Nhận biết cơn đột quỵ não và tận dụng thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân

Điều quan trọng nhất để giữ lại tính mạng cho bệnh nhân đột quỵ não là tận dụng thời gian vàng từ 3 - 4,5 tiếng để sơ cứu và cấp cứu kịp thời trong vòng 6 tiếng kể từ khi xảy ra cơn đột quỵ.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, gây thiếu máu não, dẫn tới các biểu hiện đột ngột như gục xuống, liệt nửa người, hôn mê... có thể đe dọa tính mạng.
 
Đột quỵ não do hai nguyên nhân chính gây ra. Một là đột quỵ do thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Hai là đột quỵ do chảy máu não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ.
 
Nhận biết cơn đột quỵ não và tận dụng thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân
 
 
Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ. Đột quỵ não vô cùng nguy hiểm bởi xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước. Bệnh gây tử vong nhanh nếu không được xử trí kịp thời. Ngay cả khi sống sót, bệnh nhân cũng phải chịu nhiều di chứng thần kinh nặng nề.

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ đúng cách 


Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước. Tuy nhiên trước khi cơn đột quỵ kéo đến vẫn có một số biểu hiện thoáng qua nhưng bệnh nhân không nhận biết được. Theo PGS.TS.Nguyễn Hoàng Ngọc – Giám đốc Trung tâm đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ não bao gồm:
 
Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo.
 
Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt... Trong nhiều trường hợp, người có triệu chứng đột quỵ chỉ bị "thoáng qua" trong một thời gian ngắn rồi sau đó các biểu hiện giảm dần.
 
Nhiều người có các biểu hiện choáng váng như thiếu máu não lặp lại trong nhiều ngày sau đó cơn đột quỵ bất ngờ xảy ra lúc nào không hay. Những người này thường chủ quan khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn.
 
Nhận biết cơn đột quỵ não và tận dụng thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân

Các chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng nhất để giữ lại tính mạng cho bệnh nhân đột quỵ não là tận dụng thời gian vàng từ 3 - 4,5 tiếng để sơ cứu và cấp cứu kịp thời trong vòng 6 tiếng kể từ khi xảy ra cơn đột quỵ. PGS.TS Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, BV Bạch Mai hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ não đúng cách.
 
Việc sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh thông qua các dấu hiệu. Điều đầu tiên khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần kiểm tra xem tim bệnh nhân còn đập hay không.
 
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, có thể cởi bỏ bớt quần áo cho thông thoáng. Nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc nhờ người gọi giúp càng nhanh càng tốt. Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi làm tắc đường thở.
 
Nếu người bệnh bị co giật, cần đặt bệnh nhân ở nơi rộng rãi, tránh va phải đồ vật trong nhà và làm bị thương chính mình. Nếu bệnh nhân ngừng tim, cần thực hiện bóp tim ngoài lồng ngực và nhờ tới sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Biểu hiện của đột quỵ dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng trúng gió, do đó, nhiều người có những hành động sai lầm như xoa dầu nóng, cạo gió, bấm huyệt, cắt lể hoặc cúng bái… Bác sĩ cảnh báo những hành động này vô cùng nguy hiểm, làm chậm trễ thời gian cấp cứu thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Có người thiếu hiểu biết tự ý cho bệnh nhân ngậm thuốc hạ huyết áp dưới lưỡi khi chưa xác định được nguyên nhân đột quỵ. Không may nếu bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não, việc ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tụt huyết áp, khiến các tĩnh mạch càng thiếu máu trầm trọng hơn, tăng nguy cơ tử vong.
 
Nhận biết cơn đột quỵ não và tận dụng thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân
Thời gian "vàng" để cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ là 3 giờ đầu tiên
 
Ngoài ra, tuyệt đối không được cho bệnh nhân ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. Tuyệt đối không cố gắng chờ đợi xem bệnh nhân có khỏe lại hay không mà làm mất thời gian. Người nhà cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế chuyên sâu càng nhanh càng tốt để tận dụng thời gian vàng trong điều trị, góp phần hạn chế tử vong và nguy cơ tàn phế.
 
Quy tắc di chuyển bệnh nhân đột quỵ não là dùng cáng, đặt bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Đảm bảo hạn chế tối đa hiện tượng xóc trên đường di chuyển.
 

Có thể phòng ngừa đột quỵ não hay không?


Đột quỵ não được coi là bệnh lý nguy hiểm, đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong và đứng hàng đầu về nguyên nhân gây tàn phế. Mỗi năm, tại Việt Nam ghi nhận trung bình thêm 200.000 người bị đột quỵ não. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào đặc biệt ở người cao tuổi, người có sẵn các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường...
 
Những người có sẵn tiền sử bệnh mạn tính dù trẻ tuổi cũng có nguy cơ rất cao bị đột quỵ não. Những người có rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công.

Dù nguy hiểm nhưng mỗi người có thể phòng tránh nguy cơ bị đột quỵ não nhờ thay đổi lối sống. Trước hết, luôn duy trì huyết áp ở mức ổn định dưới 135/85 mmHg bằng cách giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày, tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn nhiều rau xanh, trái cây.
 
Người bình thường nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25, người thừa cân béo phì nên điều chỉnh chế độ ăn uống để giữ cân nặng ổn định.
 
Tăng cường vận động bằng cách tập thể dục, chơi thể thao với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu không thể tập liên tục bạn có thể chia ra tập 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.
 
Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần nói không với rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Thay vì thường xuyên uống rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên thay bằng mỗi ngày 1 ly rượu vang đỏ.
 
Người mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát bệnh tốt, ví dụ, người bệnh đái tháo đường cần theo dõi đường huyết sát sao, vì đường huyết cao sẽ hủy hoại mạch máu và dễ hình thành các cục máu đông trong lòng mạch gây đột quỵ. Người có vấn đề ở tim, đặc biệt là hội chứng rung nhĩ với các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực, nhịp tim rối loạn lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu cần điều trị sớm.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/25/so-cuu-benh-nhan-dot-quy-nao_25112019104058.mp4[/presscloud]
Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ não. Video: Vietnam Plus
 
 
Hà Ly (t/h)