Khoác lên tấm áo blue trắng là trọng trách cao cả
Là những người đứng ở "đầu sóng ngọn gió" trong cuộc chiến ngăn ngừa và điều trị virus corona chủng mới ở Việt Nam, biết bao bác sĩ vẫn âm thầm, lặng lẽ cống hiến công sức mình, đối đầu với nhiều hiểm nguy vẫn không một lời sợ hãi, kêu than. Trong đó, không thể không kể đến đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Vào 7 rưỡi sáng 7/2, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 đã sẵn sàng trong bộ quần áo phòng hộ, tất bật khám cho 4 bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới (Covid-2019). Sức khỏe của những bệnh nhân này đã dần ổn định, đa số đã dứt sốt. Cả khoa Cấp cứu có 5 bác sĩ cùng nhiều y tá đã “nằm gai nếm mật” cả chục ngày qua để theo dõi, điều trị 4 bệnh nhân này, luôn trong tình trạng ứng phó trước những diễn biến mới của dịch. Cứ ngồi được một lát, bác sĩ Hùng lại tranh thủ cho tay ra đấm lưng. Lưng anh đau ê ẩm sau hơn 1 tuần nằm trên ghế lạnh và cứng của bệnh viện, phải mua tuýp thuốc giảm đau cho đỡ.

Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Hùng vô cùng tự hào: “Bản thân tôi đã trải qua biết bao mùa chống dịch. Năm 2009, tôi từng tham gia chống dịch H1N1, năm 2012 là dịch MERS-CoV, dịch cúm, dịch sởi và sốt xuất huyết… Hồi chống dịch H1N1, tôi chưa biết khả năng lây lan cũng như độc lực của chủng virus đó như thế nào nên rất lo lắng. Đến khi hiểu hơn về bệnh tôi đã yên tâm hơn phần nào. Ngay khi trường hợp nhiễm Covid-2019 ở Trung Quốc được thông báo, tôi cùng đồng nghiệp đã lập tức lao vào tìm hiểu cơ chế sinh bệnh của nó. Thậm chí, mọi người còn biên soạn tài liệu, phổ biến về bệnh và xây dựng kịch bản ứng phó khi Việt Nam vẫn chưa có ai mắc”.
Những căn phòng ở khoa luôn được trang trí tối giản nhất, bên ngoài cánh tủ treo mấy chiếc áo len gần gió điều hòa cho khô. Vali quần áo thì để gọn dưới bàn làm việc, mặc dần thay đổi cho đến khi hết dịch nhưng vẫn chưa biết là ngày nào. Khoảng một tuần nay, mỗi ngày Khoa Nội Tổng hợp đón thêm 15 bệnh nhân mới và khoảng 30 bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. Y bác sĩ luôn hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh để tiết kiệm trang phục phòng hộ cũng như hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - trưởng khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân ở đây phải cách ly hoàn toàn; do đó các y bác sĩ không chỉ thăm khám mà còn lo việc hậu cần cho những bệnh nhân này, từ bữa ăn, vệ sinh đến những vật dụng cá nhân của người bệnh. Nhiều khi, y tá còn nhờ người lặn lội đi mua đồ rồi mang vào cho bệnh nhân khi có người thèm ăn vặt. Bệnh nhân còn được trang bị cả wifi để cập nhận thông tin và giải trí cho đỡ buồn. Để hạn chế bệnh nhân trốn về, bệnh viện luôn tạo điều kiện thoải mái và tốt nhất cho họ.

Trong những ngày chống dịch, việc dùng bữa trưa vào khoảng hơn 2 giờ chiều đã không còn là chuyện xa lạ đối với điều dưỡng Trần Thị Phương Thủy và một số đồng nghiệp của mình trong Khoa Cấp cứu. Dù ca làm việc kết thúc vào lúc 13h30, nhưng để nghỉ ngơi ăn uống họ còn phải bàn giao công việc, tắm rửa sát trùng cơ thể thật sạch sẽ. Từ ngày 31/1 ngày bệnh nhân đầu tiên dương tính Covid-19 nhập viện, lịch sinh hoạt của các y bác sĩ Khoa Cấp cứu xáo trộn khá nhiều. Đây là đơn vị tuyến đầu tiếp nhận các trường hợp dương tính với Covid-19 và bệnh nhân nghi nhiễm nặng nên mọi hoạt động đều phải chính xác, nhanh chóng. Mỗi ngày, các bác sĩ chia làm 3 kíp trực, trong đó 2 kíp trực 6 tiếng và 1 kíp trực đêm 12 tiếng. Mỗi kíp trực gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng.
Bị kỳ thị, có nhà mà chẳng thể về
Bệnh viện có bốn khoa tiếp xúc với với bệnh nhân liên quan virus corona chủng mới là Khám bệnh, Cấp Cứu, Virus - Kí sinh trùng và khoa Nội. Bệnh viện có quy trình cách ly nghiêm ngặt, các y bác sĩ luôn làm đúng nguyên tắc, tự bảo vệ mình nhưng không ít người bị kỳ thị. Thời điểm phòng ngừa dịch căng não, tiện cho công việc có người chủ động ở lại viện, nhưng có người dù muốn cũng chẳng thể về nhà. Một số người phải mang tư trang qua viện ở vì không chịu được áp lực từ những người xung quanh.

Điều dưỡng Ngô Đình Tú xót xa kể: “Nhiều người cứ nghĩ làm việc ở Khoa Cấp cứu, tiếp xúc với bệnh nhân dương tính Covid-19 là mắc bệnh. Thậm chí, một nữ đồng nghiệp của tôi bị chủ nhà trọ báo với cả xóm “cách ly” bạn ấy để tránh lây bệnh. Bạn ấy không dám về nhà từ đầu dịch đến giờ. Một nữ điều dưỡng khác cũng vô cùng sốc khi thấy mọi người cứ thấy mình là đeo khẩu trang, có người còn xì xào nói chị ấy bị nhiễm virus corona”. Một điều dưỡng khác tại khoa Virus - Kí sinh trùng cũng bị nhà trọ dọa đuổi vì bị đồn đoán nhiễm Covid-19. Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên, phụ trách Phòng Công tác xã hội cười buồn: “Sợ lây nhiễm bệnh nên chủ trọ rải vôi khắp nơi. Chồng cô ấy phải giải thích nhiều lần rằng vợ đã cách ly và tuyệt đối không về nhà nữa thì chủ trọ mới để yên”.
Một nam điều dưỡng của khoa Cấp cứu cũng bị chủ trọ đòi đuổi khỏi nhà sau khi trạm y tế xã phát tán thông tin anh tiếp xúc với người nhiễm corona. Khi đó, bác sĩ Hùng phải đến tận nơi can thiệp. Mấy ngày qua, nhiều y bác sĩ dù không thuộc diện được huy động cách ly cũng tự chuyển vào viện sống vì “không được chào đón ở nơi trọ”. Suốt 8 ngày kể từ tối 30/1, khi có kết quả hai bệnh nhân Vĩnh Phúc dương tính với Covid-19, bác sĩ Hùng chỉ kịp về nhà xách chiếc vali vợ chuẩn bị sẵn, hôn má hai con đang ngủ say rồi lặng lẽ vào viện. Mẹ anh cứ khóc mãi, không muốn cho con trai đi. Bác sĩ Hùng chỉ còn cách dứt khoát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai”. Tuy nhiên, từ khi vào viện ngày nào anh Hùng cũng phải gọi cho mẹ một hai lần để bà yên tâm hơn. Anh chỉ mong sao, dịch mau chấm dứt, bệnh nhân sớm hồi phục khỏe mạnh để các y bác sĩ có thể yên tâm về thăm gia đình.
Thùy Nguyễn (t/h)