Xóa bỏ kỳ thị, việc chống dịch mới có hiệu quả

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, việc coi Vĩnh Phúc là ổ dịch hoàn toàn không đúng. Một khi người bệnh bị kỳ thị, họ sẽ có tâm lý hoảng loạn, sợ cộng đồng xa lánh, thậm chí giấu bệnh, gây khó khăn trong chống dịch.
Sau khi có nhiều ca mắc COVID-19 được phát hiện ở Vĩnh Phúc, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai lệch về việc kỳ thị người dân Vĩnh Phúc và coi địa phương này là ổ dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời cũng là bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc tiết lộ những áp lực vô hình của bệnh nhân và của những người ở tuyến đầu chống dịch.
 

Xóa bỏ kỳ thị cũng là chống dịch

 
BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, sự quan tâm, lo lắng của cộng đồng về tình hình dịch bệnh là cần thiết nhưng phải dựa trên cơ sở hiểu biết. Người dân không nên hoảng loạn vì những thông tin không chính thống, sai lệch, ảnh hưởng đến nhịp sống của mọi người hàng ngày và ảnh hưởng đến sự nghiệp chống dịch chung của cả đất nước.
 
BS Nguyễn Trung Cấp: Xóa bỏ kỳ thị, việc chống dịch mới có hiệu quả
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Với kinh nghiệm chiến đấu chống nhiều dịch bệnh khác nhau, BS Cấp cho hay: “Khi chúng ta càng kì thị, quá trình chống dịch sẽ càng kém hiệu quả. Bởi vì càng kì thị, bệnh nhân sẽ có tâm lý sợ bị cách ly, sợ cộng đồng xa lánh, kì thị nên không dám đi khám, thậm chí có trường hợp giấu bệnh", điều này là cực kỳ nguy hiểm với cộng đồng.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này cho rằng nếu không giải quyết được tâm lý ấy thì việc khoanh vùng điều trị sẽ rất khó khăn. Do đó, muốn chống dịch tốt cần dẹp bỏ mọi kỳ thị.

Thực tế vừa qua tại nhiều địa phương đã ghi nhận không ít trường hợp người dân di chuyển từ vùng dịch Trung Quốc nhưng tới một nước thứ ba sau đó mới về Việt Nam để "trốn" kiểm dịch.

Nhiều người dân không dám tiết lộ thông tin mình tới từ Vĩnh Phúc hay vừa từ Trung Quốc trở về vì sợ bị bắt cách ly. Có người đã đi cách ly vẫn trốn bệnh viện, bất chấp những nguy hiểm cho cộng đồng... tất cả đều xuất phát từ tâm lý kỳ thị.
 
2 bệnh nhân COVID-19 điều trị tạ BV Bệnh Nhiệt đới TƯ được xuất viện sáng 18/2

Trước tâm lý lo lắng thái quá của người dân về tình hình dịch COVID-19, BS Nguyễn Trung Cấp cho hay, cách tốt nhất để đối phó với nỗi lo sợ chính là phải hiểu biết về nó.

Các kênh thông tin đại chúng trong nước đã truyền thông rất nhiều về dịch bệnh. Người dân hãy tìm hiểu kỹ và hiểu đúng về nó, bình tĩnh đối phó, thay vì thái độ sợ hãi, xa lánh và làm tình trạng dịch trầm trọng hơn.

Bệnh nhân đã khỏi bệnh có tái lây nhiễm ra cộng đồng?


Sau khi nhiều trường hợp bệnh nhân mắc virus corona chủng mới được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng lây nhiễm bệnh tiềm tàng của những bệnh nhân này sau khi trở về cộng đồng.

Trả lời về vấn đề này, BS Cấp phân tích: “Về nguyên tắc, khi bệnh nhân đã hết virus, tức là hệ miễn dịch của bệnh nhân đã đủ mạnh để làm sạch virus. Khi đó bệnh nhân không còn nguy cơ phát tán virus, không có nguy cơ lây lan cộng đồng".

Lường trước những e ngại từ cộng đồng, BS Cấp tiết lộ, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, bệnh nhân được giữ lại ở bệnh viện để chăm sóc, theo dõi thêm một thời gian. Những trường hợp khỏi bệnh đã trở về cộng đồng cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe.
 
 [presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/02/19/BS-nguyen-trung-cap-chia-se-ve-2-benh-nhan-covid-19-vua-duoc-xuat-vien_19022020153936.mp4[/presscloud]
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ rằng ông đã 2 tuần không về nhà, và bệnh dịch chưa thể nói trước được điều gì. Video: Tuổi trẻ
 
 
Hà Ly (t/h)