
Đến khoảng 18h, khi đưa hai con từ nhà bà ngoại về nhà mình, vợ chồng anh thấy con đột nhiên ngất xỉu, tay chân duỗi, mất cảm giác, gọi, hỏi không đáp ứng nên vội vàng đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy.
Tại đây, bé Đ.B.N. được đặt nội khí quản kết hợp sử dụng các thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi cho biết, khai thác bệnh sử kết hợp với kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu bé bị tình trạng toan hóa máu nặng, chẩn đoán ngộ độc hạt củ đậu rất nặng.
Bác sĩ cho hay với tình trạng của bệnh nhi buộc phải lọc máu liên tục, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao kết hợp với kháng sinh. Sau 3 ngày dùng thuốc và lọc máu liên tục, sức khỏe bệnh nhi Đ.B.N ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở.

Từ trường hợp này, BS Hưng cho hay một bộ phận người dân không ý thức được việc hạt củ đậu có độc tố gây nguy hiểm. Không ít trường hợp ngộ độc hạt củ đậu đều không biết hạt cây có hạt, trong hạt có độc mà vẫn hái hạt ăn. Cây hạt củ đậu ngoài phần củ có thể ăn được thì phần thân, lá, hoa, quả đều có chứa độc tố tên là Rotenon. Đây là một chất độc được dùng để sản xuất chế phẩm thuốc trừ sâu.
Khi được hấp thụ vào cơ thể, Rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc oxy hóa tự do và giết chết tế bào.
Độc tố có thể phát tác rất nhanh chỉ sau khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn. Các biểu hiện ngộ độc ban đầu là đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ. Nặng hơn, nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim, tử vong nhanh.

Theo các bác sĩ, ngộ độc Rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu và các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh. Bệnh nhân có thể tử vong nhanh trong 2 – 5 giờ sau khi ăn phải chất độc, nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Do đó, người dân cần tăng cường nhận thức về việc hạt củ đậu có chứa độc tố không nên ăn. Nếu ăn phải bất cứ thứ gì gây ra hiện tượng bất thường cần tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt hoặc lập tức gây nôn.