Bác sĩ 'liều' giải cứu cô gái 19 tuổi mang khối u nặng 50 kg, bụng to vượt mặt

“Cô gái 19 tuổi có vóc dáng của đứa bé khoảng 10 tuổi, phải mang trên người khối u nặng 50 kg. Có lẽ đây là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh vì bệnh tật".
BS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết về trường hợp cô gái mới 19 tuổi, có mẹ làm nghề bán vé số. Hai mẹ con dắt díu nhau đi nhiều nơi nhưng không được tiếp nhận điều trị, lý do vì cô gái mang khối u quá lớn.

“Có lẽ đây là trường hợp ám ảnh tôi đến cuối đời về sự khốn cùng và nỗi bất hạnh vì bệnh tật một con người có thể chịu đựng. Khối u khổng lồ 40kg mà tôi đã mổ năm 2016 thật sự quá bé so với trường hợp này. Cô gái 19 tuổi có vóc dáng của đứa bé khoảng 10 tuổi, phải mang trên người khối u nặng 50kg", bác sĩ Tiến chia sẻ.
 
Bác sĩ kể nỗi ám ảnh về cô gái 19 tuổi mang khối u 50 kg, bụng to vượt mặt
Bệnh nhân khi đứng phải cong ưỡn người hết ra phía sau mới giữ được thăng bằng
 
Cô gái vừa qua cái tuổi dậy thì, người thì nhỏ bé mà khối u quá lớn nên phải cong ưỡn hết người ra sau mới cân bằng và di chuyển được. Chia sẻ với bác sĩ, người mẹ sụt sùi vì nhà quá nghèo, không có tiền chạy chữa nên mới để khối u to tới mức như vậy.

Hai mẹ con bán vé số lây lắt qua ngày. Dù đã đi nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào chịu tiếp nhận điều trị vì bảo đây là bệnh bẩm sinh. Tới khi không chịu nổi nữa người nhà mới đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Tại đây, các bác sĩ tiến hành tất cả các xét nghiệm, lên mạng dò tìm bệnh lý, gửi email ra nước ngoài hỏi các giáo sư hàng đầu, hội chẩn với các bệnh viện lớn khác tại TP.HCM.... nhưng vẫn chưa tìm ra căn nguyên bệnh và phương pháp điều trị.

Khối u quá lớn chèn ép tim phổi người bệnh khiến bác sĩ không thể cầm lòng. Sau cùng, các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa và đi đến phương án cuối cùng là phẫu thuật.
 
Bác sĩ kể nỗi ám ảnh về cô gái 19 tuổi mang khối u 50 kg, bụng to vượt mặt
Khối u nặng tới 50kg, quá lớn so với cơ thể cô bé

BS Tiến cho hay, đầu tiên bệnh nhân được rút giải áp mỗi ngày 2-3 lít dịch. Sau một tuần thực hiện mổ, tuy nhiên các bác sĩ chỉ dám lấy ra 1/4 khối lượng dịch và bướu trong ổ bụng. "Sau vài lần mổ, khi đánh giá an toàn, chúng tôi sẽ mổ lớn và mới biết bệnh lý gì sau khi quan sát toàn bộ ở bụng”, bác sĩ Tiến nói.

Theo nhận định của bác sĩ Tiến, ở khoa Ngoại 1, các bác sĩ thường xuyên gặp những ca bướu to, thậm chí khổng lồ. Nguyên nhân một phần do người dân thiếu hiểu biết, mặt khác điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không thể đi thăm khám thường xuyên. Thậm chí, nhiều người không biết mình mắc bệnh, không biết đi đâu để khám, rồi mặc kệ bệnh tới đâu hay tới đó.

BS-CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 chia sẻ: “Cuộc đời làm Y của tôi đã gần 30 năm và cũng ngần ấy thời gian là dành cho ung bướu phụ khoa, cho những người phụ nữ bất hạnh mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.
 
Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân phải mang trong mình khối u khổng lồ và cũng đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp. Nhưng sau mỗi ca bệnh, trong lòng tôi luôn đọng lại cảm giác buồn man mác chứ không phải cảm giác sung sướng vì đã hoàn thành tốt ca mổ hay tự hào vì được mọi người hay báo chí ngợi khen. Buồn vì dân mình khổ quá, thiếu thốn đủ thứ từ vật chất đến kiến thức y học và điều kiện để khám chữa bệnh”, BS Tiến chia sẻ.
 
Năm 2016, Bệnh viện Ung Bướu đã phẫu thuật thành công cho trường hợp nữ bệnh nhân ngoài 60 tuổi mang khối bướu trọng lượng 40kg. Kể từ đó, bệnh nhân 19 tuổi này là ca bệnh kỷ lục về khối u khủng tới bệnh viện điều trị.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/22/Lấy khối u lớn nhất Việt Nam trong bụng một phụ nữ_22072019150345.mp4[/presscloud]
Tháng 5/2018, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân mang khối u khổng lồ nặng 48kg. Video: Thanh niên
 
 
Hà Ly (t/h)