Về miền Tây hỏi thăm vợ chồng chú thím Việt ai cũng biết, thậm chí có thể kể vanh vách về hoàn cảnh cũng như chuyện tình yêu không tuổi tác: chồng 50 – vợ 64. Họ không mảnh đất cắm dùi, sống lênh đênh miền sông nước rồi lựa chọn một khúc sông yên bình làm chốn đậu ghe.
Anh H. – một người quen của vợ chồng chú thím Việt cho biết: “Cô chú không con cái, sống bằng nghề nhặt nhạnh sắt vụn trên những chiếc ghe đã mục ruỗng. Hiện cô chú đậu ghe ngay mép sông, gần khu dân cư để tiện sinh hoạt và mưu sinh.
Ở đây ai cũng biết cô chú, chỉ cần nhắc đến tên Việt là họ có thể chỉ đến tận nơi. Một số người còn bày tỏ sự xót xa cho phận đời khốn khổ của chú tím nhưng ngưỡng mộ tình yêu vô bờ bến”.
Sau đó anh H. dẫn chúng tôi đến thăm nơi ở của chú thím Việt. Cặp đôi sống trên chiếc ghe cũ – được một người tặng cho. Sau đó chú đã mua xi măng về để đắp chát tại các chỗ thủng để nước không vào. Trên ghe chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chăn chiếu, gối… “phục vụ” giấc ngủ khi đêm về.
Chiếc ghe mục nát - nơi ở của vợ chồng chú thím Việt.
“Ghe đậu ở đây cũng lâu lắm rồi. Chúng tôi cũng quen với cuộc sống ở vùng này, có hàng xóm giúp đỡ lúc khó khăn. Có điều chiếc ghe cũ quá, mùa mưa đến chẳng thể ngủ nổi, hai vợ chồng toàn ngồi tát nước ra. Nhưng cũ vẫn cứ là “nhà” của vợ chồng tôi”, thím tâm sự.
Nhắc đến chuyện có sợ đêm đang ngủ ngon bỗng dưng chìm ghe hay không, người phụ nữ 64 tuổi cười lớn. Sau đó thím bảo có chìm cũng không sợ vì nước ở sông này cạn kiệt, có đợt đáy ghe nằm sát đất luôn. Điều thím sợ hãi nhất là khi mưa lớn, dông tố và sấm sét, còn lại tất cả đều không đáng lo ngại.
Chia sẻ về chuyện tình yêu không khoảng cách, thím Việt không ngần ngại đùa vui: “Tôi là người chủ động tán tỉnh ông ấy đó! Thuở đó tôi là người phụ nữ goá chồng, sống một mình bằng nghề buôn bán nhỏ ở chợ. Còn ông ấy là trai tân, không vợ không con hành nghề bốc vác.
Chúng tôi mướn nhà ở gần nhau. Tôi thấy ông ấy đơn chiếc, cứ lọ mọ nên làm quen và quan tâm như chị em trong nhà. Dần dần tôi nảy sinh tình cảm với ông ấy rồi thổ lộ thôi. Tôi cũng sợ ông ấy chê mình lớn tuổi, lại một đời chồng. Ngờ đâu ông ấy gật đầu đồng ý làm chồng của tôi”.
Cặp đôi "đũa lệch" khiến bao người ngưỡng mộ.
Bỗng dưng “nhặt” được chồng, cuộc đời người phụ nữ này như rẽ sang một trang mới. Thím đã nghỉ công việc ở chợ để theo chồng bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề để sống. Cuối cùng thím quyết định làm công việc mua lại ghe thuyền cũ để chạy, sau đó không ở được thì phá ra để lấy sắt gỉ đem bán.
“Chiếc ghe này vợ chồng tôi mua 11 triệu đồng nhưng chạy được một thời gian là hỏng. Vì thế tôi đã đập ra lấy định bán với giá 8.000 đồng/kg, tính ra được vài chục kg đó. Còn củi tôi đem phơi khô, đem ra chợ bán gỡ gạc được đồng nào hay đồng đấy.
Số tiền 11 triệu đồng đó cũng là vay mượn chứ vợ chồng tôi làm gì có tiền mà mua. Mỗi tháng tôi phải trả lãi mà mãi không xong. Cuối cùng mạnh thường quân đã giúp đỡ để chúng tôi có thể trả được nợ cả gốc lẫn lãi”, chú Việt tâm sự.
Nghe vợ nói chuyện, người đàn ông 50 tuổi không kìm nén nổi niềm vui khi đã trả hết nợ mà bao năm chẳng thể trả nổi. “Cứ nghĩ đến tiền gốc và lãi đã trả sạch mà tôi mừng lắm luôn. Giờ tôi không phải trăn trở lo lắng làm sao có thể hết nợ nữa rồi.
Tôi tính mần bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu thôi. Tôi cũng chẳng dám ước ao gì, chỉ mong đủ ăn qua ngày đoạn tháng. Khi nào vợ chồng dành được tiền thì mong đổi ghe mới sau cũng được. Hơn cả tôi mong cả hai luôn khỏe mạnh để có thể ở bên nhau lâu hơn nữa”, chú thành thật.
Chú Việt tâm sự về cuộc đời.
Đến hiện tại, vợ chồng chú thím Việt đã sống với nhau 13 năm, chưa một lần xảy ra cãi vã hay xô xát. Họ dù vất vả nhưng luôn yêu thương, đùm bọc nhau qua dông tố cuộc đời.
Khi được hỏi: “Có phải thím hay ghen, giữ chồng lắm đúng không?”, thím Việt cười: “Chắc mọi người nghĩ tôi già hơn ông ấy nên hay ghen tuông đúng không. Ngược lại, ông ấy mới là người sợ tôi đi với người khác vì tôi hay đi bán này bán kia, tiếp xúc với nhiều người. Còn ông ấy chỉ ru rú ở nhà thì lấy đâu ra gái mà để tôi ghen chứ. Đợt này chúng tôi gắn với nhau như sam ấy, đi đâu cũng phải có hai vợ chồng mới chịu”.