Con gái hiếm muộn, mẹ giục con rể ly hôn, cưới người khác

Sau 12 năm kết hôn, vợ chồng ông Tường vẫn chưa có đứa con đầu lòng. Thương con, mẹ vợ thúc giục chàng rể ly hôn để cưới vợ mới.

Hôn nhân trắc trở

Tháng 1/1979, khi còn là chiến sĩ công an trẻ, ông Nguyễn Mạnh Tường (64 tuổi) được điều chuyển từ Hà Nội vào thôn K’Rèn (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) truy quét Fulro. Nơi đất khách, ông gặp cô gái Đinh Thị Ngãi vừa tròn 20 tuổi.

Lúc ấy, nhà bà Ngãi gần chốt gác của ông Tường. Mỗi khi trời mưa bão, biết bà ở nhà, ông thường cùng đồng đội đến nhà bà chơi. Lần đầu gặp nhau, ông Tường đã có cảm tình đặc biệt với cô gái “xinh đẹp nhất thôn”.

Hơn thế, việc bà Ngãi sớm phải lam lũ, phụ mẹ chăm đàn em nhỏ vì bố mất sớm càng khiến ông thương mến. Ông thầm yêu, thường xuyên đến nhà giúp bà gặt lúa, phơi rơm, làm việc đồng áng.

Trong khi đó, những lần đầu gặp nhau, bà Ngãi chưa có cảm tình sâu nặng với anh công an được mẹ khen "đẹp trai nhất trong số những chàng trai đã đến chơi nhà".

Vợ chồng ông Tường tại chương trình Tình trăm năm.

Tại chương trình Tình trăm năm, bà Ngãi (64 tuổi, vợ ông Tường) kể: “Lúc đó, thấy các anh công an khổ cực, ăn cơm độn rau rừng, mẹ tôi thương lắm. Bà thường mời các anh đến nhà chơi hoặc gửi trái cây, gà, vịt để bữa ăn các anh thêm phong phú.

Cứ thế, các anh ra vào nhà tôi thường xuyên hơn. Tuy vậy, mẹ chỉ khen anh Tường. Mẹ nói, nếu anh ấy là con mẹ, mẹ chỉ để nhà ngắm thôi. Sau đó, anh ấy đến nhà tôi nhiều hơn. Tôi dần có cảm tình với anh nhưng chưa phải là yêu”.

Một thời gian sau, ông Tường đổi chốt gác. Chốt này cách nhà bà Ngãi hơn 40km. Không thể thường xuyên đến thăm nhau, cả hai thư từ qua lại. Mỗi Chủ nhật, ông Tường lại vác xe đạp lội suối rồi đạp xe băng đồng ruộng, vượt đường đất đỏ đến thăm bà.

Sự chân thành của ông khiến bà cảm động, có những rung cảm đầu tiên. Cuối năm 1980, ông Tường được lệnh trở về Hà Nội. “Biết tin, tôi buồn và lưu luyến lắm. Lúc này, tôi mới biết mình đã yêu ông ấy rồi. Ông ấy ra Hà Nội, chúng tôi lại thư từ với nhau”, bà chia sẻ.

Bà Ngãi xúc động kể lại những năm tháng hiếm muộn nhưng vẫn được chồng yêu thương.

Sau 2 năm chỉ biết trông chờ những lá thư của người tình, bà Ngãi được tin ông Tường vào Nam ngỏ lời cưới mình. Sau đó, cả hai chở nhau bằng chiếc xe đạp đi mượn để đi đăng ký kết hôn.

Vì chuẩn bị không kịp, ông bà không tổ chức đám cưới ở nhà gái. Bà Ngãi đành “xách giỏ theo chồng” ra Bắc làm dâu. Trên đường đi, vợ chồng ông Tường bị kẻ xấu lấy trộm hết tư trang, kỷ vật, quà, vật dụng chuẩn bị cho đám cưới ở quê.

Sự cố ấy khiến ông bà không thể tổ chức đám cưới như dự định. Cả hai chỉ nấu vài mâm cơm mời họ hàng, bạn bè thân thiết. Cưới xong ít ngày, ông Tường hết phép, phải trở về đơn vị. Bà Ngãi ở lại, ngủ với mẹ chồng.

Viên mãn tuổi già

Ở nhà chồng được 1 tháng, bà Ngãi lên tàu, một mình vào Đức Trọng chăm sóc các em nhỏ ở quê. Hai năm sau, ông Tường làm đơn chuyển công tác vào Lâm Đồng để đoàn tụ với vợ.

Sau khi đoàn tụ, vợ chồng ông đối mặt với nỗi buồn hiếm muộn con. Cưới nhau đã nhiều năm, dẫu trông ngóng từng ngày, ông bà vẫn chưa sinh được đứa con đầu lòng.

Cuối chương trình, ông Tường thể hiện tình yêu không tuổi với người vợ của mình.

Thời gian đó, đêm nào bà Ngãi cũng nằm mơ thấy mình mang thai, bụng nở to. Lúc thức giấc, thấy bụng nhỏ bình thường, bà đau lòng khóc từ đêm đến sáng. Những lúc như vậy, ông Tường luôn ở bên an ủi, động viên.

Thấy vợ chồng con gái hiếm muộn, mẹ bà Ngãi cũng đau lòng không kém. Thương con, bà muốn xin con nuôi về cho vợ chồng ông Tường. Dẫu vậy, ông không đồng ý. Không còn cách nào khác, bà ngỏ lời, muốn con rể ly hôn con gái mình để cưới người khác.

Bà Ngãi kể: “Thấy con gái lấy chồng 5-6 năm mà chưa có con, mẹ tôi buồn lắm. Bà thương con rể đến nỗi giục anh lấy vợ khác. Bà nói: “Nó không có con thì con đi lấy vợ khác đi”. Nhưng anh không đồng ý.

Về phần mình, có lúc tôi nghĩ: "Nếu không có con, anh ấy không còn tình cảm, muốn ra đi thì mình cũng không ngăn cản". Tôi cũng sẽ đồng ý cho ông ấy đi lấy vợ khác. Tuy vậy, ông ấy không bao giờ có ý định này”.

Tại chương trình, ông Tường lý giải rằng, ông và bà Ngãi là mối tình đầu của nhau. Nếu không có duyên có con với nhau, ông chấp nhận cuộc sống không con cái với bà chứ nhất định không ly hôn, lấy vợ khác.

Hiện, ông bà có cuộc sống hạnh phúc với con gái và cháu ngoại.

Tình yêu của ông khiến bà Ngãi cảm thấy được an ủi, hạnh phúc. Sau đó, cả hai kiên trì chạy chữa hiếm muộn khắp nơi với hi vọng có được đứa con đầu lòng.

Năm 1994, sau khi đã đi khắp nơi, làm đủ mọi cách, ông bà gặp được vị thầy thuốc ở Hà Nội. Sau thời gian điều trị, uống thuốc của người này, bà Ngãi đậu thai.

Bà hạnh phúc đến nỗi đặt tên con là “Mơ” đúng như niềm mơ ước và những giấc mơ về con suốt 12 năm hiếm muộn của mình. Mơ cũng là người con gái duy nhất của vợ chồng bà. Tuy vậy, ông bà luôn cảm thấy mãn nguyện.

Cuối chương trình, ông Tường gửi đến vợ bức thư đầy cảm xúc. Nghe tâm sự của chồng, bà Ngãi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Sau đó, ông gửi tặng vợ chiếc nhẫn cưới và đặt lên môi bà nụ hôn hạnh phúc.

Trước tình cảm của chồng, bà Ngãi xúc động chia sẻ: “Em không biết nói gì hơn. Vợ chồng mình đã đi với nhau hơn 40 năm nhưng vẫn hạnh phúc, chưa bao giờ cãi nhau. Em rất cám ơn anh. Em chỉ mong vợ chồng có sức khỏe để sống với con cháu nhiều hơn”.