Dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm: Vẫn nhận là dinh dưỡng phù hợp người già, trẻ em

Dù bị công bố dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắmCông ty Hòa Hiệp đã từng được quảng cáo, giới thiệu rằng nước mắm của mình là hàng chất lượng cao, phù hợp với người già, trẻ em.
Mới đây, Thanh tra Bộ NN-PTNT vừa công bố báo cáo kết quả thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.
 
Trong số doanh nghiệp bị phát hiện dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp được biết đến với khá nhiều thông tin công bố công khai. Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này thành lập từ năm 1992, do bà Đặng Thị Hồng làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề trong đó có ngành nghề chính là chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.
 
Công ty Hòa Hiệp quảng cáo nước mắm của mình an toàn.
 
Doanh nghiệp này có một cơ sở sản xuất ở ấp Thủy Thuận (An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long), một kho ủ cá ở ấp An Thành (An Bình, Long Hồ, Vĩnh Long). Ngoài ra doanh nghiệp này có văn phòng đại diện tại 138/8 Trương Công Định (phường 14, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và nhà phân phối nước mắm tại miền Bắc ở số 23 ngách 32/15 phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội).
 
Mặc dù dùng hóa chất công nghiệp trong quá trình sản xuất, bị bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng nước mắm bán thành phẩm sang thành thức ăn chăn nuôi, nhưng trên một chương trình truyền hình của kênh THVL2, đại diện doanh nghiệp này đã từng tuyên bố rằng do áp dụng công nghệ mới nên đã nâng cao chất lượng và hạ được giá thành sản phẩm.
 
Không chỉ vậy, đại diện doanh nghiệp này còn khẳng định sản phẩm của công ty mình có chất lượng cao, phù hợp với những người có thể trạng sức khỏe đặc thù như trẻ em và người cao tuổi, thích hợp cho việc nêm vào cháo dành cho trẻ em. Trên trang web của mình, doanh nghiệp này cũng đã trưng ra rất nhiều giải thưởng, bằng khen và khẳng định sản phẩm của mình đạt chất lượng TCVN ISO 22000:2008.
 
Phiếu kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm của các doanh nghiệp nước mắm.
 
Mới đây, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Liên Thành (ấp 4, Xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã lên tiếng kêu 'oan' và cho rằng truyền thông đưa tin sai lệch. Doanh nghiệp khẳng định mình không liên quan đến việc sử dụng hóa chất tẩy rửa nhưng đã bị đánh đồng với 3 doanh nghiệp còn lại.
 
Sáng 14/1, trao đổi với PV, đại diện Công ty cổ phần CB THS Liên Thành cung cấp một số giấy tờ liên quan đến "Quyết định xử phạt hành chính" của Thanh tra Bộ NN&PTNT để chứng minh không liên quan đến vụ việc dùng soda công nghiệp sản xuất nước mắm.
 
Cụ thể, Công ty Liên Thành bị xử phạt hành chính với lỗi vi phạm: “Tại khu sản xuất nước mắm của Phân xưởng 4 có khu xử lý nước thải bị ứ đọng (cống rãnh bị ngập nước thải), không được che kín”- Quyết định xử phạt hành chính đối với công ty cổ phần CB THS Liên Thành được Thanh tra Bộ NN&PTNT kí ngày 8/8/2019.
 
Cũng trong “Quyết định xử phạt hành chính”, Cty Liên Thành bị phạt với tổng số tiền là 6.000.000 đồng. Theo đó, Công ty Liên Thành không liên quan đến vi phạm sử dụng chất cấm NA2CO3 (soda công nghiệp) trong quá trình sản xuất nước mắm.
 
Theo thông tin giới thiệu trên website của doanh nghiệp, công ty này có nhiều cơ sở ở TP Hồ Chí Minh, có lịch sử hơn 100 năm và sản xuất nhiều mặt hàng từ nước mắm.
 
Doanh nghiệp này sản xuất và phân phối ra thị trường hàng chục loại nước mắm với rất nhiều nhãn hiệu từ cao cấp đến bình dân như: Nước mắm Cốt Nhỉ Tự Nhiên, Nước mắm Nhãn Ngọc, Nước mắm Nhãn Vàng, Nước mắm Nhãn Bạc, Nước mắm Nhãn Đồng, Nước mắm 120g Protein/lít, Nước mắm 20 độ đạm, Nước mắm Nhãn Đỏ. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sản xuất sản phẩm quà Tết như: Hộp Quà Cốt Nhỉ Tự Nhiên, Hộp Quà Nhãn Ngọc, Hộp Quà Nước mắm Chay,..
Công ty Liên Thành công khai trên trang web của mình các chứng nhận chất lượng sản phẩm.
 
Công ty TNHH Một Thành Viên Điều Hương có địa chỉ tổ 11, ấp Hòa Phú 1, Thị trấn An Châu, Huyện Châu Thành, Tỉnh An Giang. Người đại diện pháp luật là Lê Văn Điệp. Theo giới thiệu hồ sơ công ty, ngành nghề chính của doanh nghiệp này là chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản (chính), bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống; bán buôn thực phẩm; nuôi trồng thuỷ sản nội địa, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Tại Công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang), đoàn thanh tra phát hiện doanh nghiệp này sử dụng nước bột ngọt Vedan có độ a xít cao và bột soda (Na2CO3) để sản xuất nước mắm bán thành phẩm. Nước mắm bán thành phẩm của công ty này có mùi chua, màu nâu đen và vẩn đục.
 
Tại Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (tại Tổ 1, ấp Tân Đông, Tân Quới, Bình Tân, Vĩnh Long), đoàn thanh tra phát hiện tại khu vực các bể dịch đạm có 1 gian nhà kho chứa 345 bao soda loại 50kg. Theo đó, doanh nghiệp này có tên giao dịch là Tan Phat Foods Limited Company, đăng ký kinh doanh năm 2013, do ông Mạch Quốc Cường (trú tại số 1705 tổ 4, khóm 3, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản là ngành chính.
 
Cổng công ty Hòa Hiệp (ảnh internet).
 
Theo quy định, hóa chất soda (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp (không có trong danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để chế biến nước mắm bán thành phẩm tại một số doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất nước mắm). Tổng lượng soda bị thu dữ ở các cơ sở trên là 48 tấn. Thanh tra Bộ NN-PTNT đã ra quyết định xử phạt 4 công ty có vi phạm trên với số tiền là 782 triệu đồng đồng thời buộc 4 công ty này chuyển đổi mục đích sử dụng với nước mắm bán thành phẩm vào làm thức ăn cho gia súc.
 
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với đại diện các doanh nghiệp bị công bố như trên qua các số điện thoại công bố trên trang thông tin doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp này không hề có phản hồi nào.
 
Thanh Bá - Tường Vũ