Thấy con trai năm nay lên 10 tuổi nhưng mới chỉ cao 117 cm, người mẹ đưa con đi khám tầm soát và tiêm hormone tăng trưởng chiều cao. Sau 14 tháng bé đã cao thêm được 12cm.
Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng
Năm 2018, một bà mẹ ở TP.HCM đưa con đi khám tầm soát tăng trưởng chiều cao. Bé trai 10 tuổi nhưng năm nay chỉ nặng 28kg và cao có 117cm, tức là thấp hơn tới 15cm so với tiêu chuẩn tương ứng với tuổi.
Đưa con tới khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, sau khi chụp tuổi xương, bác sĩ phát hiện xương bé chỉ mới tương đương 7 tuổi và thiếu hụt hormone tăng trưởng trầm trọng. Các bác sĩ tiến hành tiêm hormone tăng trưởng cho bé. Sau 14 tháng, bệnh nhi đã tăng lên 12 cm.
Một trường hợp khác vào tháng 6/2018, bé N.T.P (ở TP.HCM) dù 11 tuổi, nhưng chỉ nặng 23 kg và cao 110 cm. Trong khi người em họ cùng tuổi của P. đã cao hơn tới 10cm.
Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bé được chẩn đoán lùn do suy tuyến yên. Sau khi điều trị bằng hormone tăng trưởng, năm đầu tiên P. tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết trẻ chào đời với chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng 25 cm. Hai năm kế tiếp, mỗi năm trẻ tăng 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến dậy thì, trẻ tăng thêm khoảng 5 cm mỗi năm.
Khi tới một độ tuổi nhất định mà trẻ không đạt được đúng chiều cao tương ứng thì đó gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng.
'Chữa' lùn bằng cách tiêm hormone
Hormone tăng trưởng có tên là Growth hormone (gọi tắt là hormone GH), còn được gọi là somatotropic hormone (SH) hoặc somatotropin. Hormone này do thùy trước tuyến yên tiết ra. Loại hormone này ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể người.
Chúng kích thích tăng trưởng của tế bào cả về kích thước và quá trình phân bào, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình trao đổi chất như: tăng tổng hợp protein tế bào, tăng phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, GH còn tác động gián tiếp đến mô sụn và xương.
Quá trình sản xuất hormone tăng trưởng GH được cơ thể tự điều hòa theo nhịp sinh học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cơ thể.
Các bậc phụ huynh có thể nhận biết con em mình bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng bằng một số dấu hiệu như: lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ có dáng vẻ mập mạp, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi.
Việc chẩn đoán và điều trị đối với trẻ chậm tăng trưởng chiều cao được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu cho những trẻ nhỏ được điều trị chuyên khoa Nội tiết nhi. Giai đoạn sau khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên sẽ được điều trị tại chuyên khoa Nội tiết người lớn.
Giai đoạn đầu, bác sĩ chuyên khoa nội tiết Nhi sẽ chỉ định dùng bổ sung hormone tăng trưởng cho bé và theo dõi tới tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn chuyển tiếp thành người lớn, bé sẽ được đánh giá lại rối loạn hormone tăng trưởng. Nếu còn rối loạn, bệnh nhi phải tiếp tục điều trị lâu dài.
Đối với trẻ thiếu hormone tăng trưởng được gia đình quyết định điều trị thì bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp dùng hormone tăng trưởng thay thế. Bệnh nhân phải chích thuốc 5-6 ngày/tuần, điều trị càng sớm, chiều cao của trẻ càng đạt gần với những người bình thường. Thời gian lý tưởng để bắt đầu điều trị là khi trẻ được từ 6-8 tuổi. Bệnh nhân phải điều trị liên tục, kéo dài cho tới qua tuổi dậy thì.
Biểu đồ chiều cao tương ứng với tuổi của trẻ
Sai lầm khi tự ý sử dụng hormone
Được biết, BV Đại học Y Dược là nơi đầu tiên tại TP.HCM tiến hành điều trị cho bệnh nhân bị thiếu hormone tăng trưởng bằng cách tiêm hormone. Trường hợp đầu tiên được bệnh viện chữa trị bằng phương pháp này vào năm 2002.
Tuy nhiên việc sử dụng phương pháp này còn nhiều hạn chế. Chi phí điều trị vô cùng đắt đỏ bởi giá thuốc không hề rẻ. Thường chỉ có gia đình có điều kiện mới có thể theo đuổi.
Bên cạnh đó, thực tế nhiều bậc cha mẹ thiếu hiểu biết lại tin vào lời quảng cáo của các loại thuốc tăng trưởng chiều cao trôi nổi trên thị trường khiến con mình chẳng những không cao mà còn mang bệnh vào người.
Năm 2016, chị Nguyễn Thị Cúc (ở Hưng Yên) tìm mua loại thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng cho con gái 10 tuổi thấp bé. Mỗi lọ thuốc có giá tới 2 triệu đồng mà chị cho con uống một thời gian dài vẫn không thấy cao lên chút nào. Thay vào đó chị nhận thấy các khớp ngón tay, chân của con có dấu hiệu to lên, sờ vào thấy xương lồi ra. Đi khám thì bác sĩ bảo bị to đầu chi.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Bảo (22 tuổi, ở Phú Thọ) vì tự ti với chiều cao khiêm tốn của mình nên đã tự ý mua thuốc tăng trưởng chiều cao về nhà và thuê người đến tiêm. Kết quả chiều cao của anh vẫn không thay đổi mà chỉ thấy đau xương khớp và đau đầu.
Dùng hormone tăng trưởng thế nào cho an toàn?
Theo các chuyên gia sử dụng hormonne tăng trưởng chiều cao đối với những người đã đủ dinh dưỡng hoặc không nằm trong đối tượng chỉ định thì sẽ gây hại đến cơ thể. Với những người ở lứa tuổi trưởng thành, xương đã bị cốt hóa hoàn toàn, chiều cao khó có thể tăng trưởng vì thế dùng bất kỳ loại hormone tăng trưởng nào cũng khó có tác dụng.
Khi dùng hormone GH (hGH) không đúng chỉ định mà dùng liều cao hoặc kéo dài thì sẽ bị các tác dụng phụ. Dùng hGH ngắn hạn có thể bị giữ nước, phù, sưng ngón tay, hội chứng ống cổ tay, một số trường hợp bị to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng.
Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người lớn đã hết thời kỳ phát triển, có thể bị chứng to cực (to các đầu chi) kết hợp với một số biến chứng và tử vong, làm tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa hoặc có thể gây ra khối u giả trong não (pseudotumor cerebri), nhức đầu dữ dội buộc phải ngừng thuốc, nếu không sẽ bị các tổn thương khác. Vì vậy không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ, đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu bất thường nào thì cần đưa đi khám chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.
Cha mẹ không tự ý bổ sung canxi hoặc các thực phẩm chức năng cho con để tránh các tác dụng phụ không mong muốn hoặc dư thừa chất. Nên đưa trẻ đi khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Cha mẹ cũng cần nhận thức rõ hormone tăng trưởng không phải thần dược cứ sử dụng là sẽ tăng được chiều cao. Việc điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone cần phải tuân thủ điều trị tốt, tái khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh liều thuốc phù hợp với thể trạng của trẻ. Bên cạnh đó, bé cần được phối hợp với dinh dưỡng, vận động thể lực để hỗ trợ quá trình tăng trưởng.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/05/24/Có nên tiêm hormone tăng trưởng.mp4[/presscloud]
Nguồn video: VTC 14
Hà Ly (Th)