Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị?

Trẻ dậy thì sớm có thể gây ra nhiều hệ lụy tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp. Làm sao nhận biết các dấu hiệu trẻ dậy thì sớm và trong trường hợp nào cần điều trị.
Dậy thì sớm được chia thành hai nhóm: Dậy thì thật (dậy thì sớm trung ương) và dậy thì sớm ngoại biên (dậy thì giả). Dậy thì thật chịu ảnh hưởng của hormone sinh dục gonadotropind tiết ra, tác động lên hệ thần kinh sớm, vùng hạ đồi bị kích thích dẫn đến sự kích thích ở thùy trước tuyến yên, tiết ra FSH và LH, từ đó kích thích buồng trứng và tinh hoàn sản sinh ra hormone giới tính là ostrogen (ở nữ) và testosterone (ở nam), xuất hiện các biểu hiện sinh dục ở ngoại hình.

Dậy thì giả (hay dậy thì ngoại biên) là khi không có sự tác động của hormone gonadotropin nhưng trẻ vẫn có một số đặc điểm sinh dục thứ phát. Nguyên nhân thường do các bệnh lý như khối u u buồng trứng, tinh hoàn, u tuyến thượng thận kích thích tuyến yên và các cơ quan sinh dục làm tiết ra ostrogen và testosterone.
 
Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị
 

Các phương pháp điều trị dậy thì sớm


Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, không phải trường hợp dậy thì sớm nào cũng cần điều trị. Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ hiện nay là lo lắng thái quá dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ. Không ít trường hợp dù được bác sĩ khẳng định trẻ bình thường nhưng bố mẹ cho con đi khám bên ngoài và tự mua thuốc chích cho con.
 
Nguyên tắc chung điều trị dậy thì sớm là điều trị nguyên nhân. Do đó, trẻ cần được thăm khám để biết chính xác tình trạng và nguyên nhân gây dậy thì, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị bằng thuốc


Theo dược sĩ Bùi Văn Uy, phương pháp điều trị bằng hormone thường áp dụng với trẻ dậy thì sớm trung ương, khi khẳng định chắc chắn có sự tăng tiết hormone quá mức bình thường. Thông thường bác sĩ chỉ định dùng một số hormone đối kháng hay có tác dụng ức chế với hormone gây dậy thì sớm.

Đối với dậy thì sớm trung ương tức là có sự thành thục của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục thì thuốc điều trị là đồng vận của GnRH. Thuốc này được chỉ định điều trị dậy thì sớm trung ương cả ở trẻ trai và trẻ gái đủ tiêu chuẩn chẩn đoán dậy thì sớm trung ương. Thuốc này có tác dụng ức chế bài tiết các hormone LH, FSH của tuyến yên và steroid sinh dục, do đó ức chế dậy thì sớm hoàn toàn. Một số loại thuốc và hormone khác cũng được sử dụng.
 
Progesteron: Thuốc có tác dụng tập trung làm hạn chế kinh nguyệt sớm, ít cải thiện hormone, chiều cao. Dạng hay dùng nhất là Medroxyprogesteron ức chế tuyến yên tiết ra hormone sinh dục rõ rệt nên làm giảm và ức chế các biểu hiện sinh dục như bầu vú nhỏ lại, hết kinh nguyệt.

Triptorelin, leucoprorelin: Thuốc này ban đầu sẽ kích thích tiết gonadotropin (hormone sinh dục chủ yếu gây ra dậy thì sớm) nhưng sau đó sẽ điều hòa và giảm các tác động của nó. Kết quả là làm giảm các biểu hiện kinh nguyệt, giảm tốc độ tiến triển dậy thì sớm trong năm điều trị đầu tiên. Ngoài ra, thuốc có hiệu quả trong việc cải thiện chiều cao, tác dụng tốt hơn khi dùng phối hợp với hormone tăng trưởng.

Hormon tuyến giáp: Thường được dùng trong trường hợp dậy thì sớm do suy tuyến giáp với biểu hiện chảy sữa và tăng prolactin máu. Sau khi bổ sung hormone tuyến giáp, các biểu hiện này sẽ mất đi.
 
Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị
Không phải trường hợp dậy thì sớm nào cũng cần điều trị

Phương pháp điều trị bằng thuốc có thể sử dụng trong một số trường hợp dậy thì sớm ngoại biên do bệnh lý. Ví dụ bé trai dậy thì sớm do tăng sản thượng thận bẩm sinh sử dụng thuốc hydrocortisone thay thế. Một số loại thuốc khác cũng có khả năng ức chế tác dụng ngoại biên của các hormone sinh dục. Trẻ trai và trẻ gái dậy thì sớm ngoại biên được sử dụng các loại thuốc khác nhau tùy nguyên nhân kích thích.

Các bác sĩ lưu ý, cơ chế của các loại thuốc điều trị dậy thì sớm là hạn chế kinh nguyệt sớm, ức chế tuyến yên tiết ra hormone sinh dục rõ rệt làm giảm các biểu hiện dậy thì sớm chứ không hoàn toàn chữa được. Các loại thuốc điều trị dậy thì sớm có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau. Riêng đối với đồng vận GnRH thì gây tác dụng phụ nhẹ, không kéo dài như đau đầu, khó chịu, cảm giác nóng bừng.

Cảnh báo, phụ huynh không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị dậy thì sớm cho con mình. Đi kèm với những công dụng trên, các loại thuốc này còn có những ảnh hưởng không tốt khác về lâu về dài bao gồm: sự thay đổi nội tiết, trẻ phải chịu những cơn đau hay sẽ lão hóa sớm về sau... Đặc biệt tuyệt đối không sử dụng thuốc ức chế hormone sinh dục với trẻ phát triển hoàn toàn bình thường bởi có thể đảo ngược nhịp sinh học, có thể khiến trẻ ngừng phát triển các bộ phận sinh dục đúng theo lứa tuổi, gây vô kinh, vô tinh, vô sinh...
 
Trẻ dậy thì sớm khi nào cần điều trị

Liệu pháp ngoại khoa


Liệu pháp ngoại khoa thường áp dụng trong trường hợp trẻ dậy thì sớm ngoại biên nguyên nhân do các khối u. Ví dụ khối u ở vùng hạ đồi, tuyến yên, não, tuyến tùng... Nếu khối u kích thước nhỏ không xâm lấn các vùng chung quanh hoặc các vùng tối quan trọng của não, bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Nếu không thể phẫu thuật được sẽ xạ trị, tuy nhiên hiệu quả kém hơn. Nếu xác định rõ dậy thì sớm do u buồng trứng hay u thượng thận thì bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ, hiệu quả khá cao.

Liệu pháp tâm lý


Ngày nay, trẻ dậy thì sớm do yếu tố tâm lý ngày càng phổ biến. Mạng xã hội và các phương tiên truyền thông đại chúng trở thành con dao hai lưỡi với trẻ nhỏ. Trẻ tiếp xúc nhiều với nội dung "người lớn" trên phim ảnh, mạng xã hội... kích thích hệ thần kinh trung ương, đẩy nhanh quá trình chín ở hệ viền của não, làm sản sinh hormone sinh dục sớm... Những đối tượng này cần được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý để lấy lại sự cân bằng.

Trẻ dậy thì sớm khi nào cần can thiệp?


Bác sĩ lưu ý, những trẻ dậy thì sớm có sự trưởng thành về trí tuệ, hành vi tâm lí nhưng không có các hoạt động tình dục khác giới sớm hay bất thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng mà gây tâm lý bất lợi cho trẻ. rất trẻ dậy thì sớm vẫn phát triển bình thường về mặt trí tuệ, thậm chí còn có chỉ số IQ cao.

Một số trường hợp trẻ dậy thì sớm thua thiệt các bạn đồng trang lứa về chiều cao. Thông thường, chiều cao ở tuổi dậy thì (chiều cao khởi điểm) thấp thì chiều cao ở tuổi hết tăng chiều cao (chiều cao cuối cùng) cũng sẽ thấp. Trong khoảng thời gian dậy thì trẻ cần được can thiệp để cải thiện chiều cao.

Một số trẻ dậy thì sớm lại gặp vấn đề về giao tiếp, trầm cảm hay hiếu động cần được hỗ trợ từ gia đình và bác sĩ để hạn chế các sang chấn về mặt tâm lý.

Hiện nay, tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 5 lần bé trai. Đa số bé gái dậy thì sớm thường lành tính, không cần điều trị, trong khi hơn 50% trường hợp dậy thì sớm ở bé trai có liên quan đến bệnh lý. Có trường hợp trẻ xuất hiện các biểu hiện sinh dục thứ phát nhưng chưa hẳn đã dậy thì sớm. Một số khác dậy thì sớm tiến triển nhưng cũng có trẻ bị ngưng lại hoặc mất hết các dấu hiệu sinh dục, trở về trạng thái ban đầu. Do đó, cha mẹ khi phát hiện con có các biểu hiện bất thường hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được tư vấn và chỉ định phù hợp.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/07/khong-tuy-tien-dung-thuoc-uc-che-day-thi-som_07112019150610.mp4[/presscloud]
Không tùy tiện sử dụng thuốc ức chế dậy thì sớm cho trẻ. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)