Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng kỹ thuật mới phát hiện ung thư vú sớm và loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú

Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai ứng dụng thành công kỹ thuật Chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú (UTV) sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú, mở ra nhiều hi vọng cho bệnh nhân.
Ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Ước tính Việt Nam có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú.
 

Cảnh báo bệnh lý ung thư vú 

 

Một trong những dấu hiệu ung thư vú mà bạn có thể tự quan sát và phát hiện ngay tại nhà chính là sự thay đổi kích thước và hình dạng vú. Nhiều người không sờ thấy khối u như thông thường mà cảm giác ngực to hơn, chảy xuống thấp hơn hoặc có hình dạng khác thường. Đây là triệu chứng của ung thư vú thường gặp ở phụ nữ có mô vú dày đặc. Cùng với đó, một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú. Ung thư vú khiến núm vú thay đổi, trở nên dẹt hơn, thụt vào trong. Da ở núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phát hiện dịch, đôi khi kèm máu tiết ra từ núm vú.
 
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú mới chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú mới chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới 
 
Hạch bạch huyết có thể là nguyên nhân của bệnh cảm cúm, nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng cánh tay kéo dài trong một tuần mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú. Khi tế bào ung thư phát triển, lớn dần lên, chúng chèn các mạch máu và bạch huyết, làm các chất lỏng bị tích tụ dưới da. Từ đó, da bị kích thích, ngứa, nổi mẩn đỏ, phát ban... gây khó chịu. Đặc biệt, nếu bạn có cảm giác ngực mình nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm vú, ung thư vú dạng viêm. Nguyên do là các khối u vú đẩy vào chèn ép các mô, khiến ngực bị sưng, đau tức và tấy đỏ.
 
Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.
 

Kỹ thuật mới phát hiện ung thư vú sớm

 

Chia sẻ với báo giới, GS.TS Phạm Minh Thông - Phó giám đốc Bệnh viện Bach Mai, Giám đốc Trung tâm Điện quang cho biết: Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện ung thư vú (UTV) ở giai đoạn muộn, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc UTV phát hiện những u nhỏ, tổn thương không sờ thấy giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Các chuyên gia khẳng định: UTV nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp Xquang tuyến vú là phương thức cơ bản nhất trong sàng lọc UTV, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do UTV gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.
 
Chụp Xquang tuyến vú (Mammography) là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy. Chụp Xquang vú đã được chứng minh có hiệu quả trong phát hiện sớm UTV, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn. Với giai đoạn này khả năng trị khỏi hoàn toàn là rất cao và trong đa số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn tuyến vú cho người bệnh.
 
Tại Trung tâm điện quang (TTĐQ) - BV Bạch Mai, ngoài các kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến vú đã triển khai một số kỹ thuật can thiệp tuyến vú dưới hướng dẫn của hình ảnh như: Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới siêu âm, sinh thiết kim lõi dưới Xquang và siêu âm, sinh thiết có thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm và Xquang; và điều trị loại bỏ tổn thương tuyến vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm. Kỹ thuật này đã triển khai tại TTĐQ từ năm 2018, và đã thực hiện được trên hơn 100 bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật hiện đại, có nhiều ưu điểm, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
 
Loại bỏ tổn thương vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không
Loại bỏ tổn thương vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không
 
TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng nhóm chẩn đoán hình ảnh vú (TTĐQ) cho biết: Với phương pháp này, bác sĩ sử dụng kim sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm có đường kính lớn (11-8G), có thiết bị hỗ trợ hút chân không để lấy mẫu bệnh phẩm, cho kết quả giải phẫu bệnh tốt hơn hoặc để lấy toàn bộ tổn thương lành tính. Thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày, có thể sinh hoạt bình thường sau 1 ngày, chỉ gây tê tại chỗ, hầu như không để lại sẹo. Tất cả các tổn thương tuyến vú lành tính gây ảnh hưởng cho bệnh nhân đều có thể sử dụng phương pháp này, với kích thước khối u dưới 3cm có thể lấy bỏ toàn bộ tổn thương trong 1 lần can thiệp. 
 
PGS. TS. BS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, trước đây khi chưa có phương pháp sinh thiết hút chân không, bệnh nhân phải trải qua cuộc tiểu phẫu với đường rạch ở vú bằng hoặc lớn hơn kích thước khối u. Vì thế, sẹo để lại ở ngực phụ thuộc kích thước khối u, thường từ 2-5 cm. Hiện BV Bạch Mai đã thành lập một team work chuyên về UTV gồm bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ giải phẫu bệnh, bác sỹ ngoại khoa và bác sỹ ung bướu. Các bệnh nhân có bệnh lý tuyến vú nghi ngờ ung thư hoặc có bệnh lý vú phức tạp đều được đa chuyên khoa hội chẩn, đánh giá giai đoạn bệnh để đưa ra phác đồ và phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
 
Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú
Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú
 
Các bác sĩ cũng cho biết, tất cả phụ nữ trên 40 tuổi đều có chỉ định chụp Xquang để sàng lọc UTV. Với những phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng có nguy cơ cao (mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ béo phì, tiểu đường, không sinh con, không cho con bú): nên chụp Xquang vú sớm hơn 5 năm so với khuyến cáo. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, các chị em nên tự sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
 
Chị Nguyễn Thị T. (56 tuổi, Hà Nội) – một bệnh nhân đã được điều trị UTV tại BV Bạch Mai chia sẻ: “Tôi phát hiện bệnh hoàn toàn tình cờ, không có triệu chứng, biểu hiện gì. Đợt đó khi đến viện để kiểm tra sức khỏe, bác sĩ khuyên tôi nên chụp Xquang tuyến vú và không ngờ phát hiện có vấn đề. Sau khi được siêu âm 3D kiểm tra, sinh thiết và làm giải phẫu bệnh phát hiện chính xác khối u ở giai đoạn sớm, tôi đã được điều trị hóa chất và mổ cắt khối u tại bệnh viện Bạch Mai. Đến nay tôi hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân không thấy sự thay đổi nào”.
 
Như Quỳnh (T/h)