Hà Nội xuất hiện viêm não Nhật Bản, làm ngay điều này để phòng bệnh cho con

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao.
Triệu chứng dễ chủ quan
 
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Đó là một cháu bé 4 tuổi ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Bệnh nhi nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Hiện tại tình trạng bệnh đã có diễn biến khả quan. Theo các chuyên gia, so với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn (ca bệnh đầu tiên trong năm 2018 được ghi nhận vào giữa tháng 6).
 
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản. Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm tỷ lệ mắc bệnh cao. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc).
 
Trẻ mắc viêm não Nhật Bản, nhập viện là cách điều trị duy nhất
 
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê.
 
Thường thì viêm não Nhật Bản diễn tiến theo 3 giai đoạn:
 
Ủ bệnh: Trung bình là 1 tuần, khởi phát với triệu chứng sốt cao 39 độ C – 40 độ C hoặc hơn. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Cạnh đó là tình trạng cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, thần kinh lú lẫn hoặc mất ý thức trong 1-2 ngày đầu.
 
Phát bệnh: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Lúc này, virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Các triệu chứng từ ngày 1-2 tăng lên khiến bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản. Mạch thường nhanh và yếu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
 
Lui bệnh: Là khi bước sang tuần thứ 2, nhiệt độ giảm dần, hôn mê dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, đau đầu.
 

Sốt là triệu chứng đầu tiên của viêm não Nhật Bản nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
 
Đề phòng muỗi đốt
 
Viêm màng não Nhật Bản tiến triển nhanh và gây ra hậu quả nặng nề. Ước tính, khoảng 25 - 35% bệnh nhân tử vong và khoảng 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, tâm thần. Tử vong nhiều nhất trong 7 ngày đầu khi hôn mê sâu, co giật và tổn thương hành não gây rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng, tử vong giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng viêm phổi, suy kiệt...
 
Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động. Còn di chứng muộn (thường từ cuối tuần thứ 2 trở đi) là: Loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá hoặc động kinh, nghe kém/điếc, rối loạn tâm thần...
Con đường lây truyễn virus viêm não Nhật Bản
Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Bởi vậy, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân chủ động tiêm phòng vắc xin cho trẻ. Loại vắc xin này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, hoàn toàn miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi.
 
Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vắc xin đủ 3 liều. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 7-14 ngày. Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Do đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
 
Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus, sau đó đốt người lành và truyền virus cho người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus. Bởi vậy, việc vệ sinh môi trường cũng hết sức quan trọng.
 
Khi đi ngủ cần ngủ màn, sử dụng các loại thuốc xịt thảo dược ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới chống muỗi cho tất cả các cửa nhà, cửa sổ. Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất. Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà để hạn chế muỗi sinh sôi.
 
Trẻ bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản sau 4-8 ngày ủ bệnh sẽ có các triệu chứng giống cảm cúm, biểu hiện: Sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy, run, nhức đầu, nôn mửa... một số trẻ có thể có rối loạn tâm lý. Nếu có các dấu nghi ngờ trên, trẻ cần phải được nhập viện càng sớm càng tốt để phát hiện sớm bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm. Những trẻ phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ giảm dần và khỏi hẳn, ít gặp di chứng.
Phạm Ngọc (t/h)