LS Diệp Năng Bình: Viwasupco vô cảm, thiếu trách nhiệm trầm trọng

Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, Viwasupco biết nước bẩn mà vẫn cấp nước về Hà Nội thể hiện sự vô cảm, coi thường tính mạng người dân.
Những ngày qua, hàng nghìn hộ dân Hà Nội lo lắng về việc nước sinh hoạt từ nhà máy nước sạch sông Đà có mùi lạ, mùi khét và nhớt rất khó chịu. Đến thời điểm hiện tại, các hộ dân trong vùng nước bị nhiễm dầu phải mua nước đóng bình về ăn uống, tắm giặt, thậm chí phải tận dụng nước sinh hoạt để xả bồn cầu. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng, siêu thị rơi vào tình trạng “cháy” nước đóng bình.
 
Liên quan đến sự việc trên, sáng 15/10, Chủ tịch TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiệu dầu thải nhưng không ai báo cáo, không ngăn dầu tràn vào nước.
 
LS Diệp Năng Bình: Với hành vi vô cảm của mình, Viwasupco có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Một đoạn kênh dẫn nước nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu thải
 
Cùng ngày, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng giám đốc Viwasupco thừa nhận, dù biết nước bị ô nhiễm song đơn vị vẫn cung cấp nước cho người dân ngay cả khi “trong thâm tâm 80% muốn dùng cấp nước”.
 
Còn theo trả lời của ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường): Báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho thấy, người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến vào tối ngày 8/10. Sau đó trên địa bàn có mưa lớn dẫn đến dầu tràn xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan ra kênh dẫn nước ở nhà máy nước sạch sông Đà.
 
Sau khi thông tin được báo chí truyền tải, nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: Khi biết nước bị nhiễm dầu thải, Viwasupco vẫn cố tình cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng, vậy công ty có phải chịu trách nhiệm hình sư không? Liên quan đến vấn đề này, VTC New đã có buổi trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh). Theo quan điểm của luật sư Bình, việc Viwasupco viết nước bẩn mà vẫn cung cấp nước về Hà Nội thể hiện sự vô cảm, coi thường mạng sống của người dân.
 
“Khi phát hiện sự cố thì việc ngừng cung cấp nước là quan trọng nhất. Bởi nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng con người, thế nhưng tôi không hiểu vì sao Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà vẫn sản xuất và cung cấp nước cho người dân Thủ đô. Theo tôi đó là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe của người dân”, luật sư Bình nhận định.
 
LS Diệp Năng Bình: Với hành vi vô cảm của mình, Viwasupco có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh)
 
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bình cho rằng, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước là hành vi cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những người dân nằm trong vùng nước bị ô nhiễm do dầu thải cũng có thể khởi kiện, yêu cầu Viwasupco bồi thường.
 
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Song theo luật sư Bình, do người dân không ký trực tiếp với Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà nên phải xem xét lại hợp đồng xem đơn vị nào bán trực tiếp nước cho người dân để kiện trực tiếp đơn vị đó.
 
Ngoài ra, theo luật sư Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cũng phải chịu trách nhiệm bởi đây là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó có việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước. Trong vụ việc này, Sở không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện sự cố này. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể không nói Sở TN&MT không có trách nhiệm.
 
Về hình phạt dành cho những kẻ đổ dầu trộm khiến nguồn nước bị ô nhiễm, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm của kẻ đổ trộm dầu mà xử phạt hành chính hoặc xử phạt hình sự.
 
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tội gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng và chịu mức phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tiền từ 1 – 3 tỷ hoặc phạt tù từ 3 – 7 năm. Đối với pháp nhân thương mại tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 – 10 tỷ hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
 
Trước tình trạng nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng từ dầu thải, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân không sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp. “Chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”.

 [presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/16/ls-diep-nang-binh-voi-hanh-vi-vo-cam-cua-minh-viwasupco-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su_16102019152525.mp4[/presscloud]
Nước nhiễm dầu nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào?
 
LS. Diệp Năng Bình