Cũng ổn thôi nếu bạn đang cảm thấy không hạnh phúc

Cũng ổn thôi nếu bạn đang có những cảm xúc tiêu cực. Vì những cảm xúc này cũng quan trọng không kém gì hạnh phúc.

 

tai-xuong-1690615911.png

Kết nối giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc

Từ năm 1938, Harvard thực hiện một nghiên cứu cho đến nay đã kéo dài 85 năm để trả lời câu hỏi “Điều gì làm chúng ta hạnh phúc?”. Nghiên cứu phỏng vấn hàng năm và theo dõi sức khỏe của 724 người, từ tầng lớp thượng lưu (trong đó có một Tổng Thống Mỹ) cho đến những người sinh sống tại khu ổ chuột. Đến nay, hơn 2,000 con cháu của họ cũng tham gia nghiên cứu. Sau hơn 10,000 trang báo cáo, điều quan trọng nhất khiến con người hạnh phúc, tất nhiên không phải là giàu sang hay địa vị. Một cách nhất quán, câu trả lời là, “Những mối quan hệ tốt khiến chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh”.

Ba thông điệp quan trọng nhất từ nghiên cứu về mối quan hệ cho thấy: Thứ nhất, người có các mối quan hệ xã hội tốt thường sống lâu hơn và có sức khỏe tốt hơn những người tự nhận họ cô đơn. Nhưng những người có nhiều mối quan hệ không có nghĩa là họ ít cô đơn. Nhiều người cảm thấy lạc lõng và cô đơn hơn khi ở giữa đám đông. Vì vậy, bài học thứ hai: Chất lượng các mối quan hệ gần gũi, chứ không phải số lượng, mới là thước đo một người có thỏa mãn về các mối quan hệ hay không. Cuối cùng, mối quan hệ hạnh phúc không chỉ giúp khỏe mạnh về mặt thể chất, mà còn bảo vệ các chức năng của não bộ như khả năng nhận thức, tư duy, trí nhớ,... Mối quan hệ ảnh hưởng nhiều đến con người nhất, thường là mối quan hệ gần gũi mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất. Ở trẻ nhỏ, là ba mẹ. Ở người trưởng thành, là đời sống hôn nhân. Một cặp vợ chồng cãi vặt hàng ngày không có nghĩa là họ không hạnh phúc, mà chừng nào họ còn cảm thấy an toàn và tin tưởng vào người bạn đời khi gặp khó khăn, thì sức khỏe não bộ của họ vẫn được duy trì tích cực.

photo-1590674165132-1590674165377932027787-1690616009.jpg

Địa vị là điều nhiều người khát khao

Tình yêu nam nữ là thứ đã được ca tụng qua thơ ca và nghệ thuật suốt hàng ngàn năm nay, nó cũng được chứng minh ảnh hưởng đến đời sống cá nhân thế nào bằng khoa học. Nhưng còn một thứ tình yêu khác, đang ngày càng được khát khao nhiều hơn trong thời đại phát triển của mạng xã hội, lại rất thầm kín và thường bị mỉa mai tiêu cực nếu được bày tỏ. Một thứ khiến nhiều người luôn tìm cách chối bỏ và dằn vặt vì nó - Tình yêu địa vị. Như một lẽ tự nhiên trong quá trình sinh tồn, loài người - với từng cá thể yếu ớt, gắn kết lại và mang tính tập thể cao để đi đến đỉnh chuỗi thức ăn. Mong muốn được tương tác, được chú ý và được coi trọng ăn sâu vào bản năng con người. Qua quá trình phát triển phức tạp hơn của xã hội, địa vị trở thành nhu cầu cần được thỏa mãn ngày càng cao, và đặc biệt sâu sắc ở thế giới hiện đại khi các phương tiện Internet tạo nhiều cơ hội kết nối hơn.

Facebook và Tiktok đang khai thác ngày càng nhiều “2 đầu” của “quả chuông”. Tức là truyền thông sẽ tập trung vào những sự kiện tốt nhất hoặc xấu nhất, trong khi phần lớn những điều xảy ra với chúng ta lại ở giữa. Chúng ta nhìn nhận được nhiều cuộc sống tuyệt vời của người khác hơn, những chuẩn mực kỳ vọng cũng ngày càng nâng cao, và cuộc đua chinh phục những cột mốc mới bắt đầu. Thời đi học, mức điểm tốt và hoạt động ngoại khóa là tấm huy chương ghi nhận sự xuất sắc. Tham gia thị trường lao động, nhà cửa và tài khoản tiết kiệm trở thành định nghĩa mới của thành công. Tự bao giờ, nhiều người trong chúng ta mở đầu giao tiếp bằng những câu hỏi về nghề nghiệp hay tài chính để xác định một người có đang hạnh phúc hay không. Tất nhiên, thói quen đó rất dễ hiểu bởi những định kiến và nỗ lực thường ngày của chúng ta thường xoay quanh vấn đề này. Nhưng chúng ta cần rạch ròi nhận thức rõ, có rất nhiều tín hiệu và thước đo hạnh phúc khác. Tôi phải thú thực, nếu cuộc đời bạn chỉ là cuộc đua chạy theo những chuẩn mực thành công mà bạn tìm kiếm từ xã hội, thì thứ hạnh phúc đó rất thiếu bền vững và mang tính thời điểm:

Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi ba năm. Hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói chỉ sau đôi ba tiếng. Rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin vào một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn.

Tôi hoàn toàn không có ý định chỉ trích nỗi lo âu về địa vị hay khuyên bạn từ bỏ các mục tiêu. Mong muốn vươn lên về địa vị thúc đẩy chúng ta phát triển, nỗ lực trong cuộc sống và tiến tới giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, không thể chối bỏ khao khát địa vị thái quá gây ra rất nhiều khổ sở và đau thương. Tôi muốn chúng ta cùng thành thực hơn về vấn đề này và chấp nhận nó như một phần của bản thân.

Tình yêu địa vị không chỉ là câu chuyện danh vọng trong xã hội thứ bậc, mà còn là sự tôn trọng chúng ta mong muốn nhận được từ các mối quan hệ. Trong tình yêu, chúng ta muốn mình là đối tượng được quan tâm: sự hiện diện của chúng ta được chú ý, quan điểm của chúng ta được lắng nghe, thành công được tán thưởng và sai sót được bao dung thông cảm. Chúng ta đối xử với người mình thương theo cách chúng ta cho là “tốt”, và mong muốn cũng được đối xử lại tương tự. Dù vậy, tôi đã chứng kiến nhiều xung đột vì thứ kỳ vọng này, bởi định nghĩa “tốt” của bạn và đối phương khác nhau, bạn không thể áp đặt chuẩn mực tốt của bạn cho người khác. Khi chúng ta không nhận được cách đối xử chúng ta mong muốn, nỗi sợ không được yêu thương và nỗi lo âu về vị trí của chúng ta trong tâm trí người đối diện dấy lên. “Đừng đối xử với người khác theo cách mà bạn không muốn người khác đối xử với bạn” là một phương án an toàn và ít rủi ro hơn so với “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn”.

214301-benh-stress-1690616090.png

Cảm xúc tiêu cực cũng rất cần thiết trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc

Cũng ổn thôi nếu bạn đang có những cảm xúc tiêu cực. Vì những cảm xúc này cũng quan trọng không kém gì hạnh phúc.

Đối ngược với sự thỏa mãn của hạnh phúc, stress là cơ chế nhận biết thiếu sót hoặc xáo trộn (cả về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần). Khi stress, nồng độ một số loại hormone tăng lên. Ba hormone được biết đến nhiều nhất là Cortisol, Adrenalin, Norepinephrine. Những hormone này làm tăng sức mạnh tạm thời của cơ thể thông qua tăng nhịp đập của tim, tăng huyết áp, nhịp thở gấp hơn để hấp thụ nhiều oxygen cho não bộ, đẩy cao sức mạnh cơ bắp tạm thời, tăng nồng độ axit trong dạ dày,... Đây là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể khi đối mặt với căng thẳng và nhận biết nguy hiểm cần vượt qua. Nhờ đó con người gia tăng sức mạnh thể chất, tăng sức tập trung, cải thiện năng suất công việc,... Càng gần deadline, chúng ta càng làm việc hiệu quả. Thậm chí, tôi từng có một trải nghiệm thời lớp 6 khi bị rượt đuổi, chỉ bằng một cái nhún mình có thể nhảy qua bờ tường cao hơn 2 mét, điều mà khi trưởng thành tôi cũng chưa thể tái lập. Tuy nhiên, stress nặng nề và kéo dài sẽ gây rối loạn nhịp sinh học, thèm ăn (đặc biệt là đồ ngọt, dẫn đến béo phì), suy yếu hệ miễn dịch, giảm trí nhớ và sức sáng tạo.

Một nghiên cứu hơn 8 năm của Kelly McGonigal (Stanford) trên 30,000 người trưởng thành cho biết những người stress nặng nề và kéo dài tăng 43% rủi ro tử vong, nhưng điều này chỉ đúng với người tin rằng stress là xấu và gây tổn hại cơ thể. Với những người nhiều stress nhưng không cho rằng stress có hại cho sức khỏe, tỷ lệ tử vong của họ là rất thấp, tương đương với nhóm gặp ít stress trong cuộc sống. Ở một thí nghiệm khác của Harvard khi kiểm tra ảnh hưởng của stress, những người được giải thích để hiểu về lợi ích của stress có sự tự tin cao hơn, nhịp tim của họ vẫn nhanh khi gặp áp lực, nhưng thành mạch máu không bị co lại như khi chưa biết về tác dụng của stress.

Một điều ít người biết đến là stress còn kích thích cơ thể tìm kiếm nhiều hơn Oxytocin - hormone tình yêu. Đây là lý do nếu bạn gặp khó khăn thì việc tìm đến những người bạn quan tâm, dù là để giúp đỡ hay được giúp đỡ, cũng khiến cơ thể thư giãn. Chia sẻ khó khăn giúp bạn hồi phục nhanh hơn. Một nghiên cứu 5 năm trên 1,000 người ở Mỹ chỉ ra: những người gặp stress nhưng dành nhiều thời gian giúp đỡ bạn bè không cho thấy sự liên quan giữa stress và tử vong. Tôi không có ý định đánh lừa bạn rằng stress hoàn toàn không gây hại đến cơ thể khi kéo dài, nhưng nếu bạn có một góc nhìn khác về stress, hiểu về nó và kết nối nhiều hơn, bạn hoàn toàn thay đổi tác dụng của stress lên cơ thể. Bằng cách này, chúng ta biến stress trở thành người bạn trong cuộc sống.

Vậy nên, nếu bạn có vấn đề với stress, điều bạn nên làm không phải là cố loại bỏ nó trong dằn vặt. Khi tim bạn đập mạnh hơn vì căng thẳng, hãy nhớ, đây là cách cơ thể chuẩn bị cho việc chinh phục thử thách.

images-1690616177.jpg

Đau khổ là điều nhiều người không muốn tiếp nhận

Điều mà con người thường than thở với nhau đó là đau khổ. Đau thì đi kèm với khổ. Ai đó tát bạn một cái, bạn không đau vì tác động vật lý. Nếu cái tát đó xuất phát từ người bạn thương, và bạn hiểu cái tát đó thực sự đến từ lỗi lầm bản thân, thì cái tát đó đau, không khổ. Nhưng nếu cái tát đó với nguyên nhân vô lý kèm một thái độ khinh miệt, thì nó thực sự mang lại cảm giác giận dữ, tủi nhục, chua cay,... Lúc này là đau khổ. Sự khác biệt là hết sức tinh vi. Đôi khi người ta đau nhưng lại tự làm khổ mình.

Đau khổ lớn nhất một người có thể trải qua có lẽ là sự chia lìa. Vậy nên có cuộc đời ai mà không phải cảm nhận sự đau khổ tột cùng? Bạn không thể chối bỏ đau khổ hoặc khuyên một người vừa mất mát đừng buồn. Vạn vật vận hành theo quy luật hợp - tan. Đứng trước sự chia lìa mà không đau khổ thì mất đi tính người. Chấp nhận đau khổ, nhìn nhận sự thật như nó đúng là, đừng né tránh và để nó diễn ra tự nhiên. Có hạnh phúc của hợp, ắt có khổ đau của tan. Không hiểu về mất mát, thì khó trân trọng sự “có”.

anh-1-1-5777-1647445652-1690616230.jpg

Cũng ổn thôi nếu bạn đang cảm thấy không hạnh phúc

Một người tự tin sẽ chẳng bao giờ tự hỏi anh ta có đang tự tin hay không. Một người hạnh phúc cũng chẳng tự hỏi mình có đang hạnh phúc không. Anh ta đơn giản chỉ là cảm nhận hạnh phúc. Tôi cũng không khuyên bạn lẩm nhẩm những câu nói sáo rỗng kiểu “Hãy tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong” hay “Hãy biết ơn những gì bạn đang có vì nhiều người khác không được như bạn”. Thật là một sự tự lừa dối bản thân.

Chúng ta đã nói về cơ chế sinh hóa của stress, giờ là về hạnh phúc. bốn hormone được biết đến nhiều nhất trong việc dẫn truyền tín hiệu về cảm giác hạnh phúc là Dopamine, Serotonin, Endorphin, Oxytocin.

Dopamine, là hormon của động lực, tạo cảm giác sung sướng mỗi khi chúng ta đạt mục tiêu. Nó kích thích não bộ liên tưởng đến những ham muốn về các sở thích làm bạn cảm giác vui vẻ như ăn uống, mua sắm hoặc hoạt động tình dục. Quá nhiều hay quá ít hàm lượng Dopamine đều gây rối loạn tinh thần. Tìm kiếm thêm Dopamine cũng là tác nhân của nghiện chất kích thích như thuốc lá, ma túy, rượu,... và các hoạt động không lành mạnh như game, cờ bạc,... Nếu bạn bồn chồn mỗi 30 phút để mở điện thoại lên check tin nhắn, thì đó là dấu hiệu của việc nghiện Dopamine.

Serotonin tham gia điều chỉnh đồng hồ sinh học như giấc ngủ, ăn uống, hoạt động thể chất,... Về mặt cảm xúc, dù phần lớn các nghiên cứu ghi nhận Serotonin thường đi kèm với cảm giác hạnh phúc và thiếu hụt Serotonin sẽ gây trầm cảm, nhưng Serotonin cũng có thể được sản sinh ngắn hạn trong các tình huống cần kích thích thể chất để chiến đấu. Serotonin giúp con người yêu bản thân và tự tin hơn sau các hoạt động hưởng thụ như ăn uống, tình dục,.... Serotonin làm trung gian nhận thức của động vật về tài nguyên, điều tiết qua kỳ vọng về vật chất (thức ăn, tiền bạc), thể chất và tinh thần. Chúng kích thích mong muốn “nhiều hơn”.

Endorphin giống như thuốc giảm đau của cơ thể. Chúng mang lại cảm giác an toàn thông qua các hoạt động thể chất, chống mệt mỏi, bảo vệ tim mạch và mang lại sự hài lòng với các tương tác xã hội. Cười, thiền, nghe nhạc đều mang lại sự thoải mái nhờ kích thích Endorphin. Nhiều người thích ăn cay do cơ thể tiết ra Endorphin nhằm xoa dịu nỗi đau (nhân tiện, cay không phải một vị mà là cảm giác đau của lưỡi).

Oxytocin không chỉ là thần dược cho khoái cảm tình yêu / tình dục mà còn gắn kết các mối quan hệ khác giữa người với người. Nồng độ Oxytocin liên quan mật thiết đến sự tin tưởng, đồng cảm, sự trân trọng, lòng chung thủy, khả năng giao tiếp tích cực. Oxytocin đặc biệt quan trọng với phụ nữ sau sinh, các bà mẹ có nồng độ hormone này cao thường có xu hướng chăm sóc, âu yếm con nhiều hơn. Trong công việc, Oxytocin giúp nâng cao khả năng sáng tạo, bảo vệ trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch. Dù vậy, Oxytocin cũng có mặt tối của nó như gây ra sự thiên vị, thành kiến, ghen tuông,...

Hiểu được cơ chế sinh hóa của hạnh phúc giúp chúng ta có nhiều cách hơn để đạt được trạng thái này. Chẳng hạn, thay vì “Hãy đặt mục tiêu đến các vì sao, ít nhất bạn cũng có thể đặt chân đến mặt trăng”, bạn hoàn toàn có thể chia một mục tiêu lớn và dài hạn thành các mục tiêu nhỏ theo từng bước. Cơ chế này sẽ giúp cơ thể tự thưởng Dopamine mỗi khi bạn hoàn thành task nhỏ, và thôi thúc bạn có động lực hơn cho các task tiếp theo. Tôi không đặt mục tiêu hôm nay phải tập luyện trong 2h, tôi đặt mục tiêu là đặt được chân đến phòng tập. Một trong những mục tiêu thuộc danh sách bắt-buộc-phải-làm hàng ngày của tôi suốt 4 năm qua là “Chống đẩy 1 cái”. Tất nhiên, khi đã đặt 2 tay xuống sàn, không ai lại chỉ chống đẩy 1 cái cả.

Tập thể dục, nghe nhạc, kết nối, chia sẻ, giúp đỡ người khác, hoàn thành các mục tiêu, tìm kiếm sự nể trọng, phấn đấu trở nên giàu có, thực hiện các lý tưởng cao đẹp hoặc không cao đẹp,... đều là những cách có thể giúp bạn đạt được trạng thái hạnh phúc. Gần đây, tôi tập Thiền. Trái với nhiều suy nghĩ gắn Thiền với tôn giáo và đưa tâm trí bay bổng đi xa, ngược lại, Thiền giúp tôi tiếp cận hiện thực nhiều hơn. Khác với trước khi Thiền, giờ tôi cảm nhận thế giới không chỉ qua tâm trí và đôi mắt, mà còn bằng tất cả các giác quan: sự mềm mại của lớp vải, cái lạnh của trời đông chạm vào làn da, vị mặn ngọt của nước phở, tiếng quạt thổi,... Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự cảm nhận về cơ thể mình, và nhận ra tôi đã thiếu thấu hiểu chính bản thân trong suốt nhiều năm. Khi bắt đầu thực hành cảm nhận hơi thở, tôi mới thấy tâm trí mình điên rồ và nhảy nhót như khỉ leo cây đến thế nào. Nhưng điều quan trọng nhất của việc điều hòa hơi thở không phải là kiểm soát nhịp thở, mà là quan sát tâm trí. Nếu tâm trí của tôi mất tập trung và bắt đầu chạy lang thang, thì chính nó cần phải tự nhận thức: “Ồ, tâm trí mình lại bay đi đâu thế này?”. Đôi khi đang làm việc, tôi bất giác cầm điện thoại lên định check tin nhắn, và nhoẻn cười “Lại mất tập trung. Mình đang bị nghiện theo đuổi Dopamine”. Việc cảm nhận rõ hơn về cơ thể giúp tôi trân trọng những cảm xúc của mình, dù là tích cực hay tiêu cực. Khi tôi giận dữ, tôi gọi tên nó, nhận thức được cảm giác cồn cào ở bụng và khó chịu ở ngực, biết nguyên nhân gì tạo ra cơn giận này, chúng khiến tôi muốn trút hành động ra ngoài và nhắm đến một thứ gì đó. Giận không phải là xấu, buồn không phải là xấu, stress cũng không phải là xấu. Điều quan trọng là hiểu, chấp nhận chúng, không gây ra những hành động ngoài phạm vi đạo đức làm tổn hại đến bản thân và xã hội. Hiểu được khổ đau sẽ giúp cảm nhận nhiều hơn về hạnh phúc.

Tôi tạm chia hạnh phúc ra hai  loại:“Hạnh phúc mục tiêu” - thứ bạn đạt được sau khi sở hữu điều bản thân kỳ vọng; và “Hạnh phúc thanh thản” - cảm giác nhẹ nhàng và trân trọng thực tại. Bạn biết đấy, hai thứ này không hề loại trừ nhau, và hoàn toàn có thể có được cả hai. Bạn có thể có những tham vọng lớn lao, theo đuổi chúng bằng một to-do-list dài cả mét đi kèm một loạt hành động không mang lại mấy cảm giác dễ chịu (như tập luyện đến mệt đứt hơi, đọc một mớ tài liệu khó hiểu, thức đêm làm việc,...), rồi mỉm cười vì biết bạn đang tiến đến giá trị tốt đẹp hơn. Học lấy điều thú vị, chơi thể thao nâng cao sức khỏe, đứng thẳng lưng giúp tăng sự tự tin, ngủ đủ giấc để tăng hiệu suất công việc, ăn một món ngon, cảm nhận vị ngọt của bánh mì thay vì để tâm trí ở màn hình điện thoại, nghĩ về tương lai đồng thời sống trong thực tại. Nếu bạn thất bại, hiểu tính người của bản thân, chấp nhận “It is what it is”, thông cảm cho những cảm xúc tiêu cực. Đứng trước bất cứ sự tồi tệ nào, chúng ta đều có lựa chọn: “Làm một điều gì đó để mọi thứ tốt lên” hoặc đơn giản là “Bỏ cuộc” (đừng hiểu nhầm ý tôi, "Bỏ cuộc" không phải xấu). Nhưng trước khi đưa ra lựa chọn, tôi muốn bạn cùng trả lời câu hỏi sau: “Điều gì sẽ không khiến ta hối hận sau này?”.

“Hạnh phúc là hành trình, không phải đích đến.”

Tại sao không là cả hai?

Phúc Hiệp