'Nếu bỏ thi THPT quốc gia sẽ phải sửa luật Giáo dục'

Admin
Thi THPT quốc gia vẫn là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp đối với học sinh, theo Luật Giáo dục. Do đó, ThS Lưu Đức Quang cho rằng, nếu muốn bỏ thi THPT quốc gia do dịch COVID-19 thì sẽ phải sửa luật.
Mới đây, theo thông tin trên báo Tiền Phong, Cục Quản lý Chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng một số "kịch bản" khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
 
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của Bộ GD&ĐT, hiện Bộ đang xây dựng phương án thi THPT quốc gia với 2 kịch bản được cân nhắc.
 
Kịch bản thứ nhất là nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà chỉ tổ chức xét tốt nghiệp THPT. Kịch bản thứ hai là nếu dịch kết thúc như dự kiến, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.
 
Trước đó, khi tình hình dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã phải 2 lần điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học. Theo đó Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020 tới trước ngày 15/7 và kỳ thi THPT quốc gia tổ chức từ ngày 8-11/8.
 
Nếu bỏ thi THPT quốc gia sẽ phải sửa luật Giáo dục
Theo khung kế hoạch năm học mới nhất, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức từ 8-11/8
 
Đến thời điểm hiện tại, rất khó có thể xác định được thời gian dịch bệnh kết thúc, không loại trừ khả năng dịch bệnh còn kéo dài, do đó dư luận xôn xao rất có thể sẽ phải bỏ thi THPT quốc gia như kịch bản thứ nhất của Bộ GD&ĐT. Về vấn đề này, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, nếu phải bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì sẽ phải sửa cả luật Giáo dục.
 
Cụ thể, dù theo Luật Giáo dục hiện hành hay Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7 tới thì thi THPT quốc gia vẫn là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp đối với học sinh.
 
Nếu muốn hủy kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ trình, tham mưu phương án bỏ thi lên Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội họp để sửa luật Giáo dục.
 
"Chúng ta phải đặt vấn đề trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, giáo dục sẽ được vận hành như thế nào, thi cử ra sao, học trực tuyến thế nào. Tôi nghĩ phải có một chương trong luật giáo dục để quy định về những vấn đề này", Thạc sĩ Lưu Đức Quang nhận định.
 
Cũng theo ông Lưu Đức Quang, trong bối cảnh hiện nay, dù chọn phương án nào cũng đều có ảnh hưởng và thiệt hại, không có phương án nào hoàn hảo. Bộ GD&ĐT phải chọn phương án ít thiệt hại nhất.
 
Việc bỏ thi THPT chỉ là một phương án, phương án khác vẫn là tổ chức thi và đến thời điểm này vẫn có tính khả thi.
 
Nếu thời gian tới học sinh vẫn chưa thể trở lại trường, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục lùi thời gian tổ chức thi một cách linh hoạt, chấp nhận khóa học sinh lớp 12 thi muộn, vào đại học muộn hơn; trường đại học sẽ dùng học kỳ hè để bù đắp cho khoảng thời gian thiếu hụt do nhập học muộn.
 
Thạc sĩ Quang cho rằng Bộ GD&ĐT nên nhanh chóng bàn bạc, quyết định phương án ít thiệt hại và bắt tay vào chuẩn bị, triển khai: "Tôi nghĩ vẫn nên ưu tiên việc lùi thời gian thi THPT quốc gia".
 
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Lưu Đức Quang, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, nhận định, vẫn có thể tổ chức thi THPT quốc gia. Trong thời gian nghỉ bấy lâu nay, các trường vẫn tiến hành dạy, ôn tập bằng hình thức online cho học sinh, dù không hiệu quả bằng dạy trực tiếp.
 
"Nếu hết tháng 4, học sinh cả nước trở lại trường, vẫn đảm bảo thời gian thi THPT quốc gia ngày 8/8. Chúng ta còn tháng 5, 6, 7 để dạy và học đủ chương trình đã tinh giảm. Căn cứ nội dung tinh giảm, đề thi minh họa Bộ GD&ĐT đã công bố, tôi nghĩ có thể tổ chức thi, không quá sức với học sinh. Thậm chí, nếu nghỉ đến nửa đầu tháng 5, mọi thứ vẫn đảm bảo", báo Zing dẫn lời ông Tân.
 
Sự thay đổi trong vội vã, chuẩn bị không chu đáo sẽ không tốt, ông Tân cho rằng nên có thời gian chuẩn bị một phương án áp dụng cho lâu dài thay vì năm nay xét tốt nghiệp rồi các năm sau lại đổi phương án.
 
Khoản 3, điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT, được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
 
Khoản 3, điều 34 của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
 
 
 
Kiều Đỗ (t/h)