Việc thay đổi từ biên chế suốt đời sang hợp đồng có thời hạn được kỳ vọng sẽ tạo ra những con người mới, luôn phải tự làm mới mình cho phù hợp với thực tiễn công việc.
Ngày 25/11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung đáng chú ý là từ thời điểm 01/7/2020, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Các đối tượng viên chức đã được tuyển dụng trước thời điểm này về cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.
Ngoài ra, kể từ ngày luật mới có hiệu lực, chỉ có 3 đối tượng được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”. Đó là: Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; và những người đã có hợp đồng không xác định thời hạn từ trước khi luật có hiệu lực.
Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có nhiều thay đổi từ ngày 1/7/2020
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen với việc biên chế suốt đời hoặc hợp đồng không thời hạn đối với công chức, viên chức nhà nước. Rất nhiều người tìm mọi cách để được vào nhưng khi vào rồi lại an phận bởi cứ làm tàng tàng thì cũng không có ai cắt hợp đồng với mình.
Suy nghĩ đó dẫn đến tình trạng hiệu quả công việc của một số người rất thấp và thiếu đi tính sáng tạo, đột phá trong công việc. Bởi vậy, khi ký hợp đồng có thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng, tất nhiên sẽ tạo ra sự cạnh tranh cần thiết cho mỗi viên chức nói chung. Những ai làm tốt công việc, không vi phạm kỷ luật, đương nhiên sẽ được ký hợp đồng tiếp theo. Còn nếu làm không tốt, không có trách nhiệm với công việc thì không có cơ hội ký hợp đồng lần sau.
Thông tin “bỏ viên chức suốt đời” đã gây không ít “xáo động” trong tâm tư của những người làm công ăn lương. Trả lời trên VOV, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Chủ trương này xuất phát từ thực trạng dù đã có cơ chế, quy định để đánh giá, đào thải đối với đội ngũ công chức, viên chức nhưng dường như từ trước đến nay rất khó làm, cứ vào được Nhà nước là yên tâm ở đó.
Ông Long khẳng định: Toàn bộ đội ngũ đã tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Luật cũng có điều khoản chuyển tiếp là những người đã được tuyển dụng và đang thực hiện hợp đồng xác định thời hạn nhưng hợp đồng đó vắt qua thời điểm 1/7/2020 thì vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng cho đến khi kết thúc. Sau đó nếu được đánh giá đủ tiêu chuẩn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với viên chức hoạt động ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo…, được ký hợp đồng không xác định thời hạn để khuyến khích những người có năng lực về công tác ở những vùng khó khăn.
Là người bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc bỏ "viên chức suốt đời" tất nhiên khiến một bộ phận bị ảnh hưởng. Bởi rất nhiều người mong muốn có được công việc ổn định nên đã chọn môi trường Nhà nước. Nhưng chính tâm lý an phận thủ thường đó sinh ra thói lười biếng, không phấn đấu vươn lên trong công việc vì nghĩ bản thân không vi phạm kỷ luật thì sẽ không bị đào thải.
"Điều này cũng dẫn đến cái khó cho cơ quan sử dụng lao động sẽ không tuyển dụng được những người có năng lực chuyên môn tốt hơn. Hơn nữa, đến năm 2021, việc trả lương không còn theo ngạch bậc, có nghĩa cán bộ, viên chức không phải cứ ngồi lâu lăm, ngạch bậc cao được hưởng lương cao mà sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Khi đó, những người có năng lực, làm việc tốt thì sẽ được trả lương tương ứng theo hiệu quả công việc" – ông Hoàng Văn Cường cho biết trên báo Người lao động.
Việc bỏ "viên chức suốt đời" sẽ giúp kích thích phát triền nguồn lực
Theo ông Cường, việc sửa đổi, bỏ quy định ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức về lâu dài sẽ thúc đẩy sự vươn lên của viên chức cũng như tạo điều kiện, bố trí được nguồn nhân lực tốt hơn. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sự biến động về vị trí việc làm sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho đội ngũ viên chức.
Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng bày tỏ suy nghĩ, hiện tại Luật mới chỉ dừng lại ở bỏ "viên chức suốt đời", chúng ta cần tiến lên một bước nữa đối với khối công chức. Nếu bỏ biên chế suốt đời đối với công chức thì sẽ loại bỏ được tình trạng cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", chỉ lo giữ vị trí mà không chịu phấn đấu vươn lên.
"Hơn nữa, với cơ chế hiện nay là xác định vị trí việc làm, không còn chuyện biên chế suốt đời sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Những người dùng mối quan hệ thân thiết, hay bằng các hình thức để chạy chọt vào vị trí nào đó cũng không có cơ hội tồn tại trong bộ máy" – ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nhung Đinh (t/h)