ở nhà đi cháu. Bác không méc người yêu cháu đâu!”. Khi tôi từ chối một cô tiếp viên dùng khăn lạnh lau mặt, ông cười bảo: “Nói thật đi, còn zin phải không? Nếu muốn thì bác dẫn mày đi từ A đến Z cho mở mang tầm mắt” rồi ông quay sang tiếp tục đùa giỡn với hai cô tiếp viên đáng tuổi con bên cạnh.

Suốt bữa tiệc đó, tôi chỉ ăn uống qua loa cho có rồi kiếm cớ để về sớm mà trong lòng cảm thấy cực kỳ khó chịu. Sau lần đó, tôi không còn đi chung với vị khách đó lần nào nữa.

Thật lòng mà nói tôi chả phải thần tiên hay Đường Tăng mà thấy gái đẹp không động lòng, nhưng tôi không thích những nơi con người có thể bỏ ra tí tiền thì có thể đùa bỡn hoặc đụng chạm phụ nữ một cách tùy tiện. Có thể đối với nhiều người đó là phong lưu, nhưng đối với tôi đó là sự thô tục và khiếm nhã. Nguyên tắc của tôi là chuyện công việc thì bàn ở văn phòng hoặc cùng lắm là ở một quán cà phê yên tĩnh chứ không phải ở quán nhậu tay vịn.

Tất cả những hành động dụ dỗ, cưỡng ép, đùa giỡn… liên quan tới tình dục hoặc giới tính mà không có sự đồng thuận hoặc gây khó chịu cho một trong hai người, nhất là đối với phụ nữ, đều là khiếm nhã và đáng lên án. Bởi vì những hành vi đó đều thể hiện sự coi thường nhân phẩm của người kia, không có lý do gì để biện minh cả".

Nạn nhân cần quyết liệt phản đối và thể hiện thái độ cứng rắn
Hành vi QRTD nơi công cộng như nơi làm việc, học tập, vui chơi giải trí, kể cả không gian mạng... là vấn đề nhức nhối, cần lên án và cảnh báo đến mọi người. QRTD được biểu hiện ở 3 dạng chính gồm các hành vi liên quan đến thể chất, hành vi liên quan đến lời nói, hành vi liên quan đến phi lời nói.

QRTD nơi công cộng tác động xấu đến tâm lý của nạn nhân, gây nên sự ngại ngùng, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và tổn thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần. Đồng thời phá vỡ sự bình đẳng giữa nam, nữ cũng như cộng đồng LGBTQ+, làm cho môi trường sống, học tập, làm việc, vui chơi trở nên thiếu an toàn, kém văn minh, tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc, hiệu quả học tập.

Khi bị QRTD nơi công cộng, nạn nhân cần thể hiện rõ quan điểm và thái độ cứng rắn đối với đối tượng quấy rối, cần lên tiếng thay vì im lặng. Nếu cần thiết, phải thu thập các chứng cứ như ghi âm, ghi hình để lưu trữ chứng cứ nhằm trình báo với cơ quan chức năng, thông tin đến người thân để nắm tình hình. Đồng thời, dũng cảm đối mặt với sự việc để đưa ra ánh sáng nhằm bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh, không đổ lỗi cho chính mình.

Phòng tránh, lên tiếng về hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng là trách nhiệm của toàn xã hội. Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về việc phòng chống quấy rối liên quan đến tình dục, đặc biệt là trong các tổ chức, doanh nghiệp, nơi làm việc thông qua các biện pháp giáo dục, đào tạo, truyền thông trực tiếp và gián tiếp.

Xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến QRTD. Xây dựng và thực hành văn hóa công sở, văn hóa ứng xử nơi công cộng để duy trì được môi trường an toàn, lành mạnh, bình đẳng, tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực của mọi người.

ThS ĐINH VĂN MÃI, giảng viên Trường Đại học Văn Lang

Thảo Hiền - Trần Linh