Dấu hiệu trẻ bị còi xương
Giai đoạn đầu
Nếu thấy bé mọc ít tóc, phần tóc khá mỏng đặc biệt là phần tóc phía trước và sau gáy thì khả năng trẻ bị còi xương là rất cao. Trong trường hợp này, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra lượng canxi của trẻ. Nếu trẻ không bị thiếu canxi thì nhiều khả năng bị thiếu phốt pho.
Giai đoạn nặng
Tình trạng còi xương nặng cũng có thể xuất hiện trong thời điểm 6 tháng đầu đời. Bạn cần chú ý nếu thấy bé hoạt động kém hơn bình thường, chân tay uể oải, chân có dáng vòng kiềng, những mảng hói lớn trên da đầu của bé.
Ở giai đoạn bệnh trở nặng, bạn sẽ thấy xương của bé mềm đến mức khi chạm vào có cảm giác như bé không có xương. Hình dáng đầu của bé cũng bị thay đổi, vùng đỉnh đầu và phía trước gần như nhô to hơn. Phần xương ở cổ tay và ngón tay có xu hướng nhô hẳn lên. Trẻ bị còi xương có thể làm thay đổi khung xương chậu và trở thành dấu hiệu nghiêm trọng trong quá trình phát triển của các bé gái.
Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: Chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón.
Trong trường hợp còi xương cấp tính: bé có thể bị co giật do hạ canxi máu.
Các cơ nhão làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không kịp thời điều trị sẽ để lại di chứng ở hệ xương như: Lồng ngực biến dạng, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X)… Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ sau này đối với bé gái.
Sai lầm khi chữa bệnh còi xương cho trẻ
Hầu hết khi nhận được kết quả con bị còi xương do thiếu vitamin D thì các mẹ thường khẳng định, chắc chắn đã cho bé tắm nắng thường xuyên nhưng tắm trong bóng râm và mặc áo dài tay. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách tắm này của cha mẹ không có tác dụng với bé. Đây là một trong những cách chữa còi xương sai lầm mà nhiều mẹ hay vấp phải.
Trẻ còi xương còn do các mẹ cho bé ăn bột từ quá sớm. Việc ăn bột từ khi cơ thể chưa được hoàn thiện ổn định, ăn bột nhiều gây nên tình trạng ức chế hấp thụ canxi. Ngoài ra, các bé sinh non, không được bú sữa mẹ, sinh vào mùa đông cũng có nguy cơ bị mắc bệnh này rất cao.
Một số bậc cha mẹ nhận thấy con mình có dấu hiệu còi xương liền nhanh chóng cung cấp canxi cho con bằng cách ninh xương, ninh chân gà để lấy nước nấu cháo và bột cho các bé. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, đây là cách làm sai lầm của cha mẹ bởi canxi trong xương gà, xương lợn rất khó hòa tan. Hơn nữa, xương ninh lâu trong nồi áp suất cũng bị mất nhiều chất bổ dưỡng. Vậy nên, với trẻ còi xương đây không phải là biện pháp thích hợp.
Một số gia đình khác thì điều trị bệnh còi xương của trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều sữa đặc có đường, sữa bột và tăng cường các bữa ăn dặm cho trẻ. Nhưng cách làm này không giúp cải thiện tình trạng còi xương ở trẻ mà còn khiến trẻ mắc thêm một số bệnh nguy hiểm khác như đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.