Triết lý của cụ ông hàng ngày chạy xe đi nhặt khẩu trang vứt bừa bãi

Hàng ngày, cảnh tượng ông Nguyễn Văn Thanh – cụ ông gần 70 tuổi nhặt từng chiếc khẩu trang vứt bừa bãi trên đường, gom lại vứt vào thùng rác đã không còn quá xa lạ với người dân Sa Đéc, Đồng Tháp.

Hoảng hồn chiêu gom khẩu trang cũ để bán giữa mùa dịch


Giữa cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19 đầy cam go thì khẩu trang y tế được coi là một trong những giải pháp ngăn ngừa bệnh đơn giản, hiệu quả mà lại ít tốn kém nhất. Khẩu trang được dùng nhiều nhất chính là loại khẩu trang y tế dùng một lần. Người dân đổ xô đi mua khẩu trang, tích trữ tại nhà khiến tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra nghiêm trọng. Chính vì lý do này, không ít “gian thương” đã thu mua khẩu trang cũ, về bán lại cho người dân nhằm kiếm tiền bất chính.

Mới ngày 7/3 vừa qua, UBND xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp N.T.T.H. (sinh năm 1989, tạm trú tại xã Thạnh Đông). Bà H. bị phạt 1,5 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng. Trước đó, lực lượng Công an xã Thạnh Đông nhận được tin báo từ người dân cho biết, có người đi lượm nhặt khẩu trang mang về giặt lại để đem bán. Sau khi phối hợp với trạm y tế để kiểm tra nhà bà H., công an xã phát hiện 95 chiếc khẩu trang đã qua sử dụng liền lập biên bản, thu giữ toàn bộ số khẩu trang rồi mời đối tượng về làm việc.
 
Tâm sự của cụ ông ngày ngày đi nhặt khẩu trang trên đường:
Không ít “gian thương” đã thu mua khẩu trang cũ, về bán lại cho người dân nhằm kiếm tiền bất chính.
 
Tại cơ quan công an, bà H. cho biết, những ngày trước thường xuyên đi nhặt khẩu trang y tế cũ trên đường, dọc từ xã Thạnh Đông đến thị trấn Tân Châu. Sau đó, bà H. mang về rao bán trên mạng xã hội, giao hàng qua bưu điện. Tính đến thời điểm bị phát hiện, người này đã bán được khoảng 100 chiếc khẩu trang “tái chế” với giá là 340 nghìn đồng.

Trước đó, mới chiều 2/3, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, đơn vị đã tiến hành xử phạt hành chính ông Sỳ Nhộc Pẩu theo điều luật được quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20, Nghị định 155 của Chính phủ về hành vi “Chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp…”. Ngày 28/2 sau khi kiểm tra một cơ sở thu mua phế liệu ở ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh phát hiện một số lượng khẩu trang rất lớn, nhìn dơ bẩn và không đảm bảo chất lượng, sắp xếp nhăn nhúm trong hàng chục bao tải.

Chủ nhân của những bao tải khẩu trang này là ông Sỳ Nhộc Pẩu (49 tuổi). Ông Pẩu vốn làm nghề thu mua phế liệu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông này khai thu gom tiếp nhận số lượng khẩu trang là gần 1 tấn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng qua kiểm tra ước tính khối lượng phải lên đến gấp đôi. Đây cũng chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp lợi dụng mùa dịch để làm ăn bất chính khác.

Góp chút sức nhỏ để phòng chống dịch lây lan


Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khẩu trang sau khi dùng xong phải vứt vào thùng rác an toàn và có nắp đậy. Tuy nhiên, không ít những cá nhân đã “tiện tay” vứt khẩu trang bừa bãi, không những gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ý thức được điều này, ngày ngày ông Nguyễn Văn Thanh (hay còn gọi là chú Hai Nết, 67 tuổi ở khóm 1, phường 3, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vẫn cặm cụi cầm kẹp đi nhặt từng chiếc khẩu trang rơi vãi trên đường, vứt gọn vào thùng rác.
 
Tâm sự của cụ ông ngày ngày đi nhặt khẩu trang trên đường:
Ông Thanh vẫn cặm cụi cầm kẹp đi nhặt từng chiếc khẩu trang rơi vãi trên đường, vứt gọn vào thùng rác.
 
Không ít người đến thành phố hoa Sa Đéc đều hết sức bất ngờ và tò mò khi thấy cụ ông U70 miệng đeo khẩu trang lầm lũi đi dọn rác khắp các con đường ngõ nhỏ. Từ khi có thông tin trên thế giới và Việt Nam xảy ra dịch bệnh COVID-19, hàng ngày đều đặn 2 buổi sáng và chiều, ông Thanh chạy chiếc xe cũ rảo qua các tuyến đường nội thành để nhặt những chiếc khẩu trang rơi vãi trên đường cho vào túi nilon trước khi cho vào thùng rác đúng quy định. Giữa thời điểm dịch COVID-19 ngày càng lan rộng, khẩu trang vừa là vật bảo vệ nhưng cũng là nguồn lây lan dịch bệnh nên việc làm của ông Thanh trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Những ngày đầu, có ngày ông Thanh nhặt được gần 1000 cái khẩu trang, dù mệt nhưng ông vẫn quyết không bỏ. Khi được hỏi lý do, cụ ông bộc bạch: “Mình có xem trên báo đài thấy dịch bệnh này rất nguy hiểm. Dù ở địa phương chưa có trường hợp nào, nhưng theo Bộ Y tế cảnh báo nếu cứ sử dụng khẩu trang mà vứt bừa vãi có thể khiến dịch bệnh lây lan nên tôi đi nhặt lại, thấy ai vứt thì tôi cho vào thùng rác…”

Hành động đẹp của ông Thanh nhanh chóng được nhiều người biết đến và ủng hộ. Nhờ đó, ý thức của người dân cũng tăng lên đáng kể khi những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi ngoài đường đã dần giảm đi. Nếu như ngày đầu ông nhặt được cả nghìn chiếc khẩu trang thì dần dần, số lượng giảm xuống chỉ còn 100-200 chiếc. Cụ ông hồ hời: “Điều này cho thấy việc làm của tôi đã được nhiều người thấy được. Họ biết tôi đi nhặt khẩu trang như vậy thì sẽ không vứt ra đường nữa. Tôi rất vui khi thấy việc làm của mình có thể tác động được nhiều người như thế”.
 
Tâm sự của cụ ông ngày ngày đi nhặt khẩu trang trên đường:
Hành động đẹp của ông Thanh nhanh chóng được nhiều người biết đến và ủng hộ. 
 
Không chỉ là cụ ông siêng năng đi nhặt khẩu trang trong mùa dịch bệnh, ông Thanh còn được nhiều người biết đến bằng các việc làm ý nghĩa khác. Mới dịp Tết vừa qua, ông không ngần ngại “rủ” người thân trong nhà cùng với tiền túi của mình để mua hàng ngàn chai nước suối mát và khăn lạnh, phát cho người dân trên đường về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, ông còn là một hướng dẫn viên tình nguyện, vui vẻ và thân thiện cho khách nước ngoài khi có dịp đến thăm làng hoa Sa Đéc. Dù mang tiếnglà “kẻ bao đồng” nhưng ông Thanh vẫn tỏ ra hạnh phúc với công việc của mình vì tất cả những điều ông làm đều là vì cộng đồng, vì xã hội. Cứ như thế, hình ảnh cụ ông tốt bụng, cần cù đã in sâu trong lòng người dân nơi đây và được nhiều người yêu quý.

Là một người con Đồng Tháp, bà Đặng Thị Đẹp (ngụ phường 4, thành phố Sa Đéc) không giấu nổi lời khen ngợi: “Dù đã lớn tuổi nhưng anh Thanh lại rất tích cực, nhiệt tình làm việc vì cộng đồng. Việc làm của anh không phải ai cũng có thể làm được. Thế nhưng anh vẫn tự nguyện, âm thầm lặng lẽ đóng góp và giúp ích cho đời…” Đối với người đàn ông này, chỉ cần còn sức khỏe, ông vẫn muốn góp một phần nhỏ sức mình cho xã hội. Ông rất vui khi hành động của mình được gia đình và mọi người ủng hộ, hi vọng có thể làm gương cho lớp trẻ sau này. “Khi nào không làm nổi nữa thì mình mới thôi”, ông Thanh chia sẻ.
 
Chiêu trò dùng khẩu trang đã sử dụng bán lại.
 

Thùy Nguyễn (t/h)