Ra đi sau một cơn đau đầu, người đàn ông mang nhóm máu hiếm hiến tạng cứu sống 4 người

Trở về nhà với một cơn đau đầu nhẹ rồi rơi vào hôn mê, không ai biết đó lại là đêm cuối cùng của anh Đinh Trọng Hoàng. Anh trở thành bệnh nhân hiến tạng đặc biệt khi mang nhóm máu AB.
Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày anh Đinh Trọng Hoàng (44 tuổi, ở Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh) ra đi sau một cơn đau đầu tưởng chừng đơn giản.
 
Gia đình anh vẫn chưa thể nào nguôi ngoai khi người thân ra đi quá đột ngột. Đổi lại, họ có một niềm an ủi khi hoàn thành tâm nguyện của anh là hiến tạng cứu giúp những mảnh đời bất hạnh khác.
 

Cơn đau đầu báo hiệu của tử thần

 
10h đêm 28/6, anh Hoàng trở về nhà sau ca trực tại cơ quan. Hôm ấy là ngày nhận lương nhưng nét mặt cau có vì cơn đau đầu khiến anh chẳng thể nào vui nổi.
 
Anh lặng lẽ trở về phòng nghỉ ngơi mà không nói cho ai biết về cơn đau đầu ấy. Và rồi anh chẳng còn cơ hội để nói nữa.
 
Ra đi sau một cơn đau đầu, người đàn ông mang nhóm máu hiếm hiến tạng cứu sống 4 người
Ảnh minh họa
 
Chị Đinh Thị Thu Hoài (chị gái của anh Hoàng) kể lại, 7h sáng hôm sau (29/6), chị không thấy em trai chở mẹ sang nhà mình nên gọi điện giục. Khi chị vừa đến cơ quan thì nhận được điện thoại báo em trai rơi vào trạng thái tê liệt, vệ sinh không tự chủ.
 
Linh tính em trai bị tai biến, chị Hoài lập tức gọi điện cho một người quen nhờ đến đốt ngải chữa bệnh nhưng tình trạng anh Hoàng mỗi lúc một nặng hơn. Gia đình nhanh chóng đưa anh Hoàng vào Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh trong tình trạng mắt mở nhưng vô thức, chân tay tê liệt hoàn toàn. Các bác sĩ nhận định anh Hoàng đã nguy kịch nên chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
 
Một lần nữa, gia đình anh nhận tin dữ khi bác sĩ xác định anh Hoàng bị phình động mạch não và không còn cơ hội cứu vãn.
 
Chị Hoài chia sẻ: “Lúc nghe tin không còn cơ hội, cậu em trai nữa của tôi đã nói, Hoàng từng tâm sự sẽ hiến tặng lại mô tạng nếu không may có gì xảy ra. Vì thế, gia đình đã hỏi thăm tìm cách xem có thể hiến tạng được không?"
 
Bản thân anh Hoàng đã ly thân vợ hơn 2 năm. Thời gian anh Hoàng chuyển xuống điều trị tại Hà Nội, người vợ có đến thăm nhưng chưa lần nào gặp mặt anh trực tiếp. Gia đình có đề cập việc hiến tạng của anh nhưng chị không có ý kiến gì.
 
Người mẹ già năm nay đã 75 tuổi dù ngất lên ngất xuống vẫn đành ký vào đơn đồng ý hiến tạng con trai. Sự ra đi đột ngột của cậu trai vượt quá sức chịu đựng của người mẹ già. Bà vẫn phải nằm viện suốt 1 tháng qua.
 
Sau đám tang chồng, vợ anh Hoàng cùng hai con đã dọn về nhà, thờ chồng đồng thời chăm sóc mẹ già và các con. Gia đình có thêm người, bớt đi cảm giác hiu quạnh.
 

Ca ghép tạng đặc biệt của bệnh nhân có nhóm máu hiếm

 
Nhận được nguyện vọng của gia đình, ngày 29/6, anh Hoàng được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ban đầu các bác sĩ vẫn tích cực cứu chữa cho bệnh nhân với mong muốn tận dụng một chút hy vọng dù là mong manh.
 
Các bác sĩ tiến hành hồi sức đồng thời đánh giá tình trạng tiềm năng chết não ban đầu. Sau 18 tiếng với 3 lần được xác định chết não, các bác sĩ mới tiến hành các bước chuẩn bị lấy và ghép tạng.
 
PSG. TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trường hợp hiến tạng của bệnh nhân Hoàng khá đặc biệt vì đây là bệnh nhân mang nhóm máu Ab. Đây là nhóm máu hiếm nên chỉ người có cùng nhóm máu mới có thể nhận tạng.
 
Ra đi sau một cơn đau đầu, người đàn ông mang nhóm máu hiếm hiến tạng cứu sống 4 người
PSG. TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
 
Bệnh viện đã tiến hành sàng lọc trong số hàng ngàn bệnh nhân. Từ đó tìm ra, một chàng trai 19 tuổi bị xơ gan do nhiễm đồng được nhận lá gan của anh Hoàng. Hai quả thận của anh được ghép tặng cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, trong đó một người 59 tuổi và một người 19 tuổi.
 
Còn lại, bệnh viện nhờ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tìm kiếm bệnh nhân ghép tim có cùng nhóm máu. Trường hợp duy nhất được xác nhận phù hợp nhận tim là bệnh nhân 61 tuổi.
 
Một ngày sau đó (30/6), hơn 100 y, bác sĩ chạy đua với thời gian để tiến hành phẫu thuật cho anh Hoàng để lấy, ghép đa tạng. Ngoài tim, gan và hai quả thận, bệnh viện cũng lưu trữ được 10 gân tại Ngân hàng mô.
 
Ra đi sau một cơn đau đầu, người đàn ông mang nhóm máu hiếm hiến tạng cứu sống 4 người
Các bác sĩ tiến hành lấy và ghép tạng
 
BS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, giác mạc của anh Hoàng có chút vấn đề nên không thể hiến tặng. Còn phổi do mất nhiều thời gian hồi sức nên không thể ghép được.
 
Các bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật ghép tạng ngay sau đó. Trong số các ca ghép này, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn ở ca ghép gan do người nhận bị suy gan do nhiễm đồng lâu ngày, chức năng gan kém, khả năng đông máu kém. Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ để bóc gan xơ và thêm 2 giờ để ghép gan mới.
 
Sau hơn 1 tháng, ba bệnh nhân ghép gan, thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được ra viện. Ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang ổn định dần sức khỏe.
 
BS Nghĩa chia sẻ, việc ghép tạng cần cả quá trình nên mọi người cần suy nghĩ và đến viện tư vấn sớm để có kết quả tốt nhất. Việc hiến tặng tạng khi không may có người thân rơi vào tình trạng chết não sẽ cứu giúp được nhiều cuộc đời bất hạnh khác.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/06/Người hiến tạng được hưởng những quyền lợi gì- - VTC14_06082019174036.mp4[/presscloud]
Người hiến tạng được những quyền lợi gì? Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)