Són tiểu sau sinh và mẹo hay khắc phục hiệu quả

Hiện tượng són tiểu sau sinh có thể không nguy hiểm tới sức khỏe nhưng gây nhiều phiền toái cho chị em trong đời sống sinh hoạt. Học ngay những mẹo hay chữa bệnh són tiểu.
Són tiểu sau sinh là hiện tượng rỉ nước tiểu ra ngoài không thể kiểm soát được. Ở mức độ nhẹ bệnh có thể tự khỏi nhưng nếu kéo dài có thể gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho chị em phụ nữ.
 

Són tiểu sau sinh do đâu?


Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 55 tuổi thì có từ 1 – 3 người mắc chứng són tiểu. Đặc biệt phụ nữ mang thai và sau sinh dễ mắc chứng són tiểu nhất.
 
Són tiểu sau sinh do đâu và mẹo hay khắc phục hiệu quả cho chị em

Các bác sĩ lý giải, trong quá trình mang thai, kích thước thai nhi ngày một lớn dần chèn ép bàng quang trong suốt thai kỳ làm giảm trương lực cơ bàng quang, khiến khả năng đàn hồi để chứa và giữ nước tiểu kém hơn.

Còn sau sinh, cơ sàn chậu và cơ bàng quang của chị em bi tổn thương do quá trình rặn đẻ cũng gây ra són tiểu.

Các triệu chứng thường gặp


Són tiểu ở phụ nữ thường gặp mỗi khi vận động mạnh hay chỉ là ho, hắt hơi... Nguyên nhân do một số chấn thương sản khoa như phẫu thuật tầng sinh môn trực tràng, cơ niệu đạo yếu hay có thể do táo bón, ho mãn tính.

Són tiểu như tiểu gấp do sự tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang. Sự co bóp này khiến chị em có cảm giác buồn tiểu gấp ngay cả khi có rất ít nước tiểu. Nguyên nhân đẫn dến tình trạng này có thể do khối u bàng quang, sỏi bàng quang hay sự kích thích thần kinh bàng quang. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tiểu gấp như: xơ hóa thành đám, biến chứng thần kinh trong đái tháo đường, tai biến mạch não...

Són tiểu sau sinh gây hậu quả gì?


Theo BS Nguyễn Hòa - Giám đốc Trung tâm Sàn chậu, bệnh viện Phụ sản Trung ương, về cơ bản hiện tượng són tiểu ở phụ nữ mang thai và sau sinh không nguy hiểm nghiêm trọng với sức khỏe nhưng lại gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt. Tiểu són khiến khu vực âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, không được vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới viêm nhiễm phụ khoa, gây đau rát, khó chịu kéo theo bệnh tật nguy hiểm.
 
Són tiểu sau sinh do đâu và mẹo hay khắc phục hiệu quả cho chị em

Theo thống kê có khoảng 11% chị em mắc chứng tiểu són sau sinh gặp trở ngại khi quan hệ tình dục. Cô bé luôn ẩm ướt, khó chịu, kém vệ sinh, són tiểu ngay sau khi "yêu"... là những nỗi mặc cảm mà chị em phải đối mặt, gây ra tâm lý tự ti, ngại gần gũi với bạn đời.

Phụ nữ sau sinh rất dễ bị áp lực tâm lý và són tiểu cũng là một trong số các tác nhân. Năm 2011,tạp chí Sản phụ khoa của Anh (British Journal of Obstetrics and Gynaecology) công bố kết quả của một nghiên cứu chứng minh rằng phụ nữ mắc chứng tiểu són sau sinh có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao gấp đôi phụ nữ có tình trạng tiểu tiện bình thường.

Mẹo chữa són tiểu sau sinh


Cách khắc phục tình trạng són tiểu sau sinh phổ biến của chị em đó là dùng băng vệ sinh hàng ngày để tránh ẩm ướt, nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc này rất bất tiện và vẫn có khả năng gây viêm nhiễm vùng kín.

Các bác sĩ khuyên rằng chị em có thể cải thiện tình trạng tiểu són bằng cách luyện tập cơ vòng niệu đạo. Đây là cơ điều khiển việc đóng - mở đường niệu đạo để đưa nước tiểu ra ngoài. Gợi ý một số đọng tác tập luyện cơ sàn chậu để tăng sức mạnh giúp tăng cường chức năng của bàng quang, tăng khả năng giữ nước tiểu đồng thời tốt cho chức năng sinh sản ở nữ giới.

Động tác 1: Nằm đặt lưng xuống sàn, mở rộng hai chân bằng vai và gập đầu gối. Giữ nguyên tư thế rồi thực hiện co thắt cơ âm đạo, niệu đạo, hậu môn trong vòng 5 giây làm sao để có cảm giác toàn bộ cơ thể đang được nâng lên. Sau đó thả lỏng cơ thể. Lặp lại động tác 10 lần, mỗi lần thực hiện trong 1 phút.
 
Són tiểu sau sinh do đâu và mẹo hay khắc phục hiệu quả cho chị em

Động tác 2: Ngồi dựa lưng vào tường, dạng hai đầu gối rộng ra. Đặt lòng bàn tay vào bụng dưới rồi dùng ngón tay để tìm vị trí cơ sàn chậu. Sau đó thực hiện động tác trong tư thế nằm, thực hiện 10 lần, mỗi lần trong 1 phút.

Việc điều trị són tiểu phải dựa vào xác định nguyên nhân gây bệnh. Són tiểu do viêm đường tiết niệu, tiểu đường, sỏi tiết niệu, rối loạn chức năng thần kinh… có thể được can thiệp bằng phẫu thuật hoặc dùng thuốc.

Hiện nay, phương pháp điều trị són tiểu hiện đại bậc nhất đã được áp dụng là TOT (Trans Obturateur Tape) - phẫu thuật đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt. Theo BS Nguyễn Hòa, thủ thuật này vô cùng đơn giản với thời gian thực hiện tối đa khoảng 20 phút, bệnh nhân chỉ phải nằm viện 24 giờ.

Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ khoảng 0,5cm ở thành trước âm đạo để luồn dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo, dưới cổ bàng quang. Đây chính là phần đệm chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão, yếu ở bàng quang, giúp tăng khả năng giữ nước tiểu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần 1 tháng kiêng hoạt động thể lực nặng hoặc chơi thể thao và sinh hoạt vợ chồng. Đặc biệt, phương pháp này có hiệu quả với phụ nữ mọi lứa tuổi.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/12/10/sa-tang-chau-noi-am-anh-cua-phu-nua-sau-sinh_10122019144110.mp4[/presscloud]
Sa tạng chậu - Nỗi ám ảnh của phụ nữ sau sinh. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)