Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12/11, GĐ Sở Tài chính cho biết, người dân sử dụng nguồn nước sạch sông Đuống phải gánh cả chi phí lãi vay 2.003 đồng cho mỗi mét khối.
Được biết, Nhà máy nước mặt Sông Đuống bắt đầu bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm từ năm 2019. Và để mua nguồn nước của đơn vị này, liên ngành TP đã trình UBND TP Hà Nội phương án cấp bù gần 200 tỉ đồng cho phần chênh lệch giá bán buôn. Tháng 7/2017, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký văn bản quy định giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt Sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Việc chấp thuận tạm tính giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống trên cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của UBND TP Hà Nội đang áp dụng. Thậm chí giá ấy còn cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch và cao hơn cả giá thực thu sau khi trừ chi phí khấu hao.
Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Việt Hà. Ảnh Infonet
Trước băn khoăn của báo chí rằng Hà Nội có đang “ưu ái” cho nhà máy nước mặt Sông Đuống không khi mua nước của Công ty này với giá cao hơn so với mức giá Công ty Sông Đà, cao hơn cả mức bán ra; Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, mức giá 10.246 đồng/m3 là chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng được nêu trong văn bản được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký tháng 7/2017. Theo ông Hà, đây là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện đầu tư, không phải là giá bán đến người tiêu dùng hay các đơn vị bán lẻ nước.
Về giá nước sông Đuống cao hơn giá nước sông Đà, ông Hà lý giải, về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Điển hình như công nghệ, chất lượng nguồn nước thô... Và đặc biệt, ông Hà cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%. Và khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước.
Về vấn đề bù lỗ, ông Hà khẳng định đến thời điểm này, TP Hà Nội chưa cấp bù đồng nào từ ngân sách cho công ty sông Đuống. Bởi nhà máy chưa được quyết toán chính thức. Tuy nhiên, việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tới các đơn vị bán lẽ tạm tính là 7.700 đồng/m3.
Theo ông Hà, sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và sẽ xác định được giá thành chính xác của công ty nước mặt sông Đuống.
Nhà máy nước sông Đuống nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trước thông tin người dân phải trả cả tiền lãi cho nhà máy nước sông Đuống, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng đây là việc hết sức phi lý và khó chấp nhận. Theo vị luật sư, tiền lãi này doanh nghiệp phải chịu, tại sao lại tính vào giá thành hàng hóa để người dân phải trả? “Đầu tư dự án như Shark Liên thì nói thật đến anh xe ôm cũng làm được, chứ không cần phải là tập đoàn lớn!”, ông Ứng nhấn mạnh.
Ông Ứng cho rằng, việc đầu tư 5.000 tỷ mà đi vay lãi 4.000 tỷ đồng cho thấy Công ty CP Nước mặt sông Đuống không có khả năng tài chính để làm dự án. Trong khi đó, theo vị luật sư, việc kêu gọi vốn đầu tư ngành nước còn dễ hơn với bất động sản. Bởi việc thành lập dự án làm nước sạch rất dễ kêu gọi vì đầu ra ổn định, nước sạch thì nhà ai cũng phải cần. Bên cạnh đó, bán nước thường được bán độc quyền và giá nước trong tương lai chỉ có tăng lên chứ không giảm.
“Và đặc biệt, dự án này được TP. Hà Nội đứng đằng sau phê duyệt. Vì vậy, rủi ro về đầu tư ngành gần như không có, theo đó việc kêu gọi vốn vay làm dự án nước sạch không hề khó khăn và chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp nào trình dự án cũng được các ngân hàng chấp thuận. Vì vậy, việc doanh nghiệp này đầu tư 5 đồng mà đi vay tới 4 đồng cho thấy họ không có tiềm lực về kinh tế để làm dự án”, ông Ứng nói.
Phạm Ngọc (t/h)