Hậu COVID-19, kinh tế thế giới sẽ khủng hoảng kéo dài, loài người chuyển sang quỹ đạo khác

Admin
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thời kỳ hậu COVID-19, chắc chắn loài người sẽ chuyển sang một quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác, kinh tế thế giới sẽ khủng hoảng kéo dài.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đã có nhiều dự đoán về sự ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế thế giới. Đa số đều nhận định về các dấu hiệu của sự xuất hiện một cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Về vấn đề này PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, COVID-19 sẽ mang đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu mạnh nhất, kéo dài nhất, thậm chí là thay đổi cả quỹ đạo phát triển của loài người.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: Hậu COVID-19, loài người sẽ chuyển sang quỹ đạo phát triển khác
PGS.TS Trần Đình Thiên
 

Nguy cơ về cơn đại khủng hoảng toàn cầu

 
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên đại dịch COVID-19 đang tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia, gây ra một tai họa, khủng hoảng kéo dài chứ không phải một sự cố thông thường có thể kết thúc nhanh.
 
Kinh tế thế giới vài năm gần đây đang bất ổn vì thương chiến Mỹ - Trung. Trung Quốc – đại công xưởng của thế giới - đang phải thay đổi cấu trúc phát triển thì đại dịch ập đến và vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Đáng nói, kinh tế thế giới được cấu trúc bằng các chuỗi sản xuất mà điểm nút quan trọng nhất chính là Trung Quốc, EU và Mỹ. Hiện đại dịch đã lây lan ra toàn cầu khiến cả 3 điểm nút đều "đứt". Đây như một cú đấm bồi vào nền kinh tế, một yếu tố cộng hưởng nhưng có sức mạnh khôn lường, khiến tình trạng suy thoái kinh tế có thể diễn ra trầm trọng và kéo dài hơn.
 
Hiện các dự báo về diễn biến kinh tế toàn cầu đều theo một xu thế, đó là dự báo sau đều ảm đạm, bi quan hơn dự báo trước và xu hướng thực tế đúng là như vậy!
 
Đáng chú ý, để giải quyết khủng hoảng, các nước trên thế giới đều thực hiện các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên khủng hoảng lần này thực sự rất khác với khủng hoảng tài chính – tiền tệ trước đây vì các chuỗi cung cầu đều bị đứt gãy. Do đó, khó có thể giải quyết được vấn đề như mọi lần và như mong đợi.
 
Trong cuộc khủng hoảng này, phải trông chờ hay đúng hơn là tập trung cao độ việc khôi phục các chuỗi cung ứng toàn cầu. Quá trình phục hồi sẽ diễn ra dần dần, và dự đoán là kéo dài. Sự kéo dài này sẽ gây thêm khó khăn cho những nền kinh tế có độ phụ thuộc quốc tế cao – như Việt Nam và những doanh nghiệp yếu kém, những người thu nhập thấp... những chủ thể có sức chống chịu yếu.
 
Các Chính phủ, các doanh nghiệp phải biết phân phối sức lực, nguồn lực cho một cuộc phục hồi trường kỳ, khó khăn chứ không phải dốc sức để giành thắng lợi ngắn hạn.
 
Tuy nhiên, việc "bơm tiền" vào thời điểm này bằng cách giãn nợ, giảm thuế, hạ thấp lãi vay, cơ cấu lại nợ, cho vay hỗ trợ thanh khoản… sẽ giúp được một số doanh nghiệp nối lại chuỗi sản xuất, giải quyết phần nào khó khăn tài chính, kéo dài sự sống, không lâm vào phá sản, chờ cơ hội khôi phục...
 

Giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19?

 
Theo ông Trần Đình Thiên, Chính phủ Việt Nam đã xác định rất trúng giải pháp, đó là chống dịch xong sớm thì sản xuất được khôi phục sớm, nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi điểm sinh tử và hồi phục dần.
 
Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng một mình Việt Nam thoát dịch cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề vì kinh tế Việt Nam liên thuộc quá lớn vào thị trường thế giới. Do đó, Việt Nam phải tính các bước đi phục hồi của kinh tế thế giới, nương theo để nắm bắt cơ hội bứt phá.
 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự đảo lộn tương quan sức mạnh trên phạm vi toàn cầu đã khiến thế giới thay đổi căn bản cấu trúc và logic phát triển. COVID-19 thúc đẩy thêm xu hướng đó, làm bộc lộ rõ những điểm yếu cốt tử của phương thức loài người sinh sống, buộc loài người phải huy động và phát triển những năng lực cao nhất của mình để giành thắng lợi trong cuộc đấu.
 
COVID-19 buộc cả loài người phải "tự cấm vận", cho thấy những điều bất hợp lý, lãng phí đang tồn tại trong đời sống, chứng tỏ cách thiết kế các chuỗi sản xuất - cung ứng trên phạm vi toàn cầu như hiện nay thực sự quá rủi ro... Chưa có một cấu trúc thể chế nào đủ năng lực, quyền lực và trách nhiệm đứng ra giải quyết vấn đề ấy.
 
Để thoát nạn, cả thế giới phải hành động cùng nhau, chung sức dập dịch. Khi đó cung - cầu mới khôi phục, các chuỗi sản xuất được nối lại và các giải pháp kích thích kinh tế mới phát huy tác dụng.
 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho tất cả các nước nhảy vào kỷ nguyên kinh tế số - công nghệ cao. Thuộc tính chủ đạo của thời đại là tốc độ cao, mọi điều đều có thể diễn ra rất nhanh và rất bất thường, thậm chí cả dịch COVID-19 cũng vậy.
 
Hậu COVID, chắc chắn loài người sẽ chuyển sang một quỹ đạo phát triển hoàn toàn khác. Tuy nhiên những điểm then chốt của quỹ đạo đó căn bản chưa bộc lộ, còn rất nhiều việc phải thảo luận, dự báo. Tuy nhiên, có một điểm khá rõ ràng, có thể định hình, đó là, các hình thái liên minh và xung đột đang thay đổi, đừng chỉ quan tâm tới xung đột kiểu cũ mà hãy chú ý hơn tới hình thái xung đột mới.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/06/PGS-TS-Tran-Dinh-Thien-Hau-COVID-19-loai-nguoi-se-chuyen-sang-quy-dao-phat-trien-khac_06042020113101.mp4[/presscloud]
Nguy cơ khủng hoảng kinh tế vì COVID-19
 
 
Kiều Đỗ (t.h)/Theo Vietnamfinance