Người phụ nữ tìm đến bệnh viện thăm khám sau 3 ngày xăm môi vì bị nổi ban đỏ toàn thân. Lúc này người phụ nữ mới hốt hoảng biết tin mình mắc bệnh truyền nhiễm.
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, bệnh nhân N.H.H., 33 tuổi, nhập viện khám với biểu hiện bị nổi phát ban toàn thân sau khi thực hiện xăm môi.
Chị H. cho biết, sau khi chị xăm môi được 3 ngày, chị thấy môi dưới xuất hiện các mụn nước, tập trung thành đám. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc, bôi kháng sinh tại chỗ và thấy hết bệnh sau 1 tuần.
Người phụ nữ bị nổi ban đỏ khắp tay chân
Tuy nhiên 1 tuần sau đó, chị H. lại thấy hiện tượng rát đỏ, phát ban chi chít tại vùng cẳng và 2 bên bàn tay. Các nốt này ngứa nhiều, sau đó mọc rải rác khắp cơ thể.
Vào viện thăm khám, các bác sĩ nhận thấy đây là những tổn thương đỏ sung huyết và chẩn đoán đây là trường hợp hồng ban đa dạng điển hình. Căn nguyên gây ra hiện tượng do nhiễm Herpes simplex virus (viết tắt HSV) sau phun xăm môi.
Sau khi xăm môi, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các mụn nhỏ, tập trung thành đám ở môi dưới
Các bác sĩ cho hay, hiện tượng nổi hồng ban cấp tính có thể do nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là do nhiễm trùng (virus HSV-1, HSV-2 chiếm 80%) hoặc dị ứng thuốc, các bệnh lý tự miễn, bệnh lý ác tính, sau tiêm vắc xin...
Tổn thương da đặc trưng là các nốt rát đỏ, sẩn phù, mụn nước, bọng nước tạo thành hình bia bắn, có thể kèm theo tổn thương ở niêm mạc miệng, sinh dục, mắt… Tổn thương có thể xuất hiện ở vùng thân mình hoặc tay, chân.
Bệnh nhân này là trường hợp điển hình nhiễm virus HSV. Thông thường, các bệnh nhân có thể xuất hiện tổn thương herpes ở môi 10 – 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng của hồng ban đa dạng. Hồng ban đa dạng tái phát thường do nhiễm HSV1, với nhiều đợt bệnh trong một năm và diễn biến trong nhiều năm.
Hồng ban đa dạng phần lớn tự khỏi hoàn toàn sau 3 – 6 tuần, những trường hợp nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có thể tiềm ẩn lâu dài trong cơ thể rồi tái phát bất cứ lúc nào.
Bất cứ ai có ý định thực hiện các thủ thuật xăm môi, xăm mày... cần xác định rõ tiền sử có mắc herpes tái phát nhiều lần, herpes ở vùng điều trị... hay không. Nếu mắc bệnh thì không nên thực hiện các thủ thuật này vì nguy cơ tái phát trầm trọng và lây bệnh cho người khác nếu dụng cụ thực hiện không được vô trùng cẩn thận.
Phun môi có bị lây bệnh không?
Phun, xăm môi thực chất là dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da, tạo thành màu trên bề mặt môi.
Hiện nay có 2 phương thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm bằng máy khá phổ biến vì dễ thao tác, điều chỉnh lớp xăm nông sâu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Chính vì việc đưa dụng cụ trực tiếp tác động vào da nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nguy cơ biến chứng càng cao khi thực hiện thẩm mỹ tại các cơ sở không uy tín, dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
Nhiễm khuẩn tại chỗ xăm: Sau khi xăm môi có hiện tượng sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ... rất là dấu hiệu của sự nhiễm trùng. Thông thường, sau khi xăm môi chỉ sưng 2-3 ngày, nếu sưng lâu hơn cần đi khám sớm.
Dị ứng với mực xăm: Trước khi thực hiện thủ thuật nhiều người không biết bản thân thuộc cơ địa dị ứng nên chỉ sau khi can thiệp mới chịu hậu quả. Các biểu hiện dị ứng khi xăm môi là da bị viêm, sưng tấy, bong tróc kéo dài. Nguyên nhân có thể do mực xăm không chất lượng hoặc cơ địa của bạn nhạy cảm.
Lây các bệnh truyền nhiễm: Nguy cơ lây nhiễm bệnh qua các dụng cụ phun xăm là rất lớn nếu không được vô trùng cẩn thận. Các bệnh có thể lây nhiễm khi xăm môi, mày như: giang mai, HIV, viêm gan B,C..., các bệnh do virus lây truyền qua đường máu.
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2019/06/17/VTC14 - Nhiễm trùng huyết vì xăm mình không an toàn_17062019210652.mp4[/presscloud]
Nhiễm trùng huyết vì xăm mình không an toàn
Theo Hà Ly/SKCĐ