Món ăn bài thuốc chữa bệnh gan nhiễm mỡ

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất với người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Thực đơn của người bệnh cần được theo dõi sát sao để để kiểm soát và ngăn ngừa lượng mỡ trong gan.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan lớn hơn 5% trọng lượng gan. Đây là bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại, và thật nguy hiểm khi bệnh gan nhiễm mỡ diễn biến thành xơ gan, ung thư gan.
 
Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ rất đa dạng. Trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: Uống nhiều rượu bia, béo phì hoặc suy dinh dưỡng, tăng mỡ máu hoặc nhiễm viêm gan virus, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày không hợp lý. Do một số bệnh lý và các tác dụng phụ của thuốc gây ra. Đồng thời nó cũng có nguyên nhân từ yếu tố di truyền gia đình.
 
Gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng ăn gì là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thực tế, bên cạnh việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống sẽ giúp ích rất nhiều trong điều trị căn bệnh này.
 
Mon-an-bai-thuoc-cho-nguoi-benh-gan-nhiem-mo
 

Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

 
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất với bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần có chế độ ăn uống riêng. Cần xây dựng một chế độ ăn có thể kiểm soát và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.
 
Nên ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày.
 
Ăn thực phẩm có chứa đạm phù hợp với khả năng gan của bạn.
 
Ăn thực phẩm chứa ít chất béo.
 
Bổ sung thực phẩm có khả năng làm giảm mỡ như cà chua, diếp cá, đậu nành, đậu hà lan, rau ngót, tỏi và các loại tráu cây như cam, chanh, bưởi…
 
Nên ăn dầu thực vật thay cho các loại mỡ động vật (trừ mỡ cá).

 

Tránh ăn gì khi bị gan nhiễm mỡ?

 
Tránh ăn thực phẩm chứa cholesterol như da động vật, các loại phủ tạng, lòng đỏ trứng.
 
Tránh ăn nhiều chất béo, nhất là các loại mỡ động vật.
 
Tránh dùng các thứ quá cay nóng, kích thích như tỏi, ớt, gừng, hạt tiêu, rượu, cà phê, trà đặc…
 
Không uống rượu bia, thuốc lá.
 

Món ăn bài thuốc cho người gan nhiễm mỡ


Khi phát hiện mắc gan nhiễm mỡ, ngoài việc dùng thuốc điều trị, việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống sẽ giúp ích rất nhiều trong điều trị căn bệnh này. Theo Đông y, có nhiều món ăn bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ rất tốt.
 
Nhộng tằm rang: Vị ngọt mặn, tính bình có công dụng ích tì bổ hư, trừ phiền giải khát. Nhộng có hàm lượng protit cao và nhiều axit amin, có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan. Cách làm khá đơn giản: 500g nhộng, rửa sạch bắc lên chảo rang khô, nêm mắm, muối vừa ăn, lá chanh thái nhỏ cho vào, bắc ra ăn cùng cơm nóng.
 
Mon-an-bai-thuoc-cho-nguoi-benh-gan-nhiem-mo
 
Canh bồ công anh, xương sườn lợn: Xương sườn lợn 200g, lá bồ công anh 70g, gia vị vừa đủ. Xương sườn lợn rửa sạch chặt ra từng khúc, cho nước hầm chín nhừ, cho lá bồ công anh rửa sạch thái ngắn vào, canh sôi đều một lát là được, nêm gia vị vừa ăn. Ăn trong bữa cơm. Công dụng: Bồ công anh thanh nhiệt tiêu độc, giải uất, cải thiện chức năng gan mật, chống tích tụ lipid. Dùng thường xuyên có tác dụng tiêu độc, nhuận gan, lợi mật…
 
Cá diếc nấu canh cần: Cá diếc 1 con khoảng 500g, rau cần 100g, gia vị mắm muối vừa đủ. Cá diếc làm sạch bỏ nội tạng, rán vàng, đổ nước vào đun chín, nêm gia vị. Rau cần rửa sạch cắt ngắn cho vào nồi canh cá, quấy đều là được. Ăn trong bữa cơm. Công dụng: Cá diếc ngon bổ, điều hòa ngũ tạng, cân bằng âm dương. Rau cần tính lưu lợi, chống mỡ máu, xơ vữa mạch, giảm huyết áp, nhuận trường. Những người tăng huyết áp, viêm gan xơ gan, đau tức hạ sườn, da vàng tiểu đỏ, đầy chướng bụng dùng món này rất thích hợp.
 
Mướp đắng xào gan gà: Mướp đắng 120g, gan gà 60 – 70g, gia vị và rau thơm vừa đủ. Mướp đắng bỏ ruột, thái lát mỏng. Gan gà thái lát. Bắc nồi lên bếp, phi hành mỡ cho thơm, cho gan gà và mướp đắng xào chín, cho gia vị, rau thơm. Ăn trong bữa cơm. Công dụng: Gan gà ổn định và điều hòa chức năng gan mật. Mướp đắng thanh nhiệt, thanh thấp giải độc, nhuận gan ninh phế, hòa can, chống tích tụ lipid, chống viêm, chống dị ứng, tăng tiết dịch mật, chứa nhiều vitamin A và C, có tác dụng làm giảm mỡ máu, chống xơ vữa, bền vững thành mạch. Món này thích hợp cho người gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, ăn uống chậm tiêu, sỏi và viêm nhiễm đường tiết niệu.
 
Mon-an-bai-thuoc-cho-nguoi-benh-gan-nhiem-mo
 
Canh đậu xanh, rau má, cà rốt: Đậu xanh xay 50g, củ cà rốt 60g, rau má tươi 70g, gia vị vừa đủ. Đậu xanh xay, cà rốt thái miếng quân cờ, rau má rửa sạch thái ngắn. Hai thứ cho vào nồi, đổ nước nấu thành canh. Khi canh chín nhừ, cho rau má vào một lát là được. Nêm gia vị ăn cùng với cơm trong ngày. Công dụng: Rau má bổ gan, nhuận gan, thanh nhiệt tiêu độc. Đậu xanh mát gan, bổ âm, thanh can hỏa, chống tích tụ lipid. Món này thích hợp cho người viêm gan xơ gan, gan nhiễm mỡ.
 
Canh cá trích, đậu đỏ: Cá trích 250g, đậu đỏ 60g, tỏi, vỏ quýt, đầu hành với mỗi thứ vừa đủ. Cá trích rửa sạch bỏ vảy và nội tạng, cùng đậu đỏ, tỏi, vỏ quýt, đầu hành tiềm với lửa nhỏ cho chín. Dùng canh ăn cá với cơm. Công hiệu: Lợi thấp tiêu thũng giải độc. Thích hợp dùng cho người bệnh gan nhiễm mỡ kèm béo phì hoặc kèm cao mỡ máu.
 
Canh trứng gà và rong biển: Rong biển có nhiều khoáng chất tự nhiên rất tốt cho người bị gan nhiễm mỡ. Khi kết hợp với trứng sẽ tạo nên món ăn vừa đủ dinh dưỡng vừa có khả năng chữa bệnh. Chuẩn bị 10g rong biển khô, 1 quả trứng gà và gia vị vừa đủ. Rong biển ngâm trong nước rồi cho vào nồi nước nấu sôi lên. Tiếp tục cho trứng vào khuấy đều. Cuối cùng nêm nếm gia vị là có thể dùng được.
 
Súp cà rốt rất tốt cho bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ: Bạn có thể tận dụng nguồn dinh dưỡng trong quả cà rốt để tạo thành các món ăn có tác dụng chữa gan nhiễm mỡ khá hiệu quả. Chẳng hạn như cách thực hiện súp cà rốt: Vài củ cà rốt, gạo tẻ, hành tây, nước dùng gà và gia vị. Gạo ngâm khoảng 30 phút cho mềm và để dễ chín nhừ hơn. Làm nóng nồi rồi cho dầu ăn vào khử hành tây. Tiếp tục cho cà rốt và nước dùng vào. Bỏ gạo vào rồi thêm nước vào cho đủ dùng. Nấu đến khi gạo thật nhừ, cà rốt chín thì nêm nếm gia vị là dùng được.
 
Mon-an-bai-thuoc-cho-nguoi-benh-gan-nhiem-mo
 
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh gan nhiễm mỡ, người dân cần đi khám bệnh định kỳ để phát hiện kịp thời. Đồng thời, khi bị bệnh cần điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự động bỏ thuốc, thay thuốc hoặc thay liều lượng điều trị. Ngoài ra, để cơ thể khỏe mạnh cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cho cơ thể hàng ngày, có lối sống lành mạnh. Ăn đầy đủ, cân đối, đa dạng 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất...
 
 
Nguyễn Dung (t/h)