Cần xác định kẻ phát tán clip nhằm mục đích gì?

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, việc kẻ gian truy cập trái phép vào hệ thống camera tại nhà riêng của ca sĩ Văn Mai Hương rồi phát tán lên mạng xã hội được xem là hành vi truy cập trái phép vào hệ thống thông tin, thư tín, điện tín của người khác, hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư cá nhân. Các hành vi này vi phạm điều cấm quy định tại điều 8, điều 17 và điều 18 của luật an ninh mạng.
Luật sư Cường nhấn mạnh, vụ việc xảy ra với ca sĩ Văn Mai Hương là vô cùng nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Nạn nhân hoàn toàn có quyền làm đơn trình báo đến cơ quan công an để được xem xét giải quyết, xử lý đối tượng phát tán thông tin hình ảnh này theo quy định của pháp luật về các tội danh như: Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS, Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS hoặc Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 BLHS và Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS”, Luật sư Cường cho hay.

Trong trường hợp nữ ca sĩ xác định có người vì thù ghét, mâu thuẫn mà đã đánh cắp, chiếm đoạt thông tin cá nhân rồi phát tán lên mạng xã hội để làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm mình thì kẻ gian có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại điểm e, khoản 2, điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.
Nếu hành vi làm nhục người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát hoặc rối loạn tâm thần đến 61% thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự đến 05 năm tù.
Truy cập trái phép hệ thống camera an ninh tại nhà riêng đã có thể ngồi tù
Theo Luật sư Cường, chỉ riêng hành vi truy cập trái phép vào hệ thống camera an ninh tại nhà riêng của nữ ca sĩ, kẻ gian đã vi phạm quy định chiếm quyền quản trị của người khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc xâm nhập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác để chiếm quyền điều khiển, đánh cắp dữ liệu. Đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tiền có thể đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi truy cập trái phép vào máy tính, phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp dữ liệu dù chưa phát tán lên mạng xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng thì theo quy định tại khoản ba điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù có thể lên đến 5 năm.
Tuy nhiên, Zing.vn dẫn lời luật sư Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc áp dụng để khởi tố hình sự hay phạt hành chính đều phải xét về tính chất, mục đích và hậu quả thiệt hại do các hành vi đó gây nên. Bởi lẽ, với từng vụ việc, hậu quả thiệt hại (nếu có) và bản chất, mục đích của những người phạm tội là khác nhau.
Trong trường hợp này, luật sư cho rằng ca sĩ Văn Mai Hương nói riêng hay bất cứ nạn nhân nào khi rơi vào tình huống này cần khẩn trương có đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi phát tán clip, hình ảnh.
Theo luật sư Đức, hành vi phát tán clip riêng tư dù là của bất kỳ cá nhân nào cũng ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của văn hóa xã hội và đặc biệt nó còn tác động nặng nề đến tâm lý của nạn nhân.Việc cần thiết lúc này là sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước nhằm siết chặt quản lý không gian mạng. Mặt khác, cần đề cao việc phát hiện và xử lý mạnh tay, nghiêm trị những hành vi tương tự bằng biện pháp chế tài mạnh mẽ thì mới tránh các sự việc tượng tự lặp lại.