Xôn xao thông tin bệnh nhân COVID-19 xuất viện vẫn tái nhiễm, bác sĩ nói gì?

Chuyên gia khẳng định không có chuyện một bệnh nhân đã trị khỏi COVID-19 ở Việt Nam bỗng dương tính trở lại như thông tin ở Trung Quốc.
Mới đây, ông Zhan Qingyuan - Giám đốc phòng ngừa và điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Hữu Nghị Trung Quốc – Nhật Bản đã có phát ngôn trên truyền thông rằng người nhiễm COVID-19 dù hồi phục tốt và khổi bệnh vẫn có thể không miễn dịch quá lâu với virus.
 
"Kháng thể được tạo ra, tuy nhiên ở một số người, nó không thể tồn tại lâu", tờ Bussiness Insider dẫn lời.
 
Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc đăng tin có bệnh nhân ở Vũ Hán dương tính trở lại với chủng mới virus corona dù đã khỏi bệnh trước đó. Thông tin này khiến dư luận lo lắng về việc các bệnh nhân đã được xuất viện vẫn có thể "tự dương tính trở lại" và lây nhiễm ra cộng đồng.
 
Liên quan đến thông tin này, một trong những chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khẳng định trên tờ Người lao động rằng ở Việt Nam rất khó có thể xảy ra trường hợp như vậy.
 
Bác sĩ đầu ngành khẳng định bệnh nhân khỏi COVID-19 ở Việt Nam không thể tái nhiễm
Bệnh nhân mắc COVID-19 3 tháng tuổi ở Việt Nam. Ảnh: PLO
 
Lý giải về điều này, bác sĩ Khanh cho rằng, bệnh nhân ở Vũ Hán có thể đã được xuất viện sớm khi mới hết các triệu chứng hô hấp (ho, sốt, khó thở…) chứ chưa hẳn hết virus do hệ thống y tế quá tải. Còn ở Việt Nam, không cần lo nguy cơ này vì bệnh nhân hết ho, sốt từ lâu nhưng vẫn được cho theo dõi nhiều ngày, đến khi chắc chắn hết hẳn rồi mới được xét nghiệm. Bệnh nhân Việt Nam được xét nghiệm nếu âm tính 2 lần liên tiếp, cách nhau một vài ngày mới được xem xét xuất viện. Do đó, tất cả bệnh nhân ở Việt Nam khi xuất viện đều đã chắc chắn sạch virus.
 
Bác sĩ đầu ngành khẳng định bệnh nhân khỏi COVID-19 ở Việt Nam không thể tái nhiễm
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng ở Việt Nam được xuất viện. Ảnh SKĐS
 
Thứ hai, theo bác sĩ Khanh, có trường hợp bệnh nhân chưa có triệu chứng đã được xét nghiệm. Khi đó, virus mới nằm trong máu, chưa lên đến đường hô hấp trên nên dịch phết họng chưa có virus, xét nghiệm thì sẽ ra âm tính. Sau đó, khi bệnh nhân phát bệnh xét nghiệm lại thấy dương tính. Trong khi đó, ở Việt Nam các ca nghi nhiễm đều phải cách ly 14 ngày. Đến có biểu hiện phát bệnh mới xét nghiệm, lúc đó kết quả mới chắc chắn chính xác.
 
Ngoài ra, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chưa hề có bằng chứng cho thấy COVID-19 tạo ra kháng thể giúp chúng ta miễn nhiễm được bao lâu, hay suốt đời. Tuy nhiên khả năng bệnh nhân bị nhiễm bệnh trở lại ngay trong mùa là rất hiếm. Điều này có lẽ chỉ gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng do có các bệnh lý khác, ví dụ HIV. Ở Việt Nam, tất cả các bệnh nhân đều đã được kiểm tra kỹ càng sức khỏe tổng thể và các bệnh nền khác trong quá trình điều trị COVID-19.
 
 
Kiều Đỗ (t/h)