Thật dễ để nhận ra những tấm ảnh đời đầu được đăng trên Instagram hay Snapchat, với loạt filter (bộ lọc) chụp ảnh trở nên phổ biến có khả năng làm trắng da, thu nhỏ mũi, mặt...
Sau hơn một thập kỷ, các bộ lọc đã có bước tiến đáng kể. Không giống filter cũ, thường chỉ là một chiếc khuôn áp lên gương mặt của chủ thể, các filter hiện đại nhất có khả năng phân tích từng pixel của hình ảnh để tạo ra một gương mặt hoàn toàn mới.
Mạng xã hội ngày nay ngập tràn những khuôn mặt không có lỗ chân lông, chân mày hoàn hảo và đôi môi căng mọng. Những hiệu ứng tạo khối má, kẻ lông mày của app chụp hình cũng ngày càng chân thực. Khó lòng phân biệt được ai có làn da căng bóng thật sự, ai đã chỉnh bằng filter.
Sự phổ biến của bộ lọc hình ảnh trên mạng xã hội góp phần thúc đẩy xu hướng thẩm mỹ ngoài đời thực. Khi đã quen nhìn vào khuôn mặt đã chỉnh sửa trên ảnh hay video, việc thấy khuôn mặt thật của mình trong gương - với mỡ, dấu hiệu chảy xệ, già nua - bỗng trở thành nỗi lo lắng.
Heather Widdows, giáo sư triết học tại Đại học Warwick, nói với Business Insider rằng: "Khoảng cách giữa danh tính chúng ta thể hiện trên mạng với con người ta thấy trong gương ngày càng lớn. Ngoài đời đẹp hơn thì tốt. Nếu không, ta sẽ thấy mình thất bại".
Kết quả, nhiều người tìm đến các thủ thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy (filler) để bản thân ở ngoài đời trông giống với hình ảnh của mình khi đã dùng qua các bộ lọc.
Thời đại khuôn mặt Instagram
Khi ngày càng nhiều người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ, những người còn lại sẽ mất kết nối với những thứ bình thường. Cũng dễ hiểu tại sao ngày càng có nhiều người bị áp lực phải thay đổi diện mạo của mình.
Số lượng người chọn các phương pháp chỉnh sửa không xâm lấn và chống lão hóa, như tiêm filler (chất làm đầy) môi hay botox, đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Các thủ thuật làm đẹp ít xâm lấn ngày càng "bình thường hóa", dễ tiếp cận với những người bình thường. Ảnh: Body Details. |
Từ năm 2019 đến 2022, số ca phẫu thuật thẩm mỹ da mặt ở Mỹ đã tăng 18%; số lần tiêm botox đã tăng 73%. Theo Học viện Phẫu thuật Tạo hình và Tạo hình Khuôn mặt Mỹ, Gen Z đang giúp thúc đẩy nhu cầu.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022, 75% bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt cho biết có nhiều khách hàng dưới 30 tuổi yêu cầu làm căng và căng mọng môi hơn. Mục tiêu chính của họ là để những tấm ảnh selfie trông đẹp hơn.
Từ trước khi xu hướng làm việc từ xa bùng nổ, nhiều người đã nhận thấy rằng mạng xã hội đang định hình góc nhìn của con người.
Năm 2019, The New York Times có bài viết tuyên bố đây là "Thời đại của khuôn mặt Instagram" - với người nổi tiếng dẫn đầu như chị em nhà Kardashian và nhiều Influencer khác: họ đều có má hóp, gò má cao, mắt mèo và đôi môi căng mọng.
Sau 5 năm, khi ngày càng có nhiều người chọn trở thành Influencer, kiếm tiền thông qua hình ảnh cá nhân, xu hướng làm đẹp bằng thẩm mỹ cũng được đà gia tăng.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận các liệu pháp tăng, sự kỳ thị giảm và "áp lực phải đẹp" cũng thúc đẩy sự bùng nổ của phẫu thuật thẩm mỹ. Ngày nay, việc thay đổi gì đó trên khuôn mặt chỉ còn là vấn đề theo kịp thời đại.
Sự phổ biến của mạng xã hội đã làm giảm định kiến về phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Instagram. |
Heather Widdows nói rằng: "Mặc dù biết rằng không ai trông giống ảnh chụp trên Instagram, chúng ta lại luôn so sánh cơ thể thật của mình với ảnh trên mạng của người khác".
Các nên tảng mạng xã hội từ lâu đã bị coi là có ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức về bản thân của giới trẻ.
Một nghiên cứu năm 2018 về các cô gái tuổi teen cho thấy họ càng dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội thì càng có nhiều khả năng "không hài lòng về cơ thể" và trầm cảm.
Nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Mỹ công bố vào năm 2023 cho thấy thanh thiếu niên giảm 50% thời gian sử dụng mạng xã hội trong vài tuần đã có sự cải thiện đáng kể trong cách cảm nhận về cân nặng và ngoại hình của mình.
Song trên thực tế, hầu hết chúng ta đang ngày càng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn: lướt mạng xã hội, nhìn chằm chằm vào chính mình trong các cuộc họp qua Zoom.
Càng nhiều filter, càng nhiều filler
Ngay khi filter bắt đầu phổ biến trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu đã lo ngại về tác động của chúng. Một bài báo năm 2018 của các nhà nghiên cứu từ Trường Y Đại học Boston (Mỹ) lập luận rằng các bộ lọc có tác động tai hại đến lòng tự trọng của mọi người, gọi xu hướng này là "Chứng rối loạn Snapchat".
Ngày nay, các bộ lọc đã trở nên thực tế hơn. Các filter TikTok như Bold Glamour và Teenage Look thay đổi khuôn mặt theo từng pixel, tạo ra một tấm gương kỳ ảo mà các nhà tâm lý học cho rằng có thể dẫn đến chứng rối loạn cơ thể. Những khuyết điểm trên mặt được làm mờ, làn da sáng lên và tỷ lệ được thay đổi cân đối.
Các bộ lọc trên mạng xã hội có tác động nhất định đến cách người trẻ nhìn nhận bản thân. Ảnh: Teen Vogue. |
Một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Thành phố London (Anh) cho thấy 90% phụ nữ 18-30 tuổi mà họ nói chuyện đã sử dụng filter chụp ảnh để cải thiện vẻ ngoài. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người sử dụng YouTube, Tinder và Snapchat - đặc biệt là các tính năng chỉnh sửa hình ảnh trên đó - có nhiều khả năng chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ hơn.
Một nghiên cứu năm 2022 xem xét những người dùng Instagram thuộc thế hệ Gen Z đã phát hiện ra rằng những người sử dụng filter để chỉnh sửa ảnh có xu hướng tìm đến thẩm mỹ nhiều hơn.
Phương tiện truyền thông xã hội cũng làm giảm sự kỳ thị đối với phẫu thuật thẩm mỹ. Các bác sĩ chia sẻ hàng loạt video chuyên sâu về sự phức tạp của nhiều liệu pháp khác nhau, trong khi người dùng cũng thoải mái làm vlog về quá trình thẩm mỹ của họ.
Nghiên cứu năm 2022 cho thấy những người theo dõi một người có ảnh hưởng đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có nhiều khả năng muốn thực hiện thủ thuật hơn. Anne-Mette Hermans, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, dự đoán phẫu thuật thẩm mỹ sẽ ngày càng được "bình thường hóa".
Việc chuyển từ phẫu thuật sang tiêm chất xâm lấn tối thiểu cũng giúp thẩm mỹ trở nên an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn với những người bình thường.
Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của người dùng Vice of Snapchat ở Anh, 59% thanh niên 13-24 tuổi cho biết họ thấy những liệu pháp như tiêm botox và chất làm đầy chỉ giống như việc cắt tóc hoặc làm móng.
Hermans, trợ lý giáo sư về Sức khỏe và Hạnh phúc tại Đại học Tilburg, Hà Lan, cho biết: "Về mặt giá cả, không có nhiều sự khác biệt giữa việc đến tiệm làm tóc cao cấp để nhuộm tóc so với tiêm một hoặc hai vùng botox. Ngày càng có nhiều người tiêm chất làm đầy, khiến nó trở nên phổ biến và kết quả là có thêm nhiều người làm hơn".
Thay vì kiểu thẩm mỹ khiến khuôn mặt cứng đờ như năm 1990 hay trào lưu bơm "môi vịt" như năm 2010, xu hướng thẩm mỹ ngày nay hướng tới cái gọi là "vẫn là bạn, nhưng ở phiên bản đẹp hơn".
Nỗi ám ảnh về cơ thể những năm 2000 đã được thay thế bằng nỗi ám ảnh về chống lão hóa. Một công ty nghiên cứu thị trường có tên Circana phát hiện ra rằng 19% Gen Z đã sử dụng serum chống lão hóa. Trẻ hóa da, một phương pháp kết hợp giữa chăm sóc da và tiêm thẩm mỹ, đang được ca ngợi là xu hướng chống lão hóa toàn cầu.
"Nghịch lý là phụ nữ bị chê khi già đi, nhưng họ cũng không được khuyến khích phẫu thuật để trông trẻ hơn. Về cơ bản, giải pháp được đưa ra là những 'điều chỉnh' có vẻ tự nhiên để bạn nhìn như không hề đụng dao kéo", Hermans nói.
Nhu cầu chống lão hóa đã có từ lâu, nhưng thế hệ trẻ đắm chìm trên mạng xã hội với hàng nghìn filter làm đẹp đặc biệt nhạy cảm với quá trình lão hóa tự nhiên.
"Khi làm đẹp trở thành lý tưởng toàn cầu, thủ thuật thẩm mỹ này trở nên bình thường", Widdows nói.
Widdows lập luận rằng chúng ta đã chuyển từ việc thể hiện địa vị thông qua những tài sản như chiếc túi hoặc ôtô sang theo đuổi khuôn mặt lý tưởng.
Làm việc từ xa cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta thể hiện bản thân trên mạng. Mọi người có thể không nhìn thấy túi xách hay đôi giày của bạn, nhưng họ đều nhìn thấy khuôn mặt của bạn.
"Chúng ta đang tiến tới một nền văn hóa nơi hình ảnh có ý nghĩa hơn lời nói. Đó là lý do bây giờ khi đến gặp bác sĩ thẩm mỹ, người ta không còn đưa ảnh của các ngôi sao nổi tiếng để làm mẫu nữa mà đưa ảnh selfie của chính họ, đã cà qua các lớp filter", Widdows giải thích.
Đinh Phạm