'Cúng lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng 7' như thế nào ?

TS. Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, đã chia sẻ với báo Sức Khỏe Cộng Đồng những thắc mắc độc giả rất quan tâm việc cúng Rằm tháng 7.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7 âm lịch thì đông đảo gia đình người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đều sắm lễ để đi chùa cầu an, cầu siêu cho cha mẹ. Có nơi làm lễ Vu lan, có nơi lại coi là ngày Tết Quỷ, có nơi lại coi là ngày “xác tội vong nhân” …. Vậy tiến sĩ có thể giải thích chi tiết về các ngày lễ trong tháng và nhất là ngày rằm tháng 7 được không thưa tiến sĩ?

TS Vũ Thế Khanh: Trong dân gian, người ta vẫn coi “Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân”, hay còn gọi là ngày cúng cô hồn. Có nơi lại gọi rằm tháng 7 là Tết Quỷ.

Tại tư gia, các gia đình cũng thắp hương tưởng nhớ và làm mâm lễ cúng dâng, cầu nguyện cho người đã khuất.

Ở nhiều nước Á Đông khác, ngày Rằm tháng 7 cũng là dịp để người sống tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà đã mất: Ở Nhật gọi là lễ Obon, Chữ Bon này tức là Urabon, do Nhật phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana; Ở Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn ra Hán ngữ là Vu Lan Bồn hoặc ÔLamBàNa; Ở Việt Nam giới Tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan. Vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, gia đình Phật tử tại khắp mọi miền đất nước lại lên chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu, nhớ đến công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất...
 
'Cúng lễ Vu Lan và cúng cô hồn Rằm tháng 7' như thế nào ?
 
Xin tiến sĩ cho biết nguồn gốc phong tục cúng Rằm tháng 7?

TS Vũ Thế Khanh: Theo phong tục dân gian, vào ngày rằm tháng 7, ở “cõi âm” mọi “tù nhân” ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được "xả trại" thoát ra khỏi cõi địa ngục.
 
Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Mỗi năm, Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày 2/7, để quỷ đói được trở lại cõi trần và đến đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, từ đêm 14/7 đến 15/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc đồ lễ cúng quỷ đói để cầu được bình an và được những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ.

Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói trại đi thành cúng Cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
 
Truyền thuyết kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi Thiền trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ (quỷ đói) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó.
 
Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này bạch với đức Phật. Đức Phật bèn làm một bài chú cho A Nan đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa để được thêm phước. Bài thần chú này gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”.
 
Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung. Lễ cúng dần dần thành xá tội vong nhân – thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia…

Theo Tâm linh của người Việt, tín ngưỡng này được coi là một hành động nhân đạo, cứu giúp cho những cô hồn khốn khổ của thập loại chúng sinh cõi ngạ quỷ. Trong năm, lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch là lớn nhất, thường trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
 
 
Cúng rằm tháng 7, nên cúng đồ mặn (thịt cá) hay cúng chay?

TS Vũ Thế Khanh: Cúng chay hay mặn là do tín ngưỡng của mỗi người.

Tuy nhiên, vong linh đã mất không thể ăn trực tiếp vào đồ dâng cúng mà chỉ thọ nhận trong thần thức mà thôi.

Khi thần thức của người đã khuất thèm khát, nghiện đồ cúng mặn tức là đã đắm đuối vào hành vi tạo nghiệp sát sinh. Như vậy, khi cúng đồ sát sinh thì vong linh gia tiên cũng bị « tòng phạm » về nghiệp sát sinh .

Nếu linh hồn đi tái sinh kiếp sau thì họ sẽ chọn vào các gia đình hành nghề đồ tể, sát sinh để đầu thai theo nguyên lý "đồng khí tương cầu" và như vậy là oan oan tương báo, nghiệp chướng chất chồng, họ sẽ thọ nhận cảnh giới khổ đau trong các kiếp tái sinh sau này.

Nếu cúng chay, sẽ tạo duyên cho các linh hồn quen dần với những khẩu vị thanh tịnh, khiến cho thần thức của họ được minh triết, thì họ sẽ chọn những gia đình hiền lương, nhân ái để đầu thai trong kiếp sau.
 
TS. Vũ Thế Khanh

Do vậy: Không cúng đồ sát sinh, không cúng các đồ tanh hôi...mà nên cúng đồ thật, tiền thật, cỗ chay cùng với Hỷ thực, Hiếu thực và Pháp thực; Thực hiện các khóa lễ tâm linh, tụng kinh sám hối, tụng kinh Vu lan báo hiếu cho linh hồn cha mẹ tổ tiên được cảm ứng mà xả bỏ được nghiệp chướng phiền não tham sân si, để trở về cảnh giới an lạc, đồng thời cho những người còn sống cũng được thấm nhuần đạo lực của Chánh Kinh. Làm các việc thiện, việc lành, khởi niệm từ bi với mọi chúng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ tổ tiên...
 
Đốt vàng mã, "người âm" có nhận được không, và tại sao lại phải đốt mã trước ngày rằm tháng 7?
 
TS Vũ Thế Khanh: Trong dân gian có truyền thuyết cho rằng đốt mã cho « người âm » thì phải trước ngày 15/7 âm lịch, bởi sau ngày đó người âm không nhận được.

Truyền thuyết này mô tả trong "Thế giới cõi âm" có 1 dòng sông chở hàng mã của người trần gửi cho người âm, đó là dòng Sông Chở Mã. Sau 15/7 "thuyền chở mã" đã rời bến, nên đốt mã sau ngày đó sẽ không còn giá trị nữa".

Xin lưu ý, đấy là truyền thuyết, chứ hiện tượng "dòng sông chở mã" này có đúng hay sai thì hoàn toàn chẳng có gì làm bằng chứng. Việc bày đặt ra sự tích « dòng sông chở mã » là chỉ nhằm tăng cường sự huyền bí của tục lệ đốt vàng mã mà thôi.

Vậy tục đốt vàng mã có từ bao giờ ?

TS Vũ Thế Khanh: Thời Trung Hoa cổ đại, tục mai táng người chết rất phức tạp, đa dạng. Khi có người chết, gia đình của họ sẽ chôn đồ vật theo người quá cố, nhất là những đồ vật mà khi còn sống trên dương gian, người đó đã luôn gắn bó.

Sau này,đến đời Nhà Đường (bắt đầu từ năm 618), Vương Dũ liền chế ra đồ giả bằng giấy ( vàng bạc, quần áo, tiền nong, ngựa xe... ) để cúng rồi đốt đi để thay thế cho đồ dùng thật .Từ đó, nghề làm đồ mã trở nên thịnh hành.

Nhưng về sau, khi thấy việc cúng vàng mã dần bị mai một, không còn được thịnh hành nữa thì hậu duệ của Vương Dũ là Vương Luân đã làm một trò gian lận rất tinh vi :Vương Luân đã bố trí cho một người giả chết rồi đưa vào quan tài. Khi họ hàng thân quyến và dân làng đến phúng viếng thì cho đốt rất nhiều đồ vàng mã, rồi bỗng dưng "người giả chết" bật nắp quan tài sống lại, và kể rằng: Do biếu nhiều vật dụng, tiền vàng bằng hàng mã , lại có cả hình nhân thế mạng nên đã mua chuộc đươc ma quỷ, Diêm Vương di căn cải mệnh, nên đã được tha mạng cho về dương thế.

Ở nước ta, do bị đô hộ hàng nghìn năm Bắc thuộc, nên cũng bị ảnh hưởng tục lệ này của văn hoá Trung Hoa cổ đại.

Trong các ca khảo nghiệm về Tâm linh, trong số các gia đình có "người âm" nhập vào để giao lưu thì có đến 70 % nói rằng khi người thân cúng vàng mã thì họ cũng “nhận được”, ( thậm chí còn mô tả rõ những đồ vật mà con cháu dâng cúng. Tuy nhiên, họ nói rằng "nhận được mà không dùng được” , bởi 2 hệ quy chiếu khác nhau, hai môi trường khác nhau thì "không thể dùng chung một loại phương tiện" được !. Nói một cách hình tượng là "thống đốc ngân hàng" của thế giới tâm linh không thể chấp nhận những « đồng tiền » do các cõi khác phát hành một cách tùy tiện. ). Ở đây khái niệm “nhận được’ của thế giới siêu hình chỉ là cảm ứng về mặt tư tưởng mà thôi.

Đạo Phật tin vào Nhân Quả, do vậy không tin vào chuyện đốt vàng mã. Mặc dù vậy, hiện nay một số chùa ở nước ta vẫn còn duy trì tục lệ đốt vàng mã. Đây là do các Phật tử căn cơ đạo lực còn non kém nên mới tin và đưa vàng mã vào đốt trong chùa, còn với các Tăng Ni thì đa phần không tin chuyện này. Nhưng vì muốn phương tiện "chiều lòng Phật tử" để giữ khách, sợ nếu không cho đốt mã thì họ bỏ đi chùa khác, nên các các vị trụ trì chùa vẫn tạo cơ hội cho các Phật tử đốt nhiều vàng mã tại Chùa.

Trên tinh thần khoa học, việc đốt vàng mã không có ích lợi gì cho thế giới tâm linh, lại vừa tốn kém về tiền bạc (dùng tiền thật mua đồ giả), vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa suy thoái về mặt tâm linh.
 
Xin cảm ơn Tiến sĩ...
 
 
Thanh Lâm