Nhạc sĩ Trần Tiến U80 ung thư giai đoạn 4, phải xạ trị 30 lần: "Đừng bao giờ hèn trước số phận"

Ngân Hà
Nhạc sĩ Trần Tiến từng gục ngã khi đối diện với bệnh ung thư giai đoạn 4, phải xạ trị đến 30 lần.

Mới đây, xuất hiện trong chương trình Cassette hoài niệm trên VTV3, nhạc sĩ Trần Tiến gợi lại ký ức cho khán giả khi thể hiện loạt ca khúc gắn với tên tuổi của mình, một trong số đó là Không gục ngã.

Nhạc sĩ còn khiến khán giả bất ngờ khi chia sẻ câu chuyện đằng sau bài hát. Ông cho biết, mình phát hiện bị ung thư giai đoạn 4 lúc viết ca khúc này.

nhac-si-tran-tien-ung-thu-giai-doan-4-xa-tri-30-lan-1698117766.jpg
Nhạc sĩ Trần Tiến biểu diễn trong "Cassette hoài niệm"

"Lúc phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 4, tôi tái mặt đi. Có một cậu 40 hay 45 tuổi gì đó luôn xếp hàng trước tôi mỗi khi xạ trị. Đến mũi thứ 14, tôi hỏi cậu đó đâu rồi, bác sĩ bảo "không qua nổi".

Tôi xạ trị đến lần thứ 30. Đó là lần kinh khủng nhất, tôi gục hoàn toàn, không thể dậy được. Giây phút đó, tôi tự nói với mình: "Dậy đi, dậy đi, đừng hèn thế". Đầu tôi vang lên những lời nhạc đó. Tôi kéo laptop ra và viết", nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ.

Cuối cùng, tác phẩm với những câu hát "Hãy vui lên, hãy sống cho đến giây phút cuối cùng" được ra đời, như lời động viên của tác giả tới chính mình và những người có những hoàn cảnh éo le.

Nhạc sĩ Thanh Phương - khách mời trong chương trình - cho hay, nhạc sĩ Trần Tiến đã đưa ca khúc Không gục ngã cho anh phối khí.

"Trong lúc rất mệt mà chú viết được bài hát như vậy, tôi phải làm ngay và làm mạnh hơn bình thường. Tôi nghĩ ca khúc cũng là động lực để khi nghe, chú có thêm năng lượng", anh nói.

Trước chia sẻ của nhạc sĩ Thanh Phương, nhạc sĩ Trần Tiến nhắn nhủ với khán giả: "Bài nhạc giục mình sống, đừng bao giờ hèn trước số phận".

Ngoài Không gục ngã, Sắc màu cũng là ca khúc được Trần Tiến viết khi ông đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết. Nhạc sĩ dẫn lại lời của con mình rằng: "Không hiểu sau mỗi lần bố suýt chết là lại viết được một bài hát".

Trong các sáng tác, duy nhất Sắc màu là bài hát mà Trần Tiến được một người chỉnh sửa lại cho mình, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông nói, cố nhạc sĩ đã sửa lại chữ "vô hình" trong câu "nhớ ra ta không hình". Ông nhận thấy "vô hình" dễ hiểu hơn "không hình" và quyết định đổi lại.

Khi nói về sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Tiến chiêm nghiệm: "Tôi không viết nhạc cho ai cả, chỉ viết cho tôi thôi. Và cũng chẳng để diễn, chẳng để nổi tiếng, nhưng vì... đói quá".

Vì sự chi phối của kinh tế, thập niên 80, ông được nhạc sĩ Dương Thụ mời đi hát. Cứ 2-3 ngày, ông phải có ca khúc mới. " Tôi viết như "điên" để sống, để được hát", ông nhớ lại.

nhac-si-tran-tien-ung-thu-giai-doan-4-1698117817.jpg

Tùng Dương và nhạc sĩ Trần Tiến

Trong chương trình, Trần Tiến hội ngộ Tùng Dương - một trong những nghệ sĩ thân thiết, từng thể hiện nhiều ca khúc của ông. Tùng Dương cho biết, điều anh trân trọng nhất là đến hiện tại, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn giữ đam mê và năng lượng máu lửa mỗi khi đứng trên sân khấu.

Đời thường, Tùng Dương gọi nhạc sĩ là bố, khẳng định ông là người truyền cảm hứng cho anh qua các sáng tác và thái độ sống. "Tôi yêu và tự hào về bố", anh nói.

Tùng Dương kể lần đầu anh hát nhạc Trần Tiến một cách chuyên nghiệp là khi thi Sao mai điểm hẹn. Vì Tùng Dương không chọn được ca khúc nào để biểu diễn, nhạc sĩ đã gợi ý cho anh ca khúc Quê nhà.

Khi nghe Trần Tiến hát vài câu, Tùng Dương đã rơi nước mắt và quyết định chọn sáng tác này. Dù nhạc sĩ Trần Tiến nói bài này không thể đem đi thi vì khá mộc mạc, Tùng Dương vẫn quyết thể hiện ca khúc trên sân khấu Sao mai điểm hẹn và được đông đảo khán giả đón nhận.

Nói về Tùng Dương, Trần Tiến dành sự yêu quý song cũng nghiêm khắc với đàn em. Nhạc sĩ kể Tùng Dương từng hát sai một đoạn trong ca khúc Mẹ tôi, bị ông mắng. Tuy nhiên, nhạc sĩ nhận định Tùng Dương và Hà Trần đều "có công lớn" khi thể hiện rất tốt các ca khúc của ông.

Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tiến ấn tượng với ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng, bởi nó được lan tỏa nhanh sau khi ông sáng tác. Ông cho biết trước đây khi nghe nhà thơ Thu Bồn đọc vài câu trong tác phẩm Lá diêu bông của Hoàng Cầm, ông đã có cảm hứng viết bài hát này.

"Đời tôi chưa bao giờ vinh quang bằng bài hát này", ông khẳng định.

Trần Tiến sinh năm 1947, là em trai của NSND Trần Hiếu. Năm 16 tuổi, ông làm hậu đài Đoàn ca múa Hà Nội, trở thành ca sĩ của đoàn sau một năm tự học.

Năm 1971-1978, ông học Nhạc viện Hà Nội. Đến năm 1992, nhạc sĩ mở trường dạy nhạc miễn phí cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM, duy trì trong 7 năm.

Phong cách sáng tác của ông thay đổi theo từng thời kỳ, khi thể hiện tình yêu nước, lúc cổ động cho tinh thần đổi mới và dân gian đương đại. Một số ca khúc nổi bật của ông: Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát, Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng...

Hương Hồ