Cả gia đình nhập viện vì ăn trứng cóc

Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin, thời điểm được đưa vào bệnh viện 7 bệnh nhân vẫn liên tục nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, khó thở, một số có biểu hiện co giật, ảo giác.

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã huy động tối đa nhân lực để cấp cứu cho các nạn nhân. Ê kíp bác sĩ nhanh chóng tiến hành bơm rửa dạ dày đồng thời dùng các chất tẩy rửa đường tiêu hoá để loại bỏ chất độc ra khỏi đường ruột và sử dụng các thuốc để điểu chỉnh rối loạn khác. Hiện tại, 7 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt.
Bộ phận nào của cóc là độc nhất?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt cóc có lượng đạm và kẽm cao hơn các loại thịt khác như thịt bò, lợn nên rất giàu dinh dưỡng và đặc biệt tốt cho người già, trẻ em chậm lớn, còi xương. Dù bổ dưỡng nhưng thịt cóc cũng chứa một chất độc nếu không biết cách sơ chế, ăn vào có thể gây ngộ độc chết người.
Cụ thể, thịt, mỡ cóc an toàn trong khi các bộ phận khác như: nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), gan và buồng trứng chứa độc tố bufotoxine vô cùng nguy hiểm nếu ăn phải.

Theo TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm, các triệu chứng ngộ độc thịt cóc có thể xuất hiện sau khi từ 1-2 giờ và thậm chí nhanh hơn nếu uống rượu, bia.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các bộ phận nào khác ngoài trừ mỡ và thịt cóc. Trong quá trình làm thịt, cũng đặc biệt chú ý tránh để thịt và mỡ cóc dính vào các bộ phận khác cũng sẽ bị dính độc.