Stress là gì?

Theo đó, nhu cầu cơ bản là nhu cầu sinh lý để mỗi người có thể sống được (ăn, uống, ngủ, nghỉ ngơi, thở, bài tiết, quần áo, nhà cửa, phương tiện, quan hệ tình dục); nhu cầu được an toàn, được bảo vệ; nhu cầu được yêu thương và được thể hiện tình cảm; nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được tự do thể hiện mình. Khi nhu cầu chính đáng không được thoả mãn một cách thích hợp, người ta sẽ bị căng thẳng.
Nhân viên y tế có bị stress không?
Nhân viên y tế không ngoại lệ khi bàn về stress ở chính họ, nghĩa là, họ cũng bị stress nếu bị mất cân bằng giữa nhu cầu và mức độ thoả mãn trong tám mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, do tính chất chuyên biệt của nghề nghiệp, sự mất cân bằng này ở nhân viên y tế có nét rất riêng, hình thành nên stress và cách thức kiểm soát stress khá khác biệt. Giai đoạn giáp Tết Nguyên Đán, nhiều nhân viên y tế có thể bị stress ở đỉnh điểm, cần được nhìn nhận, thấu hiểu, cảm thông và thực hành kiểm soát stress hiệu quả, tránh những hậu quả tiêu cực do stress gây ra, dẫn đến trầm cảm và tự sát.
Có người cho rằng, nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên) hiểu biết về bệnh tật, họ tiếp xúc với nhiều người bệnh cận kề cái chết, quen với nỗi đau khổ của người bệnh, người tử vong… nên họ đã dày dạn và “chai lì” cảm xúc thì họ không bị stress nữa. Kỳ thực, chính họ có rất nhiều cơ hội tiếp cận với nguy cơ gây stress. Nếu bản thân không biết cách cân bằng tốt, họ sẽ rơi vào sự căng thẳng kéo dài, trầm cảm, hiệu quả công việc giảm sút, dễ mắc sai lầm trong chuyên môn, có thể bỏ việc hoặc có những hành vi xã hội không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tập thể, và ngành y tế.
Một nghiên cứu của bệnh viện Mayo Clinic (một bệnh viện lớn tại Hoa Kỳ) năm 2011, thực hiện đo lường stress trên tất cả bác sĩ làm việc tại bệnh viện này, kết quả 45% bác sĩ bị stress có triệu chứng. Năm 2015, họ lập lại nghiên cứu tương tự đã ghi nhận tỷ lệ bị stress của bác sĩ tăng lên 52%, và chính bác sĩ của họ cũng tự tử vì trầm cảm. Phòng khám Tâm lý của Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh trong 02 năm qua đã khám và trị liệu cho nhiều trường hợp bị trầm cảm là nhân viên y tế, bao gồm trường hợp bác sĩ là giám đốc của một bệnh viện bạn thoát chết vì tự sát bằng thuốc.
Yếu tố nào gây stress cho nhân viên y tế?

Gần Tết, xét riêng nhu cầu của nhân viên y tế liên quan đến công việc, học tập, thăng tiến với nét đặc thù có thể làm họ dễ bị căng thẳng từ ba nguyên nhân chủ yếu sau:
Áp lực về quá tải bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì tai nạn giao thông , tai nạn thương tích, tai nạn lao động cũng tăng lên do tần suất giao thông, tần suất lao động và các tệ nạn cũng tăng lên trong những ngày giáp Tết. Các chuyên khoa chấn thương sọ não, chấn thương chỉnh hình tăng số lượng bệnh nhân đáng kể. Bệnh nhân tăng khám và nhập viện ở khoa hô hấp người lớn và khoa nhi do ảnh hưởng thời tiết lạnh, ô nhiễm không khí do bụi, và do nhiễm siêu vi hô hấp. Bệnh nhân mất ngủ, đau đầu, rối loạn lo âu… gia tăng ở các phòng khám thần kinh, tâm thần và tâm lý. Các bệnh nhập viện đa số là bệnh nặng, phức tạp, khó chẩn đoán, trị liệu, bởi những bệnh nhẹ thường họ cố gắng “lướt qua”, chịu đựng “xong Tết rồi tính”.
Bệnh nhân tăng số lượng, kéo theo nhu cầu thuốc, vật tư tiêu hao y tế, nhu cầu trị liệu tăng cao. Tuy nhiên, thực tế, gần cuối năm, đa số các bệnh viện đều thiếu hụt thuốc, vật tư y tế, quỹ bảo hiểm y tế cũng cạn dần, không đáp ứng tốt nhu cầu của bệnh nhân. Đây cũng là một lý do căng thẳng của nhân viên y tế khi phải đáp ứng sự hài lòng của người bệnh với một thực tế khó điều chỉnh. Nhiều bác sĩ tâm sự, không có thuốc, thầy giỏi cũng chịu, làm sao thay đổi chất lượng điều trị một cách tốt nhất được.
Áp lực hành chính cuối năm.
Giáp Tết không chỉ là giai đoạn của hàng loạt đợt thanh kiểm tra cuối năm, bao gồm, tự kiểm tra, kiểm tra chéo bệnh viện, kiểm tra của Bộ Y tế (Bệnh viện thuộc Bộ Y tế), của Sở Y tế (Bệnh viện thuộc Sở Y tế) mà còn là giai đoạn “đối phó” với những thay đổi quá nhanh chóng của chính sách y tế trên nhiều lĩnh vực. Có năm, thay đổi khoảng 700-800 văn bản y tế từ Bộ Y tế, làm các bệnh viện không “chạy theo kịp”. Các hoạt động tổng kết, bình bầu cuối năm, kỷ luật, khen thưởng, đề bạt, báo cáo trên tất cả các mặt và đề ra phương hướng hoạt động cho năm tới. Bộ phận báo chí, truyền thông cũng tăng cường làm việc, có khi gây khủng hoảng truyền thông cho một số bộ phận nhân viên y tế. Nhiều hội nghị, hội thảo, trong và ngoài nước, liên kết với các nhà tài trợ được tổ chức dồn dập khiến số lượng bác sĩ hiện diện ở khoa phòng thường không đầy đủ, đối mặt với áp lực gia tăng số lượng bệnh nặng, khó, tạo áp lực cho nhân viên y tế không ít.
Các nhân viên y tế đang vừa học nâng cao, vừa làm phải đối mặt với thi cử, hoàn thành đề tài, luận văn, vừa phải hoàn thành tốt công việc bệnh viện nên cũng bị áp lực lớn. Đa số công việc hành chính của y tế đều bị thúc ép hoàn thành vào dịp cuối năm, không để tồn đọng sang năm mới, do đó, từ quản lý đến nhân viên đều bị rơi vào cảnh phải “vắt chân lên cổ” chạy cho xong việc. Kinh nghiệm cho thấy, những bệnh viện nào có hệ thống quản lý tốt, các phòng, khoa quản lý, bố trí và thực hành công việc đều đặn, đúng tiến độ, không dồn nhiều vào cuối năm thì nhân viên bớt được căng thẳng. Áp lực cân bằng giữa công việc và các mặt khác trong cuộc sống cá nhân.
Gia đình là yếu tố gây stress khá thường gặp ở nhân viên y tế trong giai đoạn giáp Tết. Họ cũng có nhu cầu chuẩn bị Tết cho gia đình mình, lên kế hoạch chi tiết cho dịp tết, về quê xa (vé tàu, xe, máy bay), du lịch, thăm cha mẹ, họ hàng…Việc lập kế hoạch cho Tết đoàn viên cần cân bằng với lịch trực Tết, nơi nghỉ tết bên vợ hay chồng, chuẩn bị tài chính, quà cáp cho nhiều người…Những xung đột quan điểm trong gia đình thường hay xuất hiện dịp này, thêm căng thẳng khác làm cảm xúc, thái độ của nhân viên y tế bị cộng hưởng theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến các hành vi không hay, cãi vã gay gắt với nhau, đẩy căng thẳng lên cao trào.
Tài chính là yếu tố không nhỏ gây stress. Nhiều người nhìn vào nhân viên y tế mặc định họ thu nhập cao, nên một số người trong họ hàng, trong gia đình có suy nghĩ trông chờ vào dịp “gặp nhau cuối năm” để được nhân viên y tế “hỗ trợ” phần nào. Bản thân họ thu nhập không cao cũng bị mặc cảm tự ti, so sánh với bạn bè, với các ngành thưởng nhiều về vật chất (như ngân hàng, điện lực…), nên họ cảm thấy không vui. Nhiều nhân viên y tế phải trả nợ vay ngân hàng, hoặc bên ngoài cho việc mua nhà trả góp, thuê nhà ở, cuối năm lại càng bức bách về tài chính.
Bạn bè, người thân, người yêu ngắm nhìn, đòi hỏi, soi xét, so sánh họ với những người trong các ngành nghề khác là một lý do gây stress cho nhân viên y tế, đặc biệt trong dịp gần Tết, khi có cơ hội để gặp gỡ trao đổi. Sĩ diện, cái tôi của họ trong hoàn cảnh này thường được đem ra để suy xét!
Sức khoẻ bản thân nhân viên y tế trong giai đoạn giáp Tết có khi giảm sút do phải làm việc nhiều, thiếu thư giãn, giải trí, thể thao, bồi dưỡng không đầy đủ, chế độ đãi ngộ của một số bệnh viện không tốt, môi trường làm việc không an toàn, thiếu sự thông cảm từ người bệnh, người nhà, nhất là khi gặp sự cố y khoa, người nhà bệnh nhân có những hành vi thiếu tôn trọng, thậm chí gây tổn hại thể chất, bạo lực gây nguy hại cho nhân viên y tế, rất dễ đẩy họ vào bế tắc, vô vọng, mất niềm tin, chán nản, trầm cảm.
Xã hội, lòng tin bất ổn là những lý do gây stress cho một số nhân viên y tế dịp cuối năm, tuy không nhiều, nhưng những người bị mất cân bằng do hai yếu tố này thường rất khó điều chỉnh. Có người cho rằng, nhân viên y tế thường lo chuyện chuyên môn, bệnh tật, ít quan tâm đến diễn biến xã hội, nên ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này. Thực tế, nghề y là nghề chăm sóc sức khoẻ con người, cả về “thể chất, tinh thần và xã hội”, “không chỉ là không có bệnh tật” (theo định nghĩa sức khoẻ của Tổ chức Y tế Thế giới); đó là một nghề giao thoa giữa khoa học tự nhiên (kỹ thuật, công nghệ) và khoa học xã hội (mối tương tác giữa con người với con người và xã hội), khoa học tâm lý hành vi (các yếu tố tinh thần nội tại của mỗi NVYT và người bệnh, người nhà). Do vậy, yếu tố xã hội, niềm tin cốt lõi của nhân viên y tế bị bất ổn sẽ đẩy họ vào hố sâu của stress.
Làm thế nào để ứng phó với stress?
Khi đối mặt với stress, nhân viên y tế cũng như những người trong ngành khác thường có 04 hình thức ứng phó: chống lại lý do gây stress, bỏ chạy khỏi lý do gây stress, thu mình lại, thích ứng với stress. Stress có thể giúp nhân viên y tế trưởng thành và mạnh mẽ hơn nếu có thể ứng phó tốt, ngược lại, có thể đẩy họ vào trầm cảm hoặc tự sát. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, mỗi người có thể sử dụng một hoặc nhiều cách ứng phó với stress, giúp bản thân cân bằng lại giữa nhu cầu và mức độ thoả mãn để cải thiện chất lượng cuộc sống bản thân và hoà nhập với đơn vị, tổ chức, cộng đồng xã hội.
Về kỹ thuật tâm lý ứng phó với stress có 04 bước:
- Bước 1: Nhận diện lý do gây stress (từ 08 mặt của cuộc sống: gia đình; bản thân; bạn bè, người thân yêu; tài chính; công việc, học tập, thăng tiến; thể thao, thư giãn, giải trí; lòng tin; xã hội)
- Bước 2: Lượng giá, xếp hạng lý do nào quan trọng với bản thân
- Bước 3: Lựa chọn lý do ưu tiên giải quyết (lý do gây stress dễ giải quyết nhất, dễ thành công nhất, được chọn xử lý trước)
- Bước 4: Thực hành kiểm soát stress, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với bản thân.
Cá nhân mỗi người cũng nên tự vấn bản thân xem mình có phải là người mong cầu quá nhiều trong cuộc sống không? Nếu có thì những nhu cầu ấy cần được xem xét, đánh giá và điều chỉnh lại sao cho phù hợp đúng mức. Đôi khi trong công việc, nhân viên y tế đã biết đặt mục tiêu SMART một cách hiệu quả chưa, dám nói ”không” để từ chối nhiệm vụ được giao chưa thật sự phù hợp với mình chưa? Nếu bản thân cảm thấy mình không thể thay đổi được gì thì nên chấp nhận thực tại, không nên lăn tăn, khó chịu gây ức chế căng thẳng.
Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng
Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ chí Minh