Thượng tá kể chuyện 1 tháng sống cùng 'Cô Vy' cho ra đời bộ KIT test SARS-CoV-2 'made in Việt Nam'

Admin
Chỉ trong 1 tháng, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự hoàn thành 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép trong 6 tháng. Mỗi ngày, Việt Nam có thể làm ra 10.000 test phát hiện virus này.
Thông thường một sản phẩm KIT test vi rút phải mất 2 năm nghiên cứu sản xuất cộng với 2 năm thử nghiệm, nghiệm thu kết quả. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (trực thuộc Học viện Quân y) do Thượng tá - PGS.TS Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc viện) đứng đầu chỉ mất 1 tháng để hoàn thành 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 là Real-time RT-PCR và RT-PCR được Bộ Y tế cấp phép tạm thời trong 6 tháng.
 
Mỗi ngày, Việt Nam có thể làm ra 10.000 test phát hiện SARS-nCoV-2. PGS.TS Hồ Anh Sơn nói, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép sản phẩm nghiên cứu trong thời gian siêu ngắn như vậy. Hiện tại, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chủ động được KIT chẩn đoán vi rút, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác khám chữa và phòng chống dịch COVID-19.
 

1 tháng áp lực khủng khiếp sống cùng “Cô vy”

 
Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (YDHQS), Học viện Quân y nhận nhiệm vụ từ Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu để chế tạo bộ kit (mẫu sinh phẩm phát hiện vi rút corona chủng mới). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của PGS Hồ Anh Sơn và các cộng sự đã bắt tay vào việc tìm hiểu con vi rút Corona chủng mới ngay từ khi chưa nhận nhiệm vụ.
 
Thượng tá kể chuyện 1 tháng sống cùng 'Cô vy' cho ra đời 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 'made in Việt Nam'
Thượng tá - PGS.TS Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (YDHQS), Học viện Quân y,  chủ nhiệm đề tài nghiên cứu.
 
Kể từ ngày 13/1, nhóm các chuyên gia của Viện nghiên cứu YDHQS đã được cung cấp thông tin về vi rút, các cặp mồi để bắt vi rút, chuỗi dò khóa cũng như một số quy trình để tìm hiểu, phát hiện chủng mới của vi rút Corona từ nhóm đối tác lâu năm ở viện Charite (Đức).
 
Một tuần sau đó, PGS Hồ Anh Sơn và các cộng sự chính thức bắt tay vào nghiên cứu bằng việc đặt các mẫu di truyền của vi rút được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ nước ngoài. "Dù chưa có chỉ thị từ cấp trên nhưng phản ứng đó của chúng tôi giống như phản xạ tự nhiên của người làm nghề nghiên cứu. Chúng tôi coi đó là trách nhiệm với gánh nặng là câu hỏi: "Nếu dịch bệnh lan đến Việt Nam thì sẽ thế nào"?"
 
Cuối tháng 1, thời điểm sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhân 2 ca bệnh đầu tiên trong bối cảnh số lượng KIT test trong nước rất hạn chế, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài. PGS Hồ Anh Sơn tiết lộ, Viện nghiên cứu YDHQS nhận nhiệm vụ trong 2 tuần phải có KIT thử nghiệm và sau một tháng có sản phẩm sử dụng.
 
Đó là một "deadline" không tưởng ngay cả với những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất, buộc toàn bộ nhân sự phải tăng hiệu suất làm việc lên gấp 3 lần. Nhóm nghiên cứu của PGS Hồ Anh Sơn không chỉ chịu áp lực về thời gian gấp rút mà còn từ sự cạnh tranh với nhiều dự án nghiên cứu KIT test khác cũng được Bộ đặt hàng. Bộ KH-CN yêu cầu ông và các cộng sự phải báo cáo thời gian hoàn thành dự án sớm nhất có thể.
 
Tất nhiên, để đạt được tiến độ này, các chuyên gia của Viện nghiên cứu YDHQS đã làm việc tới quên cả thời gian, quên ăn quên ngủ. "Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Chúng tôi "nhốt mình" trong viện và thường nói vui với nhau: "vì yêu cô Vy quá nên phải ăn ngủ cùng cô Vy", PGS Hồ Anh Sơn tâm sự.
 
Nghiên cứu môi trường nhận biết vi rút khi trong tay không có mẫu vi rút thực, áp lực khủng khiếp về thời gian và tính hiệu quả của sản phẩm làm ra so với các bộ KIT của các đơn vị khác và các nước khác… là những vấn đề hóc búa mà nhóm nghiên cứu phải đối mặt.  PGS Hồ Anh Sơn nói đây là lần đầu tiên Viện nghiên cứu YDHQS phải nghiên cứu trong điều kiện gấp rút như vậy.
 
Thượng tá kể chuyện 1 tháng sống cùng 'Cô vy' cho ra đời 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 'made in Việt Nam'
2 bộ KIT được hoàn thành chỉ sau 1 tháng
 
Hàng ngày, cứ cách 2-3 tiếng, nhóm nghiên cứu lại nhận được câu hỏi từ Thủ trưởng Học viện Quân y và lãnh đạo các Bộ rằng "Vài tiếng vừa qua, các anh đã làm được gì?". Thời gian hoàn thành dự án chỉ đúng 1 tháng nên không một sai sót nào được phép xảy ra. 
 
Trước ngày thử nghiệm bộ KIT trên mẫu bệnh phẩm ở Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), PGS Hồ Anh Sơn nhận được câu hỏi từ Giám đốc Học viện Quân y về việc sẽ mất bao nhiêu thời gian điều chỉnh trong trường hợp mẫu bệnh phẩm bị hỏng.
 
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu YDHQS chỉ trả lời đúng 1 câu: "Chúng tôi chưa từng nghĩ đến tình huống thất bại vì chúng tôi không có cả thời gian để nghĩ đến điều đó. Chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc là phải hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không thắng trận này, chúng tôi giống như người lính trên chiến trường trúng đạn, không có cơ hội làm lại".
 
Từng thành viên nhóm nghiên cứu nói vui rằng họ đang trong cuộc chiến sinh tử với "cô Vy". Kết quả họ tạo ra 6 bộ KIT, mang sang NIHE kiểm định và được khuyên nên chọn ra 3 mẫu tốt nhất để thử. Kết quả cả 3 loại đều thành công. Sau đó, Viện phối hợp với đơn vị chỉ tập trung sản xuất một loại tốt nhất để nghiệm thu.
 

Khi chuyên gia ung thư “nhảy” sang nghiên cứu vi rút

 
PGS Hồ Anh Sơn cho biết, một sản phẩm như KIT test virus thông thường phải mất khoảng 2 năm nghiên cứu, đấu thầu đánh giá, thử nghiệm, nghiệm thu... và 2 năm để chuyển giao sản xuất, tối ưu quy trình, đăng ký sản phẩm. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19 diễn biến quá nhanh nên mọi tiền lệ đều bị phá vỡ.
 
Nếu tính tổng thời gian nghiên cứu và hoàn thiện, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu YDHQS có tổng cộng 2 tháng kể cả thời gian nghiên cứu trước khi Bộ KH-CN giao nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu chỉ có tổng cộng khoảng 10 người bao gồm 2 tiến sĩ, nghiên cứu sinh và các thạc sĩ. Tuy vậy họ đã làm việc với công suất gấp 3 lần bình thường để hoàn thành toàn bộ quy trình trong thời gian ngắn hơn 8 lần quy trình thông thường. 
 
PGS Hồ Anh Sơn nói để hoàn thành quá trình này một cách trơn tru kỳ diệu như vậy, ông cùng các cộng sự nhận được sự trợ giúp từ Bộ KH-CN, Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và nhiều đơn vị khác cùng chung tay góp sức. Hai mẫu vi rút thực tế được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp là mẫu SARS-CoV-1 (gây ra dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 (gây ra dịch COVID-19) là nguồn tư liệu quý giá để các chuyên gia sản xuất thành công hai bộ KIT với tính thực tiễn đáng nể so với nhiều sản phẩm của các nước khác.
 
Thượng tá kể chuyện 1 tháng sống cùng 'Cô vy' cho ra đời 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 'made in Việt Nam'
WHO đề nghị Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu kit test SARS-CoV-2
 
Hiện tại, Bộ Y tế mới chỉ cấp phép tạm thời cho 2 bộ KIT trong thời gian là 6 tháng. PGS Hồ Anh Sơn cho biết, với những sản phẩm phải cho ra với thời gian gấp rút như thế này là điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và có lẽ là trên thế giới. Các sản phẩm đã qua bước thử nghiệm đầu tiên sẽ được sử dụng để chống dịch.
 
Cùng lúc, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến để sản phẩm tối ưu hơn. Nếu có thể sẽ cho ra mắt các sản phẩm tốt hơn để được Bộ cấp phép tiếp theo. Các nhà nghiên cứu vẫn nỗ lực từng ngày cải thiện tính chính xác của bộ KIT ngay cả khi vi rút có biến đổi. Hiện nay ngoài Việt Nam, Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Singapore, Nhật, Hàn, Trung Quốc... là một số nước đã có bộ KIT xác định vi rút.
 
PGS Hồ Anh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại, bộ KIT "made in Việt Nam" vẫn có nhiều ưu điểm hơn nhiều bộ KIT trên thế giới bởi sản phẩm đồng nhất, có độ tin cậy cao, mọi công đoạn đều được tích hợp vào một phản ứng multiplex nên thuận lợi hơn trong thao tác. Với những tính năng này, có thể khẳng định bộ KIT của Việt Nam ưu việt hơn so với bộ KIT của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ). Trong một lần chạy, bộ KIT của Việt Nam có thể chạy được 96 mẫu trong khi bộ KIT của CDC Hoa Kỳ chỉ làm được trên 24 mẫu.
 
PGS Hồ Anh Sơn tâm sự, ông không phải chuyên gia nghiên cứu về vi rút. Vì thế khi nhận nhiệm vụ, nhiều người nói ông liều lĩnh bởi chuyên môn chính của ông là ung thư. Dù là lần đầu tiên làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo KIT phát hiện vi rút nhưng PGS Hồ Anh Sơn luôn tin tưởng bản thân là người tạo ra nguồn cảm hứng, niềm tin cho các thành viên nhóm nghiên cứu có động lực làm việc. "Chúng tôi xác định nghiên cứu KIT là một nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng có thể bị kỷ luật ngay nếu sai sót”, PGS kể lại.
 
Hiện tại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong và ngoài nước. Ai cũng mong dịch bệnh sớm kết thúc để mọi thứ trở về với nhịp sống vốn có. Trong tương lai khi dịch bệnh được đẩy lùi cũng là lúc bộ KIT mà nhóm nghiên cứu vừa vắt sức thực hiện trôi vào dĩ vãng.
 
Tuy nhiên, PGS Hồ Anh Sơn cùng anh em đồng nghiệp thật sự mong điều đó xảy ra. Không chỉ bản thân ông vốn là nhà nghiên cứu mà cả công ty sản xuất KIT chắc chắn cũng không hề mong muốn dịch bệnh để kiếm tiền.
 
"Chúng tôi dốc sức nghiên cứu, sản xuất KIT cũng chỉ để sẵn sàng ứng phó với dịch. Các bác sĩ, bộ đội, quân y... trong giai đoạn này đều sống như một người lính ra chiến trận. Họ là hàng rào đầu tiên "chắn vi rút". Nếu hàng rào đó bị tổn thương thì những người phía sau cũng sẽ bị tổn thương, bao gồm cả gia đình của họ. Đó là lý do chúng tôi vắt sức làm việc nhưng nếu không có dịch, hẳn đó là điều hạnh phúc lớn lao nhất", PGS Hồ Anh Sơn nói.
 
 
Hà Ly (t/h)