Hiến tạng cứu người: Cho sự sống nối dài

Trong khi nhu cầu người bệnh cần cấy ghép mô, tạng rất lớn nhưng số người đồng ý hiến tạng lại hạn chế.

Từ năm 1992 đến nay, sau khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Quân y 103, chúng ta đã làm chủ các kĩ thuật ghép tạng phức tạp hơn rất nhiều như tim, gan, phổi…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu nguồn tạng hiến. Một thực tế đau lòng xảy ra là mỗi năm chúng ta có khoảng gần 10.000 chết do tai nạn giao thông, ở các bệnh viện ngoại khoa hầu như ngày nào cũng có người chết, chết não xin về.

 Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế)
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, nhu cầu ghép mô, tạng là rất lớn nhưng cho đến giờ phút này ở Việt Nam mới có chưa đầy 30 người hiến tạng chết não. Qua đó cho thấy, rất nhiều người không may qua đời nhưng chưa sẵn sàng trao lại một phần cơ thể để cứu sống đồng loại và cũng là cách để tiếp tục hiện hữu trong cuộc đời, làm cho sự sống được nối dài.
 
Chia sẻ thêm về việc hiến mô, tạng, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết giác mạc có thể tiếp nhận sau khi người hiến qua đời hoặc chết não. Vì thế, khi người hiến tạng trút hơi thở cuối cùng trong vòng 8 tiếng hoàn toàn có thể tiếp nhận được giác mạc và các mô khác như: da, gân, xương… Nhưng đối với các tạng khác như: tim, gan, thận, phổi… chỉ có thể tiếp nhận khi người hiến tặng chết não.

Một người khi còn sống có thể hiến một quả thận, một lá phổi hoặc 1 phần lá gan. Nếu chết não thì có thể hiến được tất cả các mô, tạng còn lại như: tim, gan, thận, phổi, tuỳ, ruột, tử cung, da, gân, xương, giác mạc, mạch máu….

Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) chia sẻ thêm, về nguyên tắc mọi trường hợp hiến tặng mô, tạng khi còn sống phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, sức khoẻ mới được phép hiến tặng mô, tạng. Vì thế, trước khi hiến tặng mô, tạng người hiến tặng phải được kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, chi tiết, tuyệt đối về các chỉ số y- sinh học nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người hiến. Trong mọi trường hợp nếu có bất kì yếu tố nào nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ đều được đánh giá và dừng việc hiến tặng mô, tạng ngay lập tức.

Ví dụ về điều này, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, cách đây không lâu có một nhà sư tình nguyện hiến tặng một quả thận cho người vô danh không quen biết qua Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tuy nhiên qua xét nghiệm, đánh giá các chỉ số có liên quan, tại thời điểm đó phát hiện nhà sư có nguy cơ tiền tiểu đường.

"Về mặt lý thuyết, tại thời điểm đó hoàn toàn có thể tiếp nhận một quả thận hiến của nhà sư nhưng về lâu dài, nếu nguy cơ tiểu đường đó biến thành tiểu đường thật thì sẽ ảnh hưởng đến quả thận còn lại. Vì thế chúng tôi đã không thể tiếp nhận quả thận hiện tặng của nhà sư đó vì một lẽ đơn giản cần phải bảo vệ tối đa về tính mạng, sức khoẻ cho người hiến", ông Phúc nói.

Chia sẻ về nguyên tắc đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe cho người hiến tạng, ông Phúc cho biết, ngay cả trường hợp nếu người hiến thận đầy đủ các chỉ số về sức khoẻ thì khi lấy thận hiến, cán bộ y tế luôn giữ lại quả thận tốt hơn (thường trong hai quả thận sẽ có một quả thận có chỉ số kém hơn). Trong mọi trường hợp cần phải quan tâm đến người hiến hơn so với người nhận. Đó cũng là nguyên tắc về y đức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Ông Phúc chia sẻ thêm: Tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều khẳng định việc hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, hết sức nhân văn. Bất kỳ  ai cũng nhận thức được điều đó khi họ đặt bút ký vào đơn hiến tạng.  

Để việc hiến tạng được nhiều người dân nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, hiểu biết hơn về nghĩa cử cao đẹo của việc hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, theo ông Phúc, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng sâu rộng trong toàn quốc.

Từ đó, thay đổi hành vi tiến tới chủ động đăng kí hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Ngoài ra, cũng cần phải trình với Quốc hội sửa đổi hệ thống pháp luật về Hiến ghép mô, tạng để mở rộng hình thức đăng kí khả thi hơn như: đăng kí qua việc cấp bằng lái xe, đăng kí cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, cũng cần phải điều chỉnh quy định mở rộng biên độ về độ tuổi hiến tặng mô,tạng cho những người không may chết não, quy định về chế độ, chính sách cho hoạt động tổ chức, điều phối hiến tặng mô, tạng; chế độ cho người hiến tạng để bảo đảm nguyên tắc tự nguyện và cơ chế chăm sóc, phục hồi sức khoẻ khả thi sau khi hiến tạng…

 

>>> Xem thêm: Trải lòng của chàng trai Hà Tĩnh hiến tạng ở tuổi 27: Có thể cứu người, cớ sao không làm?