Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc tặng ấm chén cho người dân chưa hẳn ý nghĩa. TP. Hải Phòng nên xem xét làm những việc thiết thực như trồng cây xanh..
Sáng ngày 28/2 vừa qua, tại kỳ họp bất thường HĐND TP Hải Phòng khóa 15 nhiệm kì 2016-2021, TP Hải Phòng đã quyết định chi tiền mua quà tặng cho mỗi hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, hiện đang sinh sống trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Theo đề xuất của UBND thành phố, hiện có 644.324 hộ gia đình đạt đủ các điều kiện trên. Những hộ này sẽ nhận được quà tặng là hiện vật trị giá khoảng 500.000 đồng/suất gồm 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc. Tổng kinh phí dự kiến để mua số quà tặng này là 269 tỷ đồng. Thời gian tặng quà bắt đầu từ tháng 5/2020 và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2020. Riêng cờ Tổ quốc sẽ được trao tặng cho người dân trước ngày kỷ niệm 65 năm Giải phóng Hải Phòng 13/05/2020.
Nên làm những việc ý nghĩa hơn
Ngay sau khi được đưa ra, nghị quyết của TP Hải Phòng đã được chia sẻ rộng rãi, trở thành chủ đề bàn luận trên nhiều diễn đàn. Bên cạnh đa số ý kiến của người dân khen ngợi việc tặng quà này là ý nghĩa và bày tỏ mong chờ được nhận món quà này thì cũng có không ít phản đối, cho rằng việc dùng hàng trăm tỷ đồng để mua ấm chén là lãng phí và TP Hải Phòng nên cân nhắc chi tiêu khoản thiền này theo cách hợp lý hơn để vừa thiết thực, vừa tiết kiệm.
Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng
Bày tỏ quan điểm về việc Hải Phòng tặng quà cho người dân từ góc nhìn của một chuyên gia chính sách công, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (NCCS & PTTT) thẳng thắn nên quan điểm, Hải Phòng cần cân nhắc lại vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, trong một dịp kỷ niệm vui thì việc thành phố chi tiền làm điều gì đó cho người dân là hợp lý, không ai phản đối cả. Việc HĐND thành phố quyết định "xuống tiền" cũng là hợp pháp vì đây chính là đai diện cho người dân. Nhưng việc chi tiền để mua ấm chén cho người dân "như thời bao cấp" đã thực ý nghĩa hay chưa? Trong khi với số tiền đó, Hải Phòng nhưng vẫn có thể làm được nhiều việc thiết thực cho dân hơn.
"Hải Phòng về mặt bằng chung tuy 'giàu' so với nhiều tỉnh khác, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều hộ nghèo, nhiều gia đình còn vất vả mưu sinh. Và hạ tầng phục vụ xã hội, sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho người dân vẫn chưa phải là tốt", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đồng.
Ông Đồng gợi ý, với số tiền ấy, Hải Phòng có thể xem xét biến một con kênh ô nhiễm nào đó thành công viên hay không gian công cộng cho dân. Hoặc thành phố có thể chọn một loại cây đặc trưng để trồng "65 nghìn cây" (tương ứng với 65 năm ngày giải phóng) để trồng trên khắp các con đường, ngõ xóm... trong dịp kỷ niệm đặc biệt này. Thậm chí có thể triển khai chương trình này về các trường học, mỗi em học sinh sẽ chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc một cây xanh. Như vậy, không những thành phố sẽ xanh hơn, sạch hơn mà "di sản" ấy sẽ kéo dài cho đến 100 năm, 200 năm, người dân có lẽ sẽ hài lòng hơn.
Dư luận chưa quên dự án nhạc nước 200 tỷ đồng ở hồ Tam Bạc, Hải Phòng khiến người dân bức xúc, lãnh đạo bị kỷ luật. Ảnh: Tuổi Trẻ
Nên tập chung vào công tác chống dịch COVID-19
Bàn về vấn đề Hải Phòng dự chi 269 tỷ để mua ấm chén tặng người dân, nhiều chuyên gia cho rằng nếu túi tiền ngân sách dư dả, người dân có chất lượng cuộc sống tốt thì việc tri ân là nên làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang là mối lo ngại lớn với người dân, nguồn thu ngân sách đang sụt giảm, doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, một món quà như vậy là không phù hợp.
TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế nêu quan điểm trên báo Thanh Niên: "Hiện Hải Phòng vẫn còn hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn. Cơm chưa đủ ăn, nói gì đến dùng ấm chén được tặng để pha trà uống nước hay giữ làm kỷ niệm"; "Có chắc người dân mong muốn như vậy không. Nên dừng lại, để dành tiền đó bổ sung ngân sách ưu tiên chống dịch thì hơn. Hoặc hỗ trợ người bệnh, người bị mất việc làm, người nghèo; xây trường học, bệnh viện, công viên ý nghĩa hơn rất nhiều".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng thư ký, Phó chủ tịch của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng chung quan điểm, cho rằng quyết định tặng quà như Hải Phòng là quá phô trương: "Không chỉ Hải Phòng mà năm nay cả nước có rất nhiều sự kiện lớn. Song diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp, ngân sách khó khăn, nên ưu tiên chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp người dân nghèo... Đó mới là chủ trương sáng suốt, hợp lòng dân nhất", bà Lan nêu quan điểm.
ĐBQH Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng đồng tình với quan điểm trên khi nhận định rằng: "Việc tặng quà của Hải Phòng, tiền trích từ khoản chi thường xuyên cũng là tiền ngân sách. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thiệt hại nặng vì dịch COVID-19, theo tôi nên cân nhắc thật cẩn trọng. Chi như vậy sẽ rất lãng phí".
Phiên họp thường kỳ UBND thành phố diễn ra ngày 3/3. Ảnh: Tuổi Trẻ
Chính Phủ nói gì? Liên quan đến vấn đề lãnh đạo TP Hải Phòng thông qua chủ trương trích 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng người dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng, tại phiên họp báo chiều 3/3, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: "Về thẩm quyền, theo Luật Ngân sách nhà nước thì UBND, HĐND thành phố Hải Phòng có thẩm quyền quyết định chi khoản tiền đó. Nhưng đúng là trong điều kiện hiện tại, TP Hải Phòng cũng nên rà soát lại các khoản chi. Vì đây là tiền thuế tiền của dân, do đó cần chi tiêu trên tinh thần đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả, nhất là thực tế vẫn có nhiều việc cần phải làm". Theo Bộ trưởng, đây mới là đề án đưa ra và chưa chi, Văn phòng Chính phủ sẽ trao đổi thêm với TP Hải phòng để rà soát cân nhắc lại. |
Chính quyền TP Hải Phòng nói gì? Tại buổi họp thường kỳ UBND TP Hải Phòng vào sáng 3/3, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, việc tặng quà cho người dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng giá trị mặt vật chất chỉ là phần nhỏ, phần lớn là thể hiện sự gắn bó, tình cảm, trách nhiệm của chính quyền với dân; hướng tới sự đồng thuận trách nhiệm ở cả chính quyền và nhân dân thành phố trong chặng đường sắp tới. Giá trị mà lãnh đạo TP Hải Phòng muốn hướng tới là sự biết ơn của Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng với người dân. Về một số ý kiến cho rằng việc tặng quà là lãng phí, ông Bình cho biết: "Chúng ta có nghiên cứu, có tổng kết, nhìn nhận cả quá trình của thành phố trong nhiều năm, trên cơ sở tham mưu của các cơ quan Trung ương. Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp và thảo luận, trình các cơ quan có thẩm quyền của HĐND thành phố về vấn đề này. HĐND thành phố xem xét và biểu quyết theo thẩm quyền. Trong quá trình chuẩn bị, TP Hải Phòng thành lập một tổ công tác khảo sát thực tiễn, xem xét đánh giá để chọn được mặt hàng có ý nghĩa nhất, phù hợp với số đông là hàng Việt Nam chất lượng cao và giá cả phù hợp". Đáp trả những ý kiến cho rằng thành phố không dành nguồn tiền đó để xây dựng công trình công cộng, chia sẻ khi cả đất nước đang căng mình đối phó dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Bình khẳng định thành phố đã làm rất trách nhiệm trong thời gian qua. "Những kết quả về phòng chống dịch của Hải Phòng đã được thể hiện rất rõ nên tôi xin không nêu lại mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng thành phố luôn quan tâm, triển khai từng phần việc một với lộ trình có kế hoạch, căn cứ tiềm lực cụ thể chứ không bộc phát". Trước đó, trao đổi với phóng viên Tri Thức Trực Tuyến, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng cho biết công trình phúc lợi TP không phải không quan tâm, về công tác chống dịch, Hải Phòng cũng đã phát miễn phí khẩu trang cho toàn bộ học sinh. |
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/04/Ong-Nguyen-Quang-Dong-Hai-Phong-nen-trong-65-000-cay-xanh-thay-vi-tang-am-chen-va-co-cho-nguoi-dan_04032020170327.mp4[/presscloud]
Lãnh đạo Hải Phòng lý giải việc chi 269 tỷ đồng tặng quà cho người dân
Kiều Đỗ (t/h)