
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ở Việt Nam, trong bối cảnh tình trạng quá tải bệnh nhân diễn ra ở nhiều bệnh viện, các nhà quản lý hoạch định chính sách đã nhìn thấy giải pháp căn cơ và bền vững để giải quyết tình trạng quá tải là phải phát triển y tế cơ sở, tăng cường cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì người dân phải lên các bệnh viện lớn để khám chữa bệnh thông thường.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít người vẫn nghĩ rằng BSGĐ là những người khám chữa bệnh theo yêu cầu và phục vụ người bệnh tận nhà, dành cho các gia đình khá giả. Nhưng thực tế, chữa bệnh tại nhà chỉ là một hoạt động rất nhỏ của y học gia đình và BSGĐ có ích cho mọi người, nhất là người có thu nhập thấp.
Bác sĩ Hiệp nêu ví dụ, ở các nước tiên tiến như ở Bỉ, việc đầu tư cho bác sĩ gia đình đặc biệt trong lĩnh vực phòng bệnh được đánh giá sẽ tiết kiệm chi phí cho việc điều trị bệnh tật trong 10-20 năm về sau. Mô hình y tế ở đây cũng phân thành 3 cấp, y tế cơ sở, tuyến trung gian và tuyến cao nhất là bệnh viện trường đại học. Người dân Bỉ khi bị ốm sẽ tìm đến bác sĩ gia đình đầu tiên và đây cũng là nơi đăng khí khám chữa bệnh ban đầu có BHYT.
“Nếu xem BSGĐ là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, toàn diện, liên tục theo đúng tiêu chuẩn của nó sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho người dân mà cả cộng đồng. Người dân khi mắc bệnh, không cần lên tuyến trên điều trị, có thể đi khám bệnh ngay tại địa bàn mình sinh sống. Chính người dân sẽ là người được hưởng lợi trước tiên như không phải chờ đợi khám bệnh nơi đông người, không mất tiền vượt tuyến, nếu không may mắc bệnh nặng, bác sĩ sẽ chuyển người bệnh đến đúng chuyên khoa, người dân không phải đi lòng vòng nhiều bệnh viện tuyến trên để khám bệnh.”, BS Hiệp cho biết.
Nếu hệ thống phòng khám gia đình hoạt động hiệu quả còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như quản lý tốt các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp…. , giảm thiểu các tai biến, biến chứng có thể xảy ra. Tại các cơ sở BSGĐ người dân được tầm soát, phát hiện sớm một số bệnh theo dịch tễ của khu vực.... hay mô hình bệnh tật của địa phương. Ví dụ như tại các địa phương nằm trong khu vực bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nặng, người dân sẽ được tầm soát phát hiện sớm và phòng các căn bệnh về phổi tắc nghẽn hay các bệnh liên quan đến hô hấp ….
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu làm tốt ở nơi khám chữa bệnh ban đầu không chỉ người dân mà các cơ sở y tế cũng thu được nhiều lợi ích: bác sĩ ở phòng khám BSGĐ sẽ được nâng cao tay nghề, trong khi đó các bác sĩ ở các bệnh viện chuyên khoa sẽ được giảm áp lực về quá tải bệnh viện, họ sẽ có thêm thời gian nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chất lượng phục vụ bệnh nhân, làm hài lòng người bệnh. ….
Tuy nhiên, mô hình BSGĐ ở Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Bởi, thứ nhất chúng ta không tạo ra được môi trường đúng và đủ. Không người dân nào tin tưởng đến khám các phòng khám BSGĐ khi cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, bác sĩ cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân, ….. Chỉ đơn cử như việc một bệnh nhân bị bệnh suyễn đến khám bệnh ở phòng khám BSGĐ, nhưng với bệnh này cần phải có thuốc cho bệnh nhân, nhưng bác sĩ gia đình và các bác sĩ tuyến dưới không được kê thuốc xịt khí dung để BHYT thanh toán, trong khi đó, các bệnh viện tuyến trên thì được. Đây chính là bất cập cần phải tháo gỡ.
Một điều nữa đó là người dân không có thói quen đi khám bệnh mỗi khi mắc bệnh. Thậm chí nhiều người tự “chẩn bệnh” hoặc ra nhà thuốc nhờ “dược sĩ kê đơn” mà chả cần bác sĩ. Có người liều lĩnh hơn, khi mệt mỏi trong người còn mời y tá đến để truyền nước tại nhà. Vô số các bài học, nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra. Đó là do người dân không tìm đến với bác sĩ. Hay có những điều rất lạ lùng là có khi chỉ đau bụng nhẹ, nhưng người dân muốn đến khám tận bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá.
Một bất cập nữa được BS Hiệp nếu đó là không sinh viên y khoa nào muốn trở thành bác sĩ gia đình. Cùng được đào tạo 6 năm nhưng khi một sinh viên vào làm tại bệnh viện, vào một khoa nào đó, khả năng sẽ đi chuyên khoa rất cao. Một khi đã trở thành bác sĩ chuyên khoa, gắn liền với danh vọng và tiền bạc…
Những ví dụ trên đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ nhưng lâu dần khiến người dân và bác sĩ mất niềm tin với y tế cơ sở nói chung và BSGĐ nói riêng. Khi có bệnh, người dân nào cũng muốn lên tuyến trên.
“Chúng ta cần có cơ chế chính sách phù hợp. Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất ở các cơ sở khám BSGĐ, phải đào tạo bài bản nguồn nhân lực y tế, có thể những BSGĐ phải nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ xa ở các bệnh viện tuyến trên, BSGĐ có thời gian chăm sóc cá thể, tăng cường nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đảm bảo mỗi cơ sở BSGĐ có đầy đủtrang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu phù hợp với mô hình bệnh tật khám chữa bệnh ngoại trú khi người bệnh đến khám… . Có như vậy mới thu hút được người dân, tạo niềm tin cho họ đến chăm sóc sức khỏe ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là BSGĐ…”, BS Hiệp đề xuất.