Những bài thuốc chữa bệnh thông dụng từ loại quả trưng Tết nhà nào cũng có

Qủa quất (quả tắc) là loại quả được sử dụng để trưng bày trong mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh đó nó cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh.
Mùa Tết về là mùa của trăm ngàn sắc màu hoa quả. Trong những loại cây trái mùa xuân ấy, có loài được trưng bày thiêng liêng trên mâm ngũ quả và cũng có loài được trang trí gần gũi bên thềm nhà, đó là cây tắc (hay còn gọi là cây quất, kim quất, cây hạnh). Cây tắc có tên khoa học là Citrus japonica, thuộc họ Cửu lý hương: Rutaceae, Đây là loại cây ăn quả – cây cảnh phổ biến ở cả ba miền đất nước. Cây quất rất dễ trồng, cho hoa trắng thơm và quả rất sai. Vì vậy, người ta trồng tắc (cây quất) quanh nhà để lấy quả làm thức uống hàng ngày. Đôi khi, lá tắc cũng được dùng thay cho lá chanh trong các công thức xông giải cảm (vì có chứa tinh dầu).
 
Cây quất nhỏ 1-5m, có gai. Cành lá sum suê, lá đơn mọc so le, màu lục sẫm bóng, hình trái xoan hay tròn dài, cuống có cánh rất nhỏ, dày và cứng. Chùm hoa ngắn ở nách lá hay ở ngọn, hoa trắng, cánh hoa dài 7-9mm, nhị 15-20. Quả nhỏ hình cầu, rộng 1,5-3,5cm, màu vàng da cam bóng, có 5-6 múi, nạc chua, hạt có màu xanh.
 
Qua-quat-qua-tac-va-nhung-tac-dung-chua-benh
 
Quả quất (quả tắc) khi chín có màu vàng, rất thơm và có vị chua(cũng có loại tắc ngọt nhưng chưa phổ biến). Được biết, trong quả tắc có chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như Can xi, Sắt, Phot pho, vitamin C, B1, B2… Vì vậy, dùng quả tắc thường xuyên trong các món ăn, thức uống hàng ngày sẽ giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ miễn dịch, làm đẹp da, làm chậm lão hóa, cải thiện thị giác, giúp giảm ho và giảm đau họng. Hơn nữa, trong mùa lạnh, dùng quả tắc còn giúp đề phòng cảm cúm và khi bị bội thực, uống nước quả tắc cũng sẽ giúp cải thiện rất nhiều. Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.
 
Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.
 

Cải thiện hệ tiêu hóa

 
Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều không hấp thu đủ hàm lượng chất xơ khuyến nghị hằng ngày thông qua chế độ dinh dưỡng. Quả quất chính là nguồn thực phẩm giàu chất xơ mà bạn nên bổ sung vào thực đơn. Bạn không chỉ có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng khi ăn tắc mà còn hấp thu đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết. Chỉ với 8 trái quất nhỏ là bạn đã tiêu thụ được khoảng 10g chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tối ưu hơn.
 
Bạn biết đấy, chất xơ là dưỡng chất thiết yếu mang lại vô số lợi ích đối với hệ tiêu hóa. Tình trạng thiếu chất xơ sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng thường gặp bao gồm táo bón, khó tiêu, chướng bụng và đau dạ dày. Để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe này, bạn nên tăng cường hấp thu chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày. Ngoài ra, việc tiêu thụ đầy đủ lượng chất xơ mà cơ thể cần sẽ giúp cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng từ các loại thức ăn. Đây cũng chính là lý do bạn nên ăn tắc thường xuyên.
 

Hỗ trợ hệ miễn dịch

 

Qua-quat-qua-tac-va-nhung-tac-dung-chua-benh
 
Quả quất có kích thước khá khiêm tốn, nhưng loại trái cây này lại là nguồn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng và giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Cũng giống như cam, quả tắc luôn giàu vitamin C – dưỡng chất tuyệt vời có tác động tích cực đến sức khỏe của cơ thể. Vitamin C từ lâu đã được biết đến như chất chống oxy hóa tự nhiên. Loại vitamin này có liên quan đến vô số tiến trình hoạt động trong cơ thể bao gồm cả tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Việc hấp thu đầy đủ vitamin C sẽ giúp củng cố rào “phòng vệ” của hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh thông thường gây ra bởi vi khuẩn, virus và khuẩn nấm. Bên cạnh đó, dưỡng chất này còn giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi của cơ thể. Và bạn hoàn toàn có thể đạt được những lợi ích này chỉ với vài quả tắc mỗi ngày.
 

Duy trì làn da tươi trẻ

 

Là một nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, quả tắc còn có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe của làn da, giúp làn da trở nên tươi trẻ và rạng rỡ. Các chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tái tạo cấu trúc làn da. Vì thế, bạn cần hấp thu đầy đủ chất chống oxy hóa để có thể duy trì được làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa còn giúp bảo vệ làn da tránh khỏi các tổn thương tế bào hay thậm chí giúp trẻ hóa các tế bào. Và còn gì tiện lợi hơn khi bạn có thể duy trì làn da tươi trẻ chỉ bằng cách ăn vài trái tắc như bữa ăn vặt mỗi ngày. Cũng tương tự với cách mà quả tắc bảo vệ cũng như nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong, loại trái cây này còn giúp bạn sở hữu một mái tóc chắc khỏe. Chất chống oxy hóa – vitamin C cùng các loại khoáng chất khác chứa trong quả tắc chính là những dưỡng chất giúp mái tóc của bạn luôn chắc khỏe và mềm mượt.
 

Cải thiện sức khỏe thị giác

 
Ngoài những lợi ích kể trên, quả tắc còn là nguồn cung cấp một số dưỡng chất rất tốt cho đôi mắt cũng như thị lực. Trong số đó, vitamin A – hay còn gọi là beta-carotene chứa trong quả tắc đã được chứng minh là giúp mắt sang. Beta-carotene là một chất chống oxy hóa chịu trách nhiệm tạo các sắc tố cũng có trong các loại rau củ và trái cây như cà rốt, cà chua… Việc hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cũng như chất chống oxy hóa bằng cách ăn quả tắc mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa sự tổn thương mắt do quá trình oxy hóa gây ra. Ngoài ra, quả tắc còn có khả năng ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng mắt liên quan đến lão hóa.

 

Cây quất và một số bài thuốc thường dùng

 

Qua-quat-qua-tac-va-nhung-tac-dung-chua-benh
 
Si rô quất kích thích tiêu hóa: Để làm si rô quất, bạn cần 1 kg quả tắc và 2 kg đường. Với quả quất chín (hoặc vừa chín tới đều được), bạn lặt bỏ cuống, đem rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó, dùng kim châm sâu vào mỗi quả tắc khoảng 5 – 6 lỗ rồi cho vào keo, cứ một lớp quất thì một lớp đường và đậy kín trong một tuần. Si rô tắc có màu vàng, vị ngọt chua và có hương thơm đặc trưng. Mỗi lần dùng, bạn có thể múc một hoặc hai muỗng quất, pha với nước rồi uống (uống lạnh sẽ ngon hơn) 
 
Hạt quất điều trị nôn ra máu: Bên cạnh quả quất, hạt quất cũng được dùng làm thuốc, trong đó có bài thuốc điều trị chứng nôn ra máu. Cách dùng như sau: lấy hạt quẩt (khoảng một chén nhỏ, loại chén dầm nước mắm), tách bỏ vỏ, sau đó lấy nhân hạt sao lên cho chín vàng và giã nát. Sau đó, tiếp tục lấy bột này sắc trong 400 ml nước, sắc đến khi còn 100 ml nước thì chia thành 3 – 4 lần uống trong ngày
 
Vỏ quất điều trị nghẹn và bài trừ độc tố trong gan: Nếu bị nghẹn, bạn có thể lấy khoảng 20g vỏ quả quất (đã phơi khô), sau đó tán thành bột và sắc lấy nước uống (lưu ý uống lúc còn ấm nóng). Được biết, trong vỏ tắc chứa nhiều tinh dầu và vitamin C, rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, việc ăn vỏ quất thường xuyên (trong các món ăn, nước uống) còn giúp hạ mỡ máu, làm vững chắc thành mạch, bài trừ độc tố trong gan và bảo vệ mắt, đồng thời cũng rất có lợi cho những bệnh nhân bị cao huyết áp, khó tiêu. 
 
Đau họng, miệng khô, răng đau, lưỡi tê: Trái quất 500 g thái thành lát, phơi khô, cho vào lọ cùng 250 g chè xanh, đậy kín, để trong 1 tháng. Mỗi ngày dùng 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia 2-3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng giải rượu
 
Đại tiện khó khăn, bụng trên đầy trướng: Trái quất 50 g, sắc uống trong ngày.
 
Dạ dày đau, thượng vị đầy tức, nấc, ợ hơi, chán ăn: Trái quất 500 g thái lát, trộn đều với 500 g đường kính trắng, cho vào lọ kín trong 2 tuần. Mỗi ngày 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia nhiều lần uống, dùng liên tục trong nhiều ngày.
 
Chữa chán ăn và đầy bụng, khó tiêu: Trái quất 100 g ngâm trong 500 ml rượu trắng thấp độ, sau 2 tuần mang ra dùng. Trước mỗi bữa ăn, uống 15-20 ml, dùng liên tục trong nhiều ngày.
 
Chữa nôn do bệnh lý dạ dày:  Rễ quất, hoắc hương, thích lê tử, rễ đông quỳ mỗi thứ 15 g, sắc uống trong ngày.

Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Rễ quất 30 g rửa sạch, thái thành từng đoạn ngắn; dạ dày lợn 150 g thái miếng. Cho 2 thứ cho vào nồi, thêm nước (hoặc nửa nước nửa rượu) hầm chín, nêm gia vị, ăn cả cái lẫn nước. Bài thuốc này có tác dụng chữa viêm loét dạ dày, tá tràng thể can khí phạm vị. Biểu hiện là thượng vị đau trướng, cơn đau lan ra 2 bên mạn sườn (đau tăng khi ấn vào), buồn nôn, ợ hơi, ăn khó tiêu, trung tiện được thì dễ chịu, đại tiện khó khăn, tinh thần uất ức, rêu lưỡi trắng dày.
 
Qua-quat-qua-tac-va-nhung-tac-dung-chua-benh
 
Tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu: Rễ quất 30 g, đường phèn 15 g, sắc với nước uống trong ngày.
 
Thuỷ thũng: Rễ quất 60 g, nghể (cành và lá) 30 g, vỏ bưởi (để qua mùa đông) 120 g, sắc uống trong ngày. 
 
Chữa âm nang sưng đau: Rễ quất 60 g, chỉ xác 15 g, tiểu hồi hương 30 g, sắc với nước (cho thêm chút rượu), uống ngày 3 lần.
 
Sa tử cung: Rễ quất 90 g, hoàng tinh sống 30 g, rễ tiểu hồi hương 60 g, dạ dày lợn 1 cái. Tất cả hầm với một phần nước một phần rượu, chia 2 phần ăn trong ngày. 
 
Đau bụng dưới sau đẻ:  Rễ quất 120 g, nấu với rượu uống.

Lưu ý khi dùng quả tắc làm thuốc

 
Quả quất phổ biến và có nhiều công dụng. Tuy nhiên, loại quả này có những lưu ý và kiêng kị khi sử dụng. Không nên dùng quá nhiều tắc và không dùng vào lúc đói (vì sẽ bị sót ruột, làm hại dạ dày…). Không nên uống nước tắc ngay sau bữa ăn mà nên cách một khoảng thời gian vì nước tắc có thể cản trở quá trình làm việc của dạ dày. Những người bị loét dạ dày, táo bón, sỏi thận, tiểu đường… không nên dùng quả tắc.
 
Cần lưu ý phân biệt cây tắc (kim quất) với cây quýt (hoàng quất, cam quất), cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền (vỏ quýt là các vị thanh bì, trần bì). Vào dịp Tết, những cây tắc (cây quất) sum suê quả được bày bán rất nhiều. Tuy nhiên, những quả tắc này hầu như đều được phun thuốc để quả to đẹp và lâu rụng. Vì vậy, mọi người không nên tận dụng những quả này mà nên dùng ở những lứa quả tiếp theo.
 
Nguyễn Dung (t/h)