Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 9, cả nước phải chứng kiến 2 vụ thảm sát đẫm máu xảy ra ở Đan Phượng (Hà Nội) và Thái Nguyên. Các vụ thảm sát này đều xuất phát từ mâu thuẫn về lợi ích trong gia đình.
Sát thủ cũng từng “lành như đất”
Hôm 1/9, dư luận cả nước ngỡ ngàng khi biết vụ thảm sát cả nhà em trai ở Đan Phượng (Hà Nội) bắt nguồn từ viêc tranh chấp 0,5 mét đất giáp danh. Mâu thuẫn, bức xúc kéo dài nhiều ngày đã khiến Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vác dao sang nhà em trai ruột truy sát 5 người, trong đó có 3 phụ nữ và một bé gái. Hậu quả khiến 4 người tử vong.
Hung thủ Nguyễn Văn Đông trong vụ thảm sát cả nhà em ruột vì tranh chấp nửa mét đất giáp danh
Và hôm qua (tối 14/9), người dân Thái Nguyên “sốc” khi chứng kiến cảnh anh trai dùng dao truy sát cả nhà em do mâu thuẫn tiền bạc. Theo đó, khoảng 18h30, ông Bùi Xuân Hồng (63 tuổi, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) dùng dao truy sát cả nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (60 tuổi, trú tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên). Dưới lưỡi dao oan nghiệt của anh trai, bà Hà tử vong. Chồng và con rể bà Hà bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên.
Từ hai vụ án gây rúng động trên, dư luận băn khoăn: “Chẳng nhẽ tình ruột thịt không bằng nửa mét đất, không bằng 3 tỷ? Trả lời câu hỏi này, luật sư Đặng Văn Cường (trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ thảm sát từ những người ruột thị trong gia đình, cũng có thể gọi là “huynh đệ tương tàn” như Đan Phương (Hà Nội) hay ở Thái Nguyên... Các đối tượng gây án đều có nhân thân tốt, thậm chí “có học”, từng có địa vị xã hội và cũng đều ở tuối ngũ tuần chứ không phải dạng côn đồ, hung hãn, coi thường, bất chấp pháp luật”.
Vậy, nguyên nhân vụ thảm sát đẫm máu xuất hiện do đâu? Theo luật sư Cường, cái ác không hẳn là bản tính, cũng không phải vì thiếu giáo dục... Nó xuất hiện do tích tụ từ những suy nghĩ tiêu cực, từ những suy nghĩ về lòng tham và tính ích kỷ. Trong những vụ án như vậy thì mâu thuẫn không phải là nhất thời, nó diễn tra trong thời gian dài, liên tục.
Hung thủ Bùi Xuân Hùng trong vụ sát hại cả nhà em gái vì nợ tiền
“Những mâu thuẫn cứ diễn ra (có thể vì tiền bạc, có thể vì đất đai, tài sản, cũng có thể là quan điểm về đạo đức, ứng xử với anh, em, cha mẹ trong gia đình...) xuất phát từ mối quan hệ tình cảm hoặc vật chất trong gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù "mạng đổi mạng" và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thời cơ chín muồi, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ suốt một thời gian dài gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ và từ một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai cản bước mình, kể cả đó là anh, em ruột thịt... mối thù sẽ dẫn dắt con người đó đến hành động trả thủ man rợ”, luật sư Cường phân tích.
Còn dưới góc độ tâm lý học tội phạm, khi thực hiện hành vi tội phạm, hung thủ không nghĩ ngợi được gì nhiều. Hung thủ cũng không phân biệt tình lý, không nể nang tình cảm, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù. Hành động này sẽ rất quyết liệt, bởi hung thủ chỉ mong nhanh chóng kết thúc sự việc bằng những nhát dao chí mạng và sau đó tìm đến cái chết để giải thoát cho cả bản thân.
“Hôm nay là người tốt, ngày mai có thể trở thành tội phạm...”
Theo luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý thì “Tội phạm là Hành vi” nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội chứ “Tội phạm không phải là Con người”. Nghĩa là không có con người sinh ra đã trở thành tội phạm, không có người mãi là tội phạm, luôn thực hiện hành vi phạm tội (hành vi gây nguy hiểm cho xã hội).
“Bởi vậy một người hôm nay là người tốt, ngày mai vẫn có thể trở thành tội phạm nếu như trong một phút giây nào đó cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức nguy hiểm cho xã hội”, luật sư Cường chia sẻ.
Từ vụ các vụ thảm sát gần đây cho thấy mâu thuẫn trong gia đình mà không được giải quyết đúng đắn, kịp thời thì hoàn toàn có thể trở thành những bi kịch "nồi da xáo thịt", "huynh đệ tương tàn" hết sức đau lòng. Sát thủ trong các vụ án này không giống những vụ “cướp – giết” thông thường, không đơn giản vì lòng tham, thói lưu manh, côn đồ bất chấp pháp luật... mà bởi những mâu thuẫn kéo dài khiến rạn nứt, tan vỡ tình anh em. Đối tượng suy nghĩ rằng anh em không bằng người dưng nên càng thêm thù hận... Hung thủ sẵn sàng sát hại bất kỳ ai cản đường, cản bước.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - đoàn luật sư Hà Nội)
Luật sư Cường phân tích, hành vi phạm tội ở mỗi con người do chịu tác động bởi 3 yếu tố cơ bản: Nhân cách, cảm xúc của đối tượng và thực tại khách quan - sự tương tác giữa đối tượng phạm tội với hoàn cảnh, môi trường xã hội. Đặc điểm giáo dục, hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội trong suốt một thời kỳ tuổi trẻ sẽ hình thành nên nhân cách nhưng không phải tất cả những người có nhân cách tốt, được giáo dục tốt sẽ không trở thành tội phạm.
Về tội danh và chế tài của pháp luật: Với hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao nhọn tấn công vào những vùng trọng yếu, hành động quyết liệt nhằm sát hại nhiều người thì chắc chắn rằng đối tượng sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết nhiều người. Bởi vây, hình phạt mà đối tượng phải đối mặt sẽ là khung hình phạt cao nhất: từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Việc quy định hình phạt đối với Nguyễn Văn Đông (Đan Phượng, Hà Nội) hay Bùi Xuân Hồng (Thái Nguyên) còn phụ thuộc vào tội danh cả hai đối tượng bị truy cứu. Ngoài ra, còn căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/15/ls-dang-van-cuong-phan-tich-ve-cac-vu-tham-sat-gan-day-mau-thuan-tich-tu-thi-thu-tinh-se-noi-day_15092019145028.mp4[/presscloud]
Chủ tịch xã Hồng Hà (Đan Phượng) nói về vụ anh trai truy sát cả nhà em ruột
Thu Nga