Nhận diện triệu chứng của đau dạ dày cấp, bạn không thể chủ quan

Đau dạ dày cấp là chứng bệnh phổ biến trong đời sống hiện nay. Bệnh không những gây khó chịu, đau đớn mà nó còn có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính và biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.

Nhận diện triệu chứng đau dạ dày cấp

 
Theo bác sĩ Võ Thị Thùy Trang, khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, cơn đau dạ dày cấp có biểu hiện, triệu chứng như sau:

Đau bụng vùng thượng vị


Đây là biểu hiện của cơn đau dạ dày cấp, với dấu hiệu nóng rát, cồn cào. Đau thượng vị thường xuất hiện sau khi ăn no, khoảng 2-3 tiếng hoặc khi đang đói, có khi cơn đau hành hạ lúc nửa đêm, gần sáng gây mất ngủ, mệt mỏi.
 
Nhận diện triệu chứng cùa đau dạ dày cấp, bạn thể chủ quan
Đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng của đau dạ dày cấp
 
Ở một số trường hợp, bệnh nhân không đau dữ dội mà đau âm ỉ, cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn. Kèm theo là cảm giác tức ngực, đau lan ra sau lưng... 
 

Buồn nôn và nôn

 

Nhiều bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và nôn nhiều, ngay sau bữa ăn. Lúc nôn hết thức ăn, cơn đau sẽ giảm những một lúc sau cơn đau lại xuất hiện. Triệu chứng này xuất hiện quá nhiều, nếu không có biện pháp can thiệp sẽ làm cho người bệnh mất nước và chất điện giải, mệt mỏi và gầy sút.

Bên cạnh đó sẽ kèm thêm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, sôi bụng và sinh hơi nhiều (trung tiện), chán ăn.
 
Nhận diện triệu chứng cùa đau dạ dày cấp, bạn thể chủ quan
Triệu chứng nôn và buồn nôn cần được can thiệp kịp thời
 
Để chẩn đoán đau dạ dày cấp, ngoài các triệu chứng lâm sàng cũng cần quan tâm đến tiền sử gia đình người bệnh, trong nhà có ai từng mắc bệnh này hay chưa và chế độ ăn uống ra sao,...
 
Khi đã cấp cứu khỏi cơn đau cấp tính sẽ tiến hành chụp X-quang dạ dày có thuốc cản quang nếu không bị thủng dạ dày hoặc nội soi dạ dày nếu người bệnh chưa ăn uống gì.
 
Nội soi là phương pháp hữu hiệu trong chẩn đoán nguyên nhân gây đau dạ dày cấp. Biện pháp này sẽ cho biết rõ vị trí viêm, có thể kết hợp lấy mảnh sinh thiết để xét nghiệm. Đặc biệt, xét nghiệm vi khuẩn HP là hết sức cần thiết, có thể thực hiện bằng kỹ thuật nhuộm Gram và làm phản ứng sinh học phân tử PCR.
 
Trường hợp nếu thấy cần thiết, người bệnh sau khi dứt cơn đau có thể chụp X-quan ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác gây triệu chứng tương tự...
 

Tìm hiểu nguyên nhân đau dạ dày cấp

 

Nguyên nhân chính của đau dạ dày cấp, mạn tính chính là do viêm bởi vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt HP).
 
Nguyên nhân thứ hai là do chế độ ăn uống không khoa học, thiếu lành mạnh như ăn đồ cay nóng, ăn không đúng bữa và thường xuyên nhịn ăn,...
 
Nhận diện triệu chứng cùa đau dạ dày cấp, bạn thể chủ quan
Ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị đau dạ dày cấp
 
Những người hay uống nhiều chất kích thích như bia rượu, cà phê, hút thuốc lá gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây đau dạ dày cấp tính. Một số khác do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm trong điều trị bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Chứng đau dạ dày cấp có thể xuất hiện khi dùng nhiều và thường xuyên thuốc chống viêm không steroid như aspirin, diclofenac…, hay corticoid như prednisoon, methylprednisolon, solumedrol… Lý do rằng, những loại thuốc này sẽ làm giảm một chất quan trọng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, thậm chí gây xuất huyết dạ dày.
 
Bên cạnh đó, người bệnh từng ngộ độc thực phẩm cũng gây nên đau dạ dày cấp tính do thực phẩm bị nhiễm hóa chất hoặc nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
 
Không những thế, người hay căng thẳng thần kinh gặp stress kéo dài là một trong những yếu tố thuận lợi gây nên đau dạ dày cấp.

Xử trí triệu chứng đau dạ dày cấp

 

Nếu có những một hay nhiều những triệu chứng của đau dạ dày cấp trên, bạn đừng nên chần chừ mà không đi khám bác sĩ. Điều đầu tiên để điều trị triệu chứng là giảm đau, chống viêm, chống xuất tiết dịch vị và chống nôn, vì dịch vị càng xuất tiết nhiều càng kích thích niêm mạc dạ dày càng gây đau, gây nôn. Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm cần rửa dạ dày càng sớm càng tốt.
 
Nếu bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, cần dùng kháng sinh theo phác đồ, xét nghiệm mảnh sinh thiết dạ dày.
 
Hiện nay, có nhiều phác đồ điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, tốt nhất là điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, bệnh nhân nên nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất, dùng thêm đa sinh tố, đặc biệt là vitamin B12.

Chế độ ăn uống cho người đau dạ dày cấp

 

Các chứng bệnh liên quan đến dạ dày, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên bổ sung những thực phẩm như:

Chuối

 

Chuối là một trong các loại thực phẩm thân thiện với người đau dạ dày, bởi nó có khả năng trung hòa được nồng độ acid vượt ngưỡng trong dịch dạ dày và giảm viêm. Bản thân chuối có lượng bột đường cao  giúp cung cấp năng lượng. Hơn nữa, hàm lượng kali cao giúp bù đắp tốt lượng thiếu hụt nếu người bệnh có tiêu chảy hoặc nôn ói. Lượng chất xơ hòa tan pectin có lợi với người rối loạn tiêu hóa, táo bón và tiêu chảy.

Cơm

 

Ăn cơm mềm, dễ tiêu hóa và tránh gây kích thích dạ dày tiết nhiều acid. Nó có  có tác dụng làm giảm cơn đau dạ dày,  hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy. Bạn cũng có thể dùng các thực phẩm nhiều tinh bột như bánh mì, cháo, khoai. Tuy nhiên, các thực phẩm thô chưa tinh chế như gạo lứt, bắp, nếp lức hay các loại đậu... giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hoá dù rất tốt cho sức khoẻ, nhưng khó tiêu hoá khi người bệnh đang có bệnh lý dạ dày.

Nước ép táo

 

Loại nước này tốt cho đường tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, trong đó có thành phần chất xơ hòa tan pectin, thúc đẩy hoạt động của dạ dày và đường ruột, phòng ngừa tiêu chảy và táo bón.

Nước dừa

 

Nước dừa giàu điện giải natri, kali, canxi. Uống mỗi ngày 1 quả giúp bổ sung các thiếu hụt do ăn uống kém hoặc bù lượng mất sau tiêu chảy, nôn ói.
 

Sữa chua

 

Trong thành phần dinh dưỡng của sữa chua chứa nhiều probiotic, enzyme có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn chỉ nên ăn 1-2 hũ, không nên ăn quá nhiều vì sẽ tích tụ nhiều acid. Và còn rất nhiều những thực phẩm lành mạnh khác bạn có thể sử dụng.
 
Trên đây là bài viết, triệu chứng của đau dạ dày cấp được tham khảo từ ý kiến của chuyên gia. Để hiểu rõ và nắm thêm nhiều thông tin, quý độc giả có thể tìm đến các bác sĩ chuyên môn để tham khảo.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/02/25/Chữa Bệnh Đau Dạ Dày Bằng Lá Tía Tô Hiệu Quả Ngay Tại Nhà_25022020165153.mp4[/presscloud]
Chữa Bệnh Đau Dạ Dày Bằng Lá Tía Tô Hiệu Quả Ngay Tại Nhà
 
 
 
 
Minh Tú (t/h)