Diamond Princess trở thành ổ dịch di động như thế nào?
Diamond Princess khởi hành từ cảng Yokohama ngày 21/1 và trở về hôm 3/2. Trên hành trình của mình, du thuyền đã dừng chân tại Hong Kong, Việt Nam, Đài Loan.
Hành khách đầu tiên trên du thuyền được xác định mắc bệnh là người đàn ông khoảng 80 tuổi tới từ Hong Kong. Người này bay đến Nhật Bản và lên du thuyền vào ngày 20/1, sau đó đã rời thuyền khi cập cảng Hong Kong hôm 25/1. Ông được gọi là "bệnh nhân số 0" vì đã mang mầm bệnh và phát tán nó ra khắp siêu du thuyền.

Ngay sau khi cập cảng, du thuyền đã bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản. Toàn bộ 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được yêu cầu ở nguyên trên tàu, để tiến hành thăm khám sức khỏe và điều tra dịch tễ. Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử 10 bác sĩ và 5 y tá lên tàu để kiểm tra sức khỏe toàn bộ hành khách.
Trước đó, chiếc du thuyền được kiểm tra dịch lần đầu vào ngày 1/2 tại một cảng ở Naha thuộc tỉnh Okinawa ở cực nam của Nhật Bản. Lần kiểm dịch thứ hai là sau khi vị du khách đầu tiên được phát hiện mắc bệnh.
Sau 2 ngày cách ly tức mùng 5/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản thông báo đã phát hiện 10 hành khách dương tính với virus corona mới (Covid-19).
Ngày 9/2, ông Lê Hữu Minh, quyền giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra lịch trình của hơn 340 khách du lịch đi trên tàu Diamond Princess xuống cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) để tham quan Huế, Hội An… hôm 27/1.
Ngày 10/2, Hãng tin Reuters cho biết có thêm 5 người trên du thuyền được phát hiện nhiễm bệnh, nâng tổng số hành khách nhiễm Covid-19 lên 135 người.

Ngày 12/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản xác nhận có thêm 39 ca nhiễm virus được phát hiện, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên du thuyền lên 175 người.
Ngày 13/2, Bộ Y tế Nhật xác nhận có thêm 44 ca dương tính với virus corona mới trên tàu Diamond Princes. Số hành khách mắc bệnh trên du thuyền được phát hiện đã là 218 người. Số người mắc bệnh trên du thuyền đang bị cách ly tăng lên từng ngày.
Ngày 15/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản tiếp tục thông báo có thêm 67 hành khách cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới, tổng số hành khách mắc bệnh lúc này là 286.
Tính đến ngày 16/2, Nhật Bản xác định số người Covid-19 trên tàu đã là 355 (trong số 1.219 du khách được xét nghiệm). Siêu du thuyền hạng sang chính thức trở thành ổ dịch lớn thứ hai ngoài Trung Quốc.
Môi trường lây nhiễm chéo lý tưởng
Số ca dương tính với Covid-19 được phát hiện tăng lên từng ngày dù thực tế mới chỉ có 1/3 số hành khách trên tàu được xét nghiệm (1.219 trên tổng số khoảng 3.600 hành khách). Nhiều ý kiến lo ngại số ca bệnh được phát hiện sẽ tăng lên cùng với số người được xét nghiệm.
Trong khi số phận hàng ngàn hành khách bên trong du thuyền Diamond Princes còn chưa được định đoạt thì hôm 13/2, du thuyền MS Westerdam đã cập cảng Campuchia sau 5 lần bị từ chối vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Sau đó 2 ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết, phát hiện hành khách đầu tiên trên tàu dương tính với chủng mới virus corona. Đó là một phụ nữ Mỹ 83 tuổi, sau khi cập cảng ở Campuchia bà này đã bay tới Malaysia hôm 14/2 thì phát hiện mắc bệnh.

Nhiều chuyên gia đánh giá, không gian sống trong siêu du thuyền điển hình là chiếc Diamond Princes có quá nhiều điều kiện thuận lợi để lây nhiễm virus.
Trả lời báo Tuổi trẻ, giáo sư Gregory Gray thuộc Chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Đại học Y khoa Duke - NUS (Singapore) nhận định, các hành khách trên các du thuyền nói chung phải đối mặt với rủi ro bị lây nhiễm chéo cao hơn nhiều các vị khách di chuyển bằng máy bay hay xe lửa, tàu điện ngầm.
Nguyên nhân do các hành khách có thời gian tiếp xúc trực tiếp với nhau dài hơn từ vài ngày thậm chí vài tuần so với khoảng vài tiếng như những người di chuyển bằng các phương tiện khác.
Ông Gray phân tích, những hành khách đi tàu cùng nhau dùng chung các dịch vụ tiện ích như khu vực giải trí và nhà hàng, phòng chiếu phim, sàn khiêu vũ... "Các tay vịn trên cửa và những hành lang trên tàu cũng là nơi thường xuyên có nhiều người chạm tới, có thể khiến virus truyền từ người này sang người khác", ông Gray nói.
Một ý kiến khác của PGS Danielle Anderson - chuyên gia khác về các bệnh mới nổi như MERS và ZIKA thuộc ĐH Duke - NUS cũng cho rằng, không gian kín trên các du thuyền là điều kiện lý tưởng cho virus lây lan với tốc độ nhanh hơn các phương tiện giao thông khác.
Bà Anderson nói: "Người ta có thể khử trùng triệt để xe lửa và máy bay để ngăn ngừa mầm bệnh, nhưng các biện pháp này là không thể đối với Diamond Princess vào thời điểm hiện tại" - bà Anderson giải thích.
Thực tế hiện nay, việc cô lập tàu Diamond Princess có thể bảo vệ những người khỏe mạnh bên ngoài nhưng không thể đảm bảo an toàn cho những người trên tàu.
Số người được xác định nhiễm virus trên du thuyền Diamond Princess tăng lên từng ngày khiến nhiều quốc gia lên kế hoạch hồi hương cho các công dân của mình đi trên du thuyền này. Thời gian cách ly hành khách trên du thuyền này sẽ hoàn tất vào ngày 19/2.