Nắng nóng chưa chắc diệt được virus
Theo Hãng tin AFP, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới rằng: "Tôi có một cuộc trò chuyện dài với Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây 2 đêm. Ông ấy rất tự tin rằng trong tháng 4, sức nóng sẽ giết chết loại virus này. Đó là điều tốt".

Nhiều người khác hy vọng Covid-19 sẽ bị đẩy lùi khi mùa hè đến tương tự như những gì đã xảy ra với dịch SARS cách đây 17 năm. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào để chứng minh hy vọng này.
Tương tự, chuyên gia y tế công cộng Gabriel Leung (Lương Trác Vỹ) thuộc Đại học Hồng Kông ngày 7/2 cảnh báo rằng dịch Covid-19 gây ra có thể sẽ không chấm dứt khi thời tiết nóng lên như dịch SARS năm 2003, dù cả hai đều do những "anh em" khác nhau của virus corona gây ra.
Ông Leung đưa ra lý lẽ nhiều nơi có thời tiết ấm hơn Hong Kong như Singapore và Thái Lan lại có số ca nhiễm cao hơn. Vì vậy, ông cảnh báo không nên dựa vào thời tiết để cân nhắc các biện pháp chống dịch.
Virus có thể bớt lây lan khi nắng lên?
Dù không thể khẳng định virus có bị đẩy lùi khi nắng lên hay không nhưng một số chuyên gia kỳ vọng thời tiết có thể hạn chế sự lây lan.

TS Joel Myers - sáng lập trang AccuWeather cho biết dựa vào dữ liệu từ dịch SARS năm 2003, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm ở Mỹ trong 10 năm qua, virus gây dịch cúm thường giảm mức độ lây lan trong thời gian từ tháng 5-9 khi trời nhiều nắng và nhiệt độ cao hơn.
Ông Myers cho rằng, khi trời nhiều nắng, ban ngày dài hơn ban đêm và nhiều độ ấm hơn, virus có thể bị ức chế. Dù vậy, thời điểm này chưa thể nói gì nhiều vì Covid-19 còn quá mới mẻ với con người.
Giáo sư dịch tễ học Marc Lipsitch (ĐH Harvard, Mỹ) lại đưa ra luận điểm: Khi mùa hè đến, trời nhiều nắng giúp con người tích lũy được nhiều vitamin D, giúp hệ miễn dịch khỏe hơn, độ ẩm lớn khiến virus khó lây lan, đồng thời học sinh nghỉ hè nên hạn chế khả năng lây lan và hình thành ổ dịch lớn.