Thực tế, trước đây hai thành phố này đã áp dụng nhiều biện pháp bằng quyết định hành chính hay pháp luật để ngăn chặn làn sóng di cư vào nội đô tuy nhiên không có kết quả. Do đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng nên áp dụng rào cản kỹ thuật.

Báo Thanh Niên dẫn lời GS lý giải, rào cản kỹ thuật ở đây tức là áp mức thuế cao lên người dân để những người sống ở TP.HCM và Hà Nội phải có thu nhập cao mới "trụ" được. Còn hiện tại người dân nhiều địa phương vẫn đổ về hai thành phố này và sống theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.
GS Đặng Hùng Võ nói, với tốc độ hiện tại, dân số Hà Nội, TP.HCM sẽ tăng lên 40 - 50 triệu người nhanh chóng mà không cách gì cản được. Và dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư.
Theo số liệu mới nhất được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 hôm 11/7, tính đến thời điểm ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam là hơn 96,2 triệu người. Trong số này, dân số ở thành thị gần 33,1 triệu người; ở nông thôn là 63,1 triệu người.

Số liệu này cũng công bố dân số Hà Nội là 8,05 triệu dân; TP HCM có 8,99 triệu dân. Mật độ dân số năm 2019 ở TP.HCM là 4.363 người/km2, còn Hà Nội là 2.398 người/km2. TP.HCM và Hà Nội đang là địa phương có dân số đông nhất cả nước cũng tạo ra những áp lực nhất định về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước có gần 26,9 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu so với năm 2009. Dù vậy con số này cho thấy tỷ lệ tăng quy mô hộ gia đình thấp nhất trong vòng 40 năm qua.
Đáng nói, trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, có tới 4.800 hộ không có nhà ở; tức là trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở.