Bốn yếu tố cảnh báo mối quan hệ sắp gặp nguy hiểm

Nghiên cứu 40.000 cặp đôi, các nhà tâm lý phát hiện xung đột vợ chồng không đến từ khác biệt gia cảnh, trình độ mà từ chính những thói quen hành xử.

Nghiên cứu của hai nhà tâm lý học và nghiên cứu hôn nhân nổi tiếng, tiến sĩ John Gottman và Julie Schwartz cho biết có thể dự đoán với độ chính xác 94% liệu một mối quan hệ có kéo dài hay không, sau khi quan sát một cặp đôi trong 15 phút.

Gottman cho biết những hành động điển hình như chỉ trích, khinh miệt, biện hộ và chiến tranh lạnh là điềm báo về ngày tàn của mối quan hệ.

Ảnh: Boldsky

Ảnh: Boldsky

1. Chỉ trích

Chỉ trích là những lời đánh giá tiêu cực về đối phương, mang tính công kích vào tính cách và giá trị cốt lõi ở mỗi con người. Ví dụ: "Anh không bao giờ quan tâm đến thời gian của người khác. Anh thật ích kỷ". Nó khác với việc phàn nàn "Em rất buồn vì anh đến muộn 30 phút. Giá mà anh gọi cho em sớm hơn để em bớt lo lắng".

Cách khắc phục: trong những tình huống khó chịu, bạn có thể phàn nàn, nhưng đừng đổ lỗi cho bạn đời về mọi thứ đã xảy ra. Sử dụng câu nói "Anh/em" để tập trung vào cảm giác của bạn và cho họ biết bạn cần gì.

2. Khinh miệt

Sự khinh miệt là yếu tố dự báo ly hôn số một. Khinh miệt cũng như những lời chỉ trích, nhưng ở trạng thái nặng nề hơn. Khi ấy, chúng ta không những chỉ trích tính cách của đối phương, mà còn nói ra những lời cay nghiệt, gây ảnh hưởng đến danh dự và lòng tự tôn của họ.

Đặc điểm này xuất phát từ việc bạn tin tằng người bạn đời kém cỏi hơn mình. Bạn có thể chế nhạo họ bằng sự mỉa mai, chê bai hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể có tính chất xua đuổi như liếc/đảo mắt, cười khinh.

Cách khắc phục: Suy nghĩ tích cực biến thành hành động tích cực. Vì vậy, điều chỉnh sự ngưỡng mộ của bạn cho vợ/chồng mình. Liệt kê những điều bạn thích ở người bạn đời và cho họ biết bạn đánh giá cao họ.

3. Biện hộ

Biện hộ là những lời bào chữa hoặc chối bỏ thay vì nhận trách nhiệm về hành động của bản thân. Nếu sự việc này kéo dài, sẽ khiến người còn lại bất mãn vì không được lắng nghe và tôn trọng, từ đó dẫn đến mất kết nối tinh thần trong mối quan hệ.

Ví dụ nếu vợ/chồng hỏi bạn đã đổ rác chưa, câu trả lời biện hộ có thể là "Em biết anh mệt mỏi như thế nào sau giờ làm việc. Tại sao em không làm điều đó?".

Cách khắc phục: Cố gắng hiểu quan điểm của đối tác và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đối với ví dụ trên, bạn có thể nói: "Anh đi làm về mà quên khuấy việc đổ rác. Anh sẽ làm ngay bây giờ".

4. Chiến tranh lạnh

Nhiều cặp đôi khi xảy ra chuyện, thay vì đối mặt và giải quyết vấn đề thì một trong hai người lại im lặng, lẩn trốn. Sự việc hoặc được giảng hòa một cách hời hợt, hoặc bị chấm dứt không có câu trả lời. Chiến tranh lạnh có thể không gây tổn hại trực tiếp như ba yếu tố trên nhưng hậu quả đôi khi lại rất lớn. Bởi "cuộc chiến không lời" có thể khiến đối phương cảm thấy bị chối bỏ và tủi thân, làm gia tăng khoảng cách giữa hai người.

Cách khắc phục: Thay vì im lặng, bạn có thể nói: "Anh đang mất bình tĩnh để nói về điều này. Chúng ta có thể dành 15 phút để bình tĩnh lại không?". Đi ra chỗ khác và làm điều gì đó thư giãn như đọc sách hoặc thiền, sau đó quay lại cuộc trò chuyện.