Người nhà bệnh nhân cho biết, 5 ngày trước ông S.K. bị cảm nên đã tự ý mua thuốc tây về uống.
Uống thuốc được vài giờ ông bắt đầu nhận thấy tình trạng sức khỏe thay đổi khi mệt mỏi, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân. Ông được người nhà đưa tới bệnh viện địa phương để chưa trị nhưng sau gần 1 tuần bệnh tình lại ngày càng nặng hơn.

Do đó, ông được đưa sang Việt Nam điều trị tại một Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM). Tại đây các bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu và kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc do dị ứng thuốc.
Trường hợp của bệnh nhân đã diễn tiến nặng gây tổn thương đa cơ quan. Hôn mê do tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy thận cấp nặng. Viêm kết mạc, tổn thương viêm lan tỏa 2 phổi, tràn khí dưới da thành ngực, tăng men tim nghi do viêm cơ tim, tăng men gan do tổn thương tế bào gan, xuất huyết tiêu hóa do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa lan tỏa, giảm 3 dòng tế bào máu do tổn thương tủy, suy sụp chức năng đông máu.
Các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân thở máy và chạy thận nhân tạo và truyền máu để cấp cứu. Đồng thời, sử dụng corticoid liều điều trị, kháng sinh điều trị viêm phổi theo kháng sinh đồ, dinh dưỡng tích cực đường tiêu hóa và tĩnh mạch, nâng đỡ chức năng gan, chích thuốc kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu và bạch cầu, truyền máu và các sản phẩm của máu nhiều đợt. Nội soi tiêu hóa cầm máu để điều trị xuất huyết tiêu hóa, mở khí quản ra da, tập vật lý trị liệu tích cực, chăm sóc các sang thương ở da và mắt…
Đến ngày 22/5, tức là sau 97 ngày kể từ khi được đưa sang Việt Nam, nam bệnh nhân đã qua được nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu tương đối ổn định.
Hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng sinh ra do thuốc hoặc một số căn nguyên vi sinh vật như tiêm vaccine sởi, quai bị hoặc nhiễm virus như Dengue, Cytomegalovirus… Đây là một bệnh hiếm gặp nhưng bệnh cảnh nặng vì gây tổn thương đa cơ quan có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Các chuyên gia cảnh báo bất kỳ người nào cũng có khả năng dị ứng với một vài dị nguyên nào đó. Nếu không phát hiện ra các dấu hiệu dị ứng mà dùng thuốc tới lần thứ hai thì phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn. Mẩn ngứa, phát ban là một trong số các biểu hiện dị ứng thuốc Mỗi người có thể nhận biết được cơ thể mình bị dị ứng thuốc qua một số dấu hiệu. Theo Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, khoa Dược Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, thông thường các triệu chứng dị ứng nhất thời là phát ban, nổi mẩn đỏ da; ngứa; đỏ bừng (đó là khi da chuyển sang màu đỏ và cảm thấy nóng); sưng mặt, tay, chân hoặc cổ họng; đau họng, giọng khàn, khò khè hoặc khó thở; buồn nôn, nôn, đau bụng; choáng váng. Khi đã có các dấu hiệu phản ứng nhất thời mà người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng loại thuốc gây dị ứng thì sẽ rát nguy hiểm. Các biểu hiện này có thể chuyển thành phản ứng dị ứng toàn thân hay gọi là sốc phản vệ, đe dọa tính mạng. Một loại dị ứng thuốc khác thường phổ biến hơn, gọi là dị ứng "chậm". Biểu hiện là phát ban thường lan rộng trên nhiều vùng da, đôi khi gây ngứa hoặc không. Dị ứng “chậm” không trở nên tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng đến cơ quan khác ngoài da. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người khi sử dụng loại thuốc mới nào mà gặp các bất thường như phát ban (nổi mụn đỏ trên da thường rất ngứa); đau bụng hoặc nôn mửa dữ dội; sốt cao; đau da, vết rộp da; đau và kích thích các mô mềm; chảy dịch mắt, miệng, âm đạo và các cơ quan khác… thì nhanh chóng dừng thuốc và đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Để tránh nguy hiểm có thể xảy ra, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ uống thuốc theo toa bác sĩ. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và thành phần khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi đã biết mình bị dị ứng với loại thuốc nào thì cần ghi nhớ rõ tên thuốc ấy và thông báo cho bác sĩ biết mỗi lần đi khám. |
Hà Ly (Th)