Nhiều cặp đôi Hàn Quốc ly hôn vì mâu thuẫn trong tài chính và việc phân chia việc nhà. Ảnh: Baek So-ah/The Hankyoreh. |
"Một phụ nữ từng tìm tôi tư vấn thậm chí còn chuẩn bị một file excel ghi lại phần việc nhà chồng cô ấy đã làm, cách hai người phân chia nhiệm vụ trong việc nuôi dạy con cái và chi phí sinh hoạt. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay cảm thấy không có lý do gì để tiếp tục mối quan hệ nếu hai bên không chịu gánh nặng ngang nhau", một luật sư về ly hôn cho biết.
Theo các nguồn tin pháp lý của Chosun Ilbo, hầu hết cặp vợ chồng Hàn Quốc đang muốn ly hôn hiện ở độ tuổi giữa 30 đến đầu 40, những cặp đôi đã bất hòa từ vài năm đầu chung sống.
"Khái niệm cho rằng một cặp vợ chồng là một tập thể kinh tế không còn được áp dụng nữa. Trong quá khứ, các cặp vợ chồng thường góp tiền chung để trang trải các khoản chi phí và đầu tư. Nhưng ngày nay, dù có thể mở một tài khoản ngân hàng chung để trang trải phí sinh hoạt, mỗi bên vẫn quản lý tiền của mình một cách riêng biệt", một luật sư ly hôn khác cho hay.
"Một số người thậm chí còn cáo buộc vợ/chồng họ sử dụng tiền từ tài khoản ngân hàng chung cho mục đích cá nhân. Nhưng chủ yếu là các cuộc cãi vã xảy ra xung quanh việc mỗi bên dành bao nhiêu giờ mỗi tuần để làm việc nhà, ai lái xe trên đường đến thăm bố mẹ vợ/chồng hay ai trả tiền xăng".
Nhiều cặp vợ chồng trẻ Hàn Quốc rạch ròi chuyện tiền bạc, làm việc nhà thay vì đề cao sự hy sinh như thế hệ trước. Ảnh: Noodou. |
Một luật sư khác nhận xét thế hệ cũ có thể nghĩ rằng các cặp vợ chồng trẻ hiện nay không chịu nhường nhịn hoặc hiểu nhau khi làm việc nhà và chăm sóc con cái, nhưng những cặp đôi trẻ dường như coi việc phân chia công việc ngang nhau là điều hợp lý. Họ không xem hôn nhân là sự hy sinh bản thân vì hạnh phúc của gia đình mà là con đường dẫn đến hạnh phúc của chính mình.
"Đôi khi tôi cũng nghĩ thân chủ mình quá cứng nhắc trong việc phân chia công việc nhà, và thậm chí các cặp đôi đã có con dường như cũng lựa chọn ly hôn quá dễ dàng".
Cũng có nhiều người trẻ xứ kim chi xem hôn nhân như một phương tiện để cải thiện tương lai và đạt được thành công hơn là sự gắn bó của những người yêu nhau.
"Những người ở độ tuổi 30 và 40 là thế hệ coi trọng việc bảo vệ quyền lợi của mình và lớn lên khá tự lập. Điều tích cực là chúng ta đang thấy bình đẳng hơn trong hôn nhân, nhưng nhược điểm là các cặp vợ chồng ngày càng ít hiểu nhau hơn, khăng khăng đòi quyền lợi của mình hơn và tìm đến ly hôn khi có bất cứ điều gì không ổn", Suh Yi-jong thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định.