Củ sen còn gọi là liên ngẫu, là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có ích cho sức khỏe, nhất là với cơ quan hô hấp trong cơ thể.
Đông y cho rằng
củ sen có giá trị dinh dưỡng phong phú, là "thần dược" thanh nhiệt, có tác dụng cầm máu, kiện tỳ, dưỡng vị, bổ khí, dưỡng huyết. "Bản thảo thập dị" từng ghi chép: Bột củ sen tiêu thực, trừ tả, giải phiền muộn, giã rượu, loại bỏ chứng khát sau khi say rượu". Sách "Cương mục thập dị" thì viết: Bột củ sen điều trung khai vị, bổ tủy, ích huyết, có công dụng thông khí, thanh nhiệt, ăn thường xuyên sẽ thấy an thần, sinh trí, giải khát, sinh tân, tiêu thực, trừ tả.
Y học hiện đại cũng đã chỉ ra loại củ này chứa 70% tinh bột và nhiều loại khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, photpho, vitamin B, vitamin C, chất béo, protein, đường… Với phong cách ẩm thực thiên về tươi sống để giữ cho vitamin không bị giảm đi trong quá trình nấu, người phương Tây thường chế biến củ sen thành các món ăn tươi như: salad củ sen, sandwich củ sen, nước ép củ sen. Khi bóc lớp vỏ bên ngoài của củ sen sẽ thấy nó là một loại củ màu trắng có nhiều lỗ nhỏ, vị ngọt, giòn kể cả khi nấu chín. Củ sen có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và được mệnh danh là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất trên thế giới. Bởi trong
củ sen không những chứa nhiều vitamin, khoáng chất mà đây còn là loại thực vật chứa sắt, phốt pho, kali, mangan, thiamin, kẽm, axít pantothenic, vitamin C, B6, ngoài ra nó còn có cả protein và là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể.

Ngoài ra, lượng
vitamin C cao trong củ sen có tác dụng hòa tan chất nhầy tiết ra trong đường hô hấp và loại bỏ chất nhầy bằng cách bài tiết ra khỏi cơ thể. Do đó, củ sen thường được dùng để điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản, cảm lạnh, ho và bệnh lao. Người Hàn Quốc thì xem củ sen như một biểu tượng của sự sinh sản, phát triển nên củ sen thường xuyên có mặt trong các bữa ăn. Ngoài món kim chi củ sen nổi tiếng, củ sen khô dùng làm trà uống tốt cho đường hô hấp, giúp lọc máu, dễ ngủ. Người Hàn ngâm củ sen uống giống như một loại nhân sâm của đất trời để tăng cường sức khỏe cơ thể. Đối với người Ấn Độ củ sen là một món ăn thiêng liêng vì nó tựu lại 3 yếu tố đất, nước và không khí.
Giá trị dinh dưỡng trong củ sen
Trong 100 gram củ sen chứa:
- Calories: 74 cal
- Chất xơ: 13%
- Không chứa cholesterol
- Vitamin C: 73%
- Giàu hàm lượng đồng và sắt
- Hàm lượng chất béo thấp
- Chứa hỗn hợp vitamin B
- Giàu chất khoáng và protein
Tác dụng của củ sen đối với phổi
Môi trường ô nhiễm,
thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm và thói quen sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của phổi. Các yếu tố này có thể làm cho phổi của bạn không được thông suốt, sinh ra các chất nhầy trong phổi như bụi phổi, và các bệnh về phổi, u phổi, ung thư phổi,.. Phổi phải tạo ra các phản ứng để đào thải các yếu tố ảnh hưởng ra ngoài như hắt hơi, ho, ho khan, ho có đờm, cảm giác đau, khó chịu. Như chúng ta đã biết thì phổi chính là cơ quan mềm mại nhất, nằm ở cao nhất trong hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể.
Phổi ở gần sát với đường thở để đảm bảo việc lấy không khí nhanh nhất cho cơ thể. Trong phổi là một hệ thống gồm phế quản, tiểu phế quản và các phế nang. Phổi khỏe hay không là nhờ vào hệ thống các phế nang được thông suốt, đảm bảo việc lưu thông không khí trong phổi. Không khí lưu thông tốt, cơ thể có đủ oxi phục vụ các hoạt động sống. Tuy nhiên, trong thực tế phổi cũng là cơ quan rất nhạy cảm. Phổi nóng quá, lạnh quá, ẩm quá hay khô quá đều không tốt và gây ra vấn đề về hô hấp cho chúng ta.
Củ sen chính là giải pháp hỗ trợ tích cực cho lá phổi của bạn. Các chất trong củ sen có tác dụng làm thông thoáng các phế nang, phế quản, tiểu phế quản trong phổi, tiêu sạch đờm, nhớt giúp đẩy lùi các cơn ho, khó thở và nâng cao
sức khỏe cho lá phổi. Duy trì sử dụng củ sen thường xuyên sẽ cải thiện rất hiệu quả sức khỏe đường hô hấp.
Bài thuốc bổ phổi, dưỡng phổi từ củ sen
Bạn có biết, khi cơ thể của bạn già đi thì phổi chính là cơ quan đầu tiên bị suy yếu. Chính vì vậy, việc chăm sóc phổi là điều rất quan trọng và cần thiết. Chăm sóc phổi đúng cách để đảm bảo cho lá phổi của bạn luôn khỏe mạnh, thông suốt nhằm hạn chế được nhiều bệnh tật. Củ sen được biết đến với vị ngọt dịu, tính mát, giàu vitamin C, chất xơ, sắt, đồng và có giá trị dinh dưỡng cao. Khi cắt củ sen ra, bạn sẽ nhìn thấy những lỗ nhỏ, đây là các lỗ giúp củ sen có thể sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ trong lớp bùn dưới nước sâu và thiếu sáng và thiếu khí như vậy. Do đó, củ sen được đánh giá là sản phẩm rất tốt giúp bổ và thông thoáng đường phổi, làm sạch phổi là làm sạch được hô hấp của bạn.
Bài thuốc từ củ sen tươi
Nguyên liệu cho 1 lít nước: 25-30 lát củ sen và 3-5 lát gừng mỏng.
Chế thuốc: Cho củ sen và gừng cùng 1 lít nước đun, đến khi nước sôi thì hạ lửa liu riu đun trong 5-7 phút thì tắt bếp, chắt lấy nước uống thay nước trong ngày.
Trà củ sen: Bột sắn dây sống (1 chút ~ nửa thìa canh hoặc 3 thìa cà phê). Gừng sống cả vỏ, giã nát, cho nước vào chắt lấy 1 chút nước. Nếu tốt hơn, lấy thật nhiều gừng, giã nát, lấy nước để lắng, bỏ nước trên, chỉ lấy phần bột gừng phía dưới đáy, 1 lượng nhỏ. cỡ 2 thìa caphe (5mm). Trà củ sen đun nhỏ lửa 20p, vớt bỏ bã, đổ nước bột sắn và nước bột gừng vào, quấy bột vừa chín tới, không cần quá nhiều bột sắn, lỏng lỏng như nước cơm là được.
Hoặc: Trà củ sen (có thể thay bằng nước ép củ sen tươi ~ 200-300ml). Nước gừng 2 thìa cà phê - 5mm. Nước ép củ cải cỡ 1 thìa canh 10mm. Nước ép carot 2 thìa canh 20mm. Bột sắn dây sống 3 thìa cà phê, quấy tan với nước lạnh trước. Trà củ sen đun 20p lấy nước bỏ bã, rồi cho tất cả nguyên liệu kia vào quấy chín tới. Có thể gia giảm thêm đường phèn nâu tự nhiên, hoặc tương tamari lâu năm, hoặc cứ ăn nhạt cũng được. Uống lúc bụng đói, sáng sớm hoặc 3-4h chiều, hoặc tối cũng được.
Tác dụng khác của củ sen với sức khỏe
1. Cải thiện tiêu hóa: Củ sen có nhiều chất xơ ăn được. Nó làm tăng khối phân và làm giảm các triệu chứng táo bón nhờ bằng cách cải thiện nhu động ruột. Củ sen cũng có lợi trong điều trị tiêu chảy.
2. Điều hòa huyết áp: Kali có trong củ sen giúp thư giãn các mạch máu và cải thiện lưu lượng máu. Nó đảm bảo sự cân bằng giữa các chất lỏng trong cơ thể và ngăn ngừa tác dụng của natri trong máu, nhờ đó duy trì huyết áp bình thường.
3. Tăng cường khả năng miễn dịch: Vitamin C có trong củ sen giúp sản xuất các tế bào bạch cầu, hoạt động như một hệ thống phòng thủ chống lại nhiều bệnh, nhờ đó tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
4. Thúc đẩy sức khỏe của tim: Củ sen chứa pyridoxine giúp giảm mức homocysteine. Mức homocysteine cao có liên quan đến nguy cơ đau tim. Ngoài ra, kali và chất xơ giúp loại bỏ cholesterol trong máu.
5. Giảm stress: Vitamin B6 có trong củ sen giúp sản sinh hai loại hoóc-môn hạnh phúc có tên là serotonin và dopamine. Những hoóc-môn này ảnh hưởng tích cực đến não và giúp cải thiện tâm trạng bằng cách giảm căng thẳng.
6. Giải quyết các vấn đề về da và tóc: Vitamin B và C có trong củ sen giúp làm cho da sáng và tóc mượt. Những vitamin này kích hoạt việc sản xuất collagen trong cơ thể giúp cải thiện sức khỏe của làn da và khiến bạn trông trẻ hơn.
7. Ngăn ngừa thoái hóa hoàng điểm: Đặc tính chống oxy hóa của củ sen giúp ngăn ngừa thoái hóa hoàng điểm. Đưa củ sen vào chế độ ăn là có lợi trong việc điều trị tất cả các loại vấn đề về mắt và viêm.
8. Giúp quản lý cân nặng: Củ sen có nhiều
chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nó giúp giữ cho dạ dày no lâu hơn và kiểm soát cơn đói, nhờ đó kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa béo phì.
9. Cải thiện sức khỏe của não: Củ sen chứa vitamin B6 giúp duy trì sức khỏe tinh thần tốt bằng cách điều chỉnh tâm trạng. Nó cũng giúp kiểm soát
stress và đau đầu.
10. Có thể giúp ngăn ngừa ung thư: Vitamin C có trong củ sen giúp bảo tồn cấu trúc ADN và làm giảm các bất thường liên quan đến các tế bào bị đột biến dẫn đến ung thư. Vì vậy, ăn củ sen sẽ phần nào giúp ngăn ngừa
ung thư.
Tác dụng phụ của củ sen
Củ sen có tất cả các chất dinh dưỡng có lợi mà chúng ta cần để giữ gìn dáng vóc và sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên không nên sử dụng củ sen để thay cho thuốc. Ngoài ra, tránh ăn sống vì củ sen có thể chứa một số ký sinh trùng gây hại.
Nguyễn Dung (t/h)