Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao khi một cơ sở trông trẻ mầm non tư thục (trên địa bàn xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), tổ chức cho khoảng 25 trẻ (từ 1-5 tuổi) học về kỹ năng phòng chống cháy nổ, bằng cách đổ cồn vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ.
Tuy nhiên, không may, gió lớn thổi từ cửa sổ khiến ngọn lửa đã bốc cháy và tạt vào 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Thật đáng buồn đây không phải lần đầu tiên tính mạng của trẻ bị đưa ra làm “vật thí nghiệm” cho những giờ dạy kỹ năng sống.
Vài năm trước, dư luận cũng từng xôn xao về cuốn sách rèn luyện kỹ năng sống của một tiến sĩ tâm lý dành cho học sinh cấp 1, dạy các em tự đâm kim vào tay, đi qua mảnh thủy tinh vỡ,… để vượt qua sợ hãi và thể hiện lòng dũng cảm. Hay câu chuyện một trung tâm dạy kỹ năng sống ở Hà Nội cho học sinh bịt mắt và ngồi nghe câu chuyện đau buồn về một gia đình tan vỡ với mục đích dạy trẻ biết trân trọng gia đình.
TS Vũ Thu Hương.
Chưa bàn đến việc đó có phải kỹ năng sống hay chỉ là thái độ, hành vi thuộc phạm trù đạo đức, việc để trẻ trải nghiệm những bài học quái gở ấy cũng khiến nhiều chuyên gia và phụ huynh bất bình.
Được biết, các nội dung trong chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành đều được thẩm định và góp ý, phản biện từ nhiều chuyên gia. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có những hướng dẫn triển khai giáo dục kỹ năng sống trong các trường học từ mầm non đến bậc phổ thông từ nhiều năm nay với mục đích trang bị cho người học kỹ năng cơ bản, cần thiết và hướng tới hình thành những thói quen tốt.
Đối với trẻ mầm non, nội dung giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp trẻ nhận thức về bản thân như sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản. Bên cạnh đó, chương trình còn nhằm dạy cho trẻ biết thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường.
Việc giáo dục kỹ năng sống từ trước đến nay được thực hiện thông qua việc tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục và các trường chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng hoặc liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng.
Giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong môn học chủ yếu là phần kiến thức, trong khi cần sự rèn luyện, thể hiện qua hành vi, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, câu lạc bộ, tập luyện. Trong khi đó, cơ sở vật chất tại các trường học để tổ chức hoạt động câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên còn thiếu, chưa kể giáo viên cũng thiếu kinh nghiệm.
Là chuyên gia về giáo dục trẻ em, trước thông tin về vụ việc đáng tiếc 3 trẻ bị bỏng nặng khi học kỹ năng sống, tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương cho biết dạy trẻ kỹ năng sống có nhiều cái chỉ nên theo hình thức giả tưởng, đặc biệt là khi dạy về kỹ năng phòng chống đuối nước, chống xâm hại và thoát hiểm khi hỏa hoạn.
Đánh giá việc dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho trẻ nhỏ là cần thiết nhưng theo TS Vũ Thu Hương, khi dạy, nguyên tắc quan trọng nhất là dạy trẻ thoát khỏi đám cháy chứ không phải cứu hỏa.
Bởi theo TS Vũ Thu Hương, thông thường, khi hoả hoạn xảy ra, chưa kịp thấy lửa, trẻ đã phải đối mặt với khói ngạt. Vậy phải dạy trẻ cách chống ngạt, cách thoát khỏi chỗ cháy, chứ không phải dạy trẻ lao vào dập đám cháy.
"Đến người lớn còn được giáo dục là cứu mình rồi mới cứu người nữa là trẻ con. Tôi không hiểu các cô đốt lửa để làm gì. Đó là may không cháy trường.", TS Vũ Thu Hương cho biết.
Theo TS Vũ Thu Hương, hiện nay, nhiều người đang hiểu sai về khái niệm “kỹ năng sống” nhưng lại lạm dụng vô tội vạ.
Bà cũng chia sẻ trong quá trình nghiên cứu đã không ít lần “tá hoả” trước giáo trình của một số lớp học kỹ năng sống. Có nơi cho trẻ vào lu nước để học cách chống đuối nước. Có nơi lại dạy học sinh tiểu học cách… tránh thai và sử dụng bao cao su. Có nơi dạy trẻ học bơi bằng cách liên tục nhấn đầu trẻ xuống nước, mặc kệ trẻ kêu khóc hoảng loạn.
“Khi để trẻ trực tiếp đối mặt với nguy hiểm như vậy, dù chỉ là phép thử, cũng có thể gây sốc tâm lý, nhẹ thì ám ảnh, nặng có thể ảnh hưởng sức khoẻ và tính mạng ngay lúc đấy”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, kỹ năng sống đơn giản là những kỹ năng cần thiết giúp một người có thể sống tốt và sống an toàn trong môi trường của họ, giúp họ biết cách bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm hoặc xử lý vấn đề hiệu quả, hợp lý như kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu, xác định phương hướng, quản lý tiền bạc, thời gian,...
Hiện nay, có một thực trạng là các giáo trình kỹ năng sống hầu như được viết và xuất bản theo quan niệm của mỗi tác giả. Thậm chí, nhiều tác giả vẫn hiểu trẻ em là người lớn thu nhỏ nên đã đem những khái niệm của người lớn để đánh giá và áp dụng khi dạy dỗ trẻ.
Khoảng 5 năm trở về trước, các trung tâm dạy kỹ năng sống phải vất vả để cạnh tranh với nhau để hút học viên thì nay, "kỹ năng sống" đã trở thành từ khó hót và được các bậc phụ huynh săn đón, thậm chí trở thành trào lưu "phải có" trong giới phụ huynh.
Nhờ sự "săn đón" của các bậc phụ huynh mà nay, bất cứ chủ đề nào cũng có thể trở thành nội dung của lớp kỹ năng. Có thể kể đến “Lớp cai nghiện online”, "Học kỳ quân đội", "Kỹ năng ghi nhớ", "Lớp cai nghiện online",...
Chương trình học đa dạng, giúp trẻ học được tự lập, mạnh dạn trong giao tiếp và có khả năng ứng phó với các sự cố xấu,... là những lời quảng cáo của các trung tâm dạy kỹ năng sống. Điều đáng nói là những thứ to tát như vậy chỉ được dạy trong khoảng 7-10 buổi học.
Về phía phụ huynh, hễ thấy có một sự vụ gì xả ra là lại cuống cuồng đi tìm lớp dạy kỹ năng, tâm lý cho con em mình. Có phụ huynh đọc trên mạng thấy có học sinh tự tử vì điểm thi kém cũng nháo nhào tìm lớp dạy tâm lý cho con mặc dù con mới học tiểu học. Hay có phụ huynh đi tập võ để có khả năng ứng phó khi gặp đối tượng xấu mặc cảnh báo trẻ không nên đối đầu trực diện với kẻ xấu.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, kỹ năng sống được hình thành từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày, từ ý thức của bản thân về hành vi đó chứ không phải học 5-7 buổi học mà có thể có kỹ năng tốt.
Theo các chuyên gia, phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc dạy trẻ những kỹ năng sống đơn giản như tự chăm lo cho bản thân, biết nấu ăn, biết dọn dẹp nhà cửa, biết giúp đỡ bố mẹ, biết thể dục thể thao giữ gìn sức khỏe...
Một khóa học kỹ năng dăm bảy ngày chỉ là chỗ để con trải nghiệm chứ không phải là chiếc đũa thần, biến một đứa trẻ ham chơi trở nên chăm chỉ, giỏi giang.
Ngay cả những kỹ năng lớn như vượt qua áp lực cuộc sống, áp lực học tập, kỹ năng đối phó với “yêu râu xanh” hay kỹ năng sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn… nếu cha mẹ chưa đủ tự tin về kiến thức để dạy con thì cũng nên tìm hiểu kỹ các trung tâm uy tín trước khi gửi gắm con mình.